Họp phụ huynh đầu năm: Bao giờ giáo viên được thoát kiếp 'đòi nợ thuê'?

Không chỉ phụ huynh sợ họp đầu năm, mà giáo viên cũng không mặn mà, vui vẻ gì với chuyện nhắc phụ huynh về các khoản thu. Có thầy cô ước ao: Bao giờ giáo viên được thoát kiếp 'đòi nợ thuê'?

Làm xấu đi hình ảnh người thầy

Đầu năm học mới, câu chuyện tiền trường lại làm đau đầu cả phụ huynh và giáo viên. Nhiều giáo viên tâm sự, cuộc họp đầu năm thầy cô cũng muốn không khí được vui vẻ, tránh nhắc đến chuyện tiền nong. Nhưng khổ nỗi, giáo viên được nhà trường giao nhiệm vụ giải thích, vận động phụ huynh về các khoản thu đầu năm. Thậm chí, nhiều trường còn nhờ giáo viên thu hộ nhiều khoản tiền.

Vì thế, hầu như giáo viên nào cũng phải đưa nội dung “bàn chuyện thu-chi” vào buổi họp phụ huynh đầu năm học. Điều này có thể khiến phụ huynh có ấn tượng không tốt.

Từng là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên tại Hà Nội) đã đưa ra thông điệp “Xin hãy giải phóng cho giáo viên chủ nhiệm khỏi kiếp nợ nần” nhận được ủng hộ của nhiều thầy cô.

Thầy Tùng nói mình rất sợ việc thu tiền và “100% số thầy cô giáo được hỏi cũng sẽ có nỗi sợ hãi giống như vậy”.

Giáo viên Trần Mạnh Tùng.

Lý do thầy Tùng đưa ra là: “Việc giáo viên chủ nhiệm phải thu các loại tiền làm mất nhiều thời gian chuyên môn và đặc biệt, làm giảm hình ảnh thầy cô trong học trò và phụ huynh, ngày càng không phù hợp trong môi trường chuyên nghiệp hiện nay…

Rất nhiều giáo viên chủ nhiệm đã phải tranh thủ giờ dạy của mình hoặc giờ dạy của đồng nghiệp để vào lớp thu tiền. Giáo viên khó tập trung chuyên môn khi liên tục phải hối thúc học sinh đóng các khoản phí, trong cặp thì tả pí lù các loại bảng kê, danh sách thu tiền…

Một đồng nghiệp của tôi bức xúc: Đó không phải là chuyên môn, cũng không phải là trách nhiệm của người thầy. Đừng để người thầy vừa đứng lớp rao giảng đạo đức rồi sau đó phải canh phụ huynh, học sinh để… đòi tiền.

Một đồng nghiệp khác lại chua chát: Trường sư phạm nên có thêm môn học hoặc phần bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tài chính, đòi nợ cho giáo viên”.

Việc các trường học hiện nay yêu cầu giáo viên nhắc phụ huynh việc đóng tiền đã đẩy giáo viên thành chủ nợ bất đắc dĩ của phụ huynh và là con nợ của nhà trường.

Bao giờ thu-chi trong trường học được minh bạch?

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, hiện nay nhiều địa phương như TPHCM, Khánh Hòa và trường tư thục tiến bộ… đã tiên phong “cởi trói” cho giáo viên bằng cách yêu cầu nhà trường minh bạch thu chi các khoản đóng góp đầu năm học.

Ở những địa phương này, giáo viên không được trực tiếp thu tiền từ học sinh, không được nhắc học sinh, phụ huynh việc nộp các khoản tiền.

Mọi khoản thu-chi nhà trường sẽ thông báo bằng văn bản cho phụ huynh. Cha mẹ sẽ đóng tiền ở bộ phận tài chính, kế toán có biên lai thu tiền, chứ không phải thông báo miệng ở lớp, đóng tiền không có biên lai. Việc này sẽ tránh phần nào nạn lạm thu trong trường học, cũng như giải tỏa áp lực, bức xúc cho cả giáo viên và phụ huynh.

Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cũng cho rằng, chức năng của giáo viên là dạy học, không phải là người vận động thu tiền. Cần minh bạch hóa các khoản tiền trường để phụ huynh nắm bắt, đồng thời không nên đưa công tác tài chính thu tiền để đánh giá thành tích, thi đua của nhà trường hay giáo viên. Ông sợ nhất các trường "ngại" và không muốn minh bạch.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hop-phu-huynh-dau-nam-bao-gio-giao-vien-duoc-thoat-kiep-doi-no-thue-628863.ldo