Hộp sọ khỉ đầu chó 3.300 tuổi hé lộ lịch sử vương quốc cổ đại bí ẩn

Truyền thuyết Ai Cập cổ đại kể rằng có một vùng đất xa xôi huyền diệu - gọi là Punt hay 'vùng đất của Chúa' - nơi những du khách gan dạ có thể thu được những vật phẩm kỳ diệu như vàng, trầm hương và mộc dược. Các nhà khảo cổ học tin rằng Punt thực sự tồn tại, nhưng họ mới tìm thấy bằng chứng đầu tiên: một hộp sọ khỉ đầu chó 3.300 tuổi.

Hộp sọ khỉ đầu chó 3.300 tuổi được cho là đến từ Punt.

Hộp sọ khỉ đầu chó 3.300 tuổi được cho là đến từ Punt.

Người Ai Cập bắt đầu du hành đến Punt khoảng 4.500 năm trước và tiếp tục đi lại vùng đất này trong hơn 1.000 năm, theo các ghi chép bằng chữ tượng hình của họ. Nhưng mặc dù những ghi chép và tác phẩm nghệ thuật đó liệt kê những vật phẩm mà người Ai Cập mang về từ Punt - nhựa, kim loại, gỗ cứng và động vật kỳ lạ - từ trước đến nay, các nhà khảo cổ học không tìm thấy bằng chứng nào về những vật phẩm này.

Cho đến khi họ phát hiện một hộp sọ khỉ đầu chó 3.300 tuổi.

Nathaniel Dominy, nhà linh trưởng học tại Đại học Dartmouth, và các đồng nghiệp đã phát hiện ra mẫu vật hộp sọ khỉ đầu chó được lưu trữ tại Bảo tàng Anh. Hài cốt thuộc về một con khỉ đầu chó hamadryas được các nhà khảo cổ học thế kỷ 19 phát hiện ở thành phố Thebes của Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập tôn kính khỉ đầu chó hamadryas như hiện thân của Thoth, một vị thần thông thái, và Amun-Ra, thần Mặt trời. Nhưng khỉ đầu chó không sinh sống tự nhiên ở Ai Cập.

Dominy và đồng nghiệp đã nghiên cứu các đồng vị hóa học trong men răng của khỉ đầu chó để tìm manh mối về nơi con vật sinh ra. Đất và nước trong một khu vực nhất định có tỷ lệ đồng vị stronti (một nguyên tố kim loại có thể hoạt động như một dấu vân tay địa lý, vì thành phần của nó khác nhau giữa các vị trí và thường xâm nhập vào chuỗi thức ăn của động vật) riêng. Dấu hiệu đồng vị này được lưu lại trong men răng từ những năm đầu đời của con vật và không thay đổi ngay cả khi nó chuyển đến sống ở những vùng đất khác.

Người Ai Cập cổ đại tôn kính khỉ đầu chó và vẽ những bức tranh về chúng trong lăng mộ của Tutankhamun.

Tỷ lệ stronti trong men răng khẳng định rằng con khỉ đầu chó cổ đại này không sinh ra ở Ai Cập. Đối chiếu với phân tích về tỷ lệ stronti ở 31 con khỉ đầu chó hiện đại từ khắp Đông Phi và Bán đảo Ả Rập cho thấy con khỉ "cổ đại" được sinh ra ở một khu vực trải dài trên Eritrea, Ethiopia và tây bắc Somalia ngày nay, nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí eLife.

Vị trí này trùng hợp với các giả thuyết về vị trí của Punt, ngụ ý rằng con khỉ đầu chó là vật báu vùng đất Punt đầu tiên được biết đến, Dominy nói.

Kathryn Bard, nhà khảo cổ học tại Đại học Boston, cho biết, các cảng của Punt có thể nằm ở Eritrea, hoặc ở phía đông Sudan. Từ năm 2001 đến năm 2011, bà và nhà khảo cổ quá cố Rodolfo Fattovich đã khai quật một địa điểm có tên Mersa / Wadi Gawasis trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập và tìm thấy một dòng chữ trên đá 2.800 năm tuổi ghi lại một chuyến đi đến Punt. Họ cũng phát hiện ra những mảnh gốm mang phong cách đặc trưng của vùng đất thấp Sudan-Eritrean, có lẽ thu được ở Punt.

Nghiên cứu mới, theo Bard, cung cấp “một bằng chứng khác về vị trí của Punt.” Nhưng bà nói rằng con khỉ đầu chó không phải là vật báu Puntite được biết đến đầu tiên, vì cuộc khai quật của bà tại Mersa / Wadi Gawasis đã phát hiện ra những mảnh gỗ mun và đá thủy tinh núi lửa (obsidian) quý giá.

Song Dominy nói, không chắc những đồ vật đó đã đến từ Punt, ví dụ như gỗ mun có thể phân bố rộng khắp châu Phi.

Pearce Paul Creasman, nhà khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông của Mỹ, cho biết phát hiện mới này là một thành tựu đáng kể. “Đó là một bước cực kỳ quan trọng để hiểu rõ hơn về vùng đất bí ẩn này.”

Theo Hoàng Nam/Khoa học và phát triển

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hop-so-khi-dau-cho-3-300-tuoi-he-lo-lich-su-vuong-quoc-co-dai-bi-an/20210302074935546