Hợp sức, đồng lòng xây dựng đời sống mới ở Tây Nguyên

Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên có bước phát triển nhanh và bền vững trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là kết quả của nhiều phong trào, chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' đã thấm sâu vào đời sống nhân dân, khơi dậy nội lực, tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.

 Thư viện lưu động của tỉnh Gia Lai hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn tri thức.

Thư viện lưu động của tỉnh Gia Lai hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn tri thức.

Điểm nổi bật trong thực hiện phong trào ở các tỉnh Tây Nguyên là đã phát huy mạnh mẽ nội lực của nhân dân, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phong trào được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, cuộc vận động ở mọi cấp, mọi ngành. Tỉnh Gia Lai đã phát động thi đua xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Xây dựng cơ quan, công sở, môi trường làm việc không khói thuốc”, “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, gương người tốt, việc tốt... Tỉnh Kon Tum đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Hầu hết các địa phương của tỉnh Đắc Lắc khi triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đều được người dân đồng thuận, ủng hộ. Các mô hình ở Đắc Lắc, như: “Gia đình hạnh phúc”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Khu dân cư không có tệ nạn”… tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, xã hội. Giai đoạn 2016-2018, thông qua các phong trào, tỉnh Đắc Lắc đã huy động sức dân đóng góp 178 tỷ đồng, hiến tặng hơn 182.000m2 đất để nâng cấp, sửa chữa và làm mới hơn 340km đường giao thông thôn, hơn 10km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2017, người dân tỉnh Gia Lai đã ủng hộ 117,338 tỷ đồng, hiến tặng 67.360m2 đất và góp 17.788 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa.

Đánh cồng chiêng trong lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Đi trên con đường bê tông của thôn 1 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), hai bên là những ngôi nhà khang trang ngói mới đỏ tươi xen lẫn vườn cà phê xanh mướt, hun hút tầm mắt, ít ai nghĩ đây là nông thôn ở một huyện biên giới vốn nhiều khó khăn. Thôn có 135 hộ với 527 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông với tổng diện tích canh tác 192ha, trong đó cây cà phê chiếm 173ha. Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ban cán sự thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cà phê đạt hơn 15 tấn/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm. Thôn luôn đạt khu dân cư văn hóa, 81% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2017.

Người H’Mông hòa nhập và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình khi đến định cư trên đất Gia Lai.

Theo anh Nguyễn Văn Hưng, Phó ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã Ia Yok: 12/13 thôn, làng của xã Ia Yok đều đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục trở lên; toàn xã có 1.605 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 76,9%), vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ và HĐND xã đề ra. Anh Hưng khẳng định: “Ia Yok có được như ngày hôm nay một phần nhờ huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới. Từ năm 2010 đến nay, người dân đã đóng góp hơn 5 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, tiêu biểu như gia đình ông Lại Văn Ơn, ở thôn Tân Thành, đã đóng góp 20 triệu đồng và hiến 100m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Thôn 1 và thôn Tân Hợp đang là khu dân cư kiểu mẫu của xã”.

Cuối năm 2015, Tân Cảnh là một trong hai xã đầu tiên của huyện Đắc Tô (Kon Tum) đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 5 năm so với kế hoạch, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Cảnh đạt hơn 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 5%; hơn 87% hộ đạt đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 8/8 thôn đạt danh hiệu thôn, làng văn hóa... Làm thế nào để một xã có tới gần 50% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông lại có sự bứt phá ngoạn mục như vậy? Già làng A Hon (thôn Đăk Ri Peng 2, xã Tân Cảnh) phấn khởi nói: “Xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên ai cũng tích cực hưởng ứng. Việc của thôn, của xã thì cùng chung tay gánh vác, cùng nhau giữ gìn an ninh thôn làng, bỏ tập tục lạc hậu, xa lánh các loại tệ nạn xã hội, rượu chè bê tha. Ai còn nghèo thì đăng ký thoát nghèo, ai chưa được công nhận gia đình văn hóa thì phấn đấu để được công nhận. Có quyết tâm thì chính quyền và cộng đồng sẽ hỗ trợ”.

Đội cồng chiêng làng Rẽ (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) biểu diễn mừng năm mới.

Ông Phạm Hồng Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai khẳng định: "Biết huy động sức dân thì mọi việc sẽ thành công. Phong trào đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn và văn minh đô thị của tỉnh Gia Lai. Nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 24,7% thôn, làng, khu phố và 34,78% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, thì đến nay đã có 74,68% thôn, làng, tổ dân phố và 75,43% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa".

Tìm hiểu thực tế tại hai tỉnh Kon Tum và Đắc Lắc, chúng tôi ghi nhận những hiệu quả tích cực từ phong trào mang lại. Tỉnh Kon Tum đã có 76,66% khu dân cư đạt danh hiệu dân cư văn hóa, 72,13% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh Đắc Lắc đã có 350.084 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 1.779 thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Nhiều di sản văn hóa, lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên được bảo tồn và phát huy. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Các tập tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang được bãi bỏ; vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm, tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, phấn khởi lao động, sản xuất, nỗ lực thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hop-suc-dong-long-xay-dung-doi-song-moi-o-tay-nguyen-551179