Hợp nhất

Một quyết tâm chính trị rất cao đã được Đảng cụ thể hóa bằng việc ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả'. 6 mô hình thí điểm đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện.

Từ thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện cho đến thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện cũng được yêu cầu thí điểm sau khi mô hình này đã áp dụng thành công tại một số tỉnh trong thời gian qua. Và điểm mới của Kết luận này là thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung hiện đang được Quốc hội và nhiều ban, ngành cho ý kiến.

Việc hợp nhất các cơ quan là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương 6 về “đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả”. Đây là một sự “bỡ ngỡ” nhưng không phải lần đầu được đề cập đến trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Bởi lẽ, năm 2009, Quốc hội đã quyết định thí điểm không tổ chức HĐND đối với 10 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang.

Trong quá trình thực hiện, kết quả cho thấy đã tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính; giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND quận, huyện, phường nhưng bảo đảm quản lý nhà nước trên địa bàn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Báo cáo tổng kết của Chính phủ về quá trình thực hiện cho thấy, có đến 53% số người được hỏi cho rằng từ khi thực hiện thí điểm đến nay, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hay như việc, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành công trong mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch huyện;Bí thư, kiêm Chủ tịch nhiều phường xã. Nói như vậy để thấy, bước đầu chúng ta đã có “kinh nghiệm” trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Và đến nay việc thí điểm hợp nhất cũng đã tích lũy được những bài học kinh nghiệm về tổ chức bộ máy.

Nguyên nhân sâu xa, vấn đề tổ chức lại bộ máy không phải đến nay mới đề cập đến. Đó cũng là nỗi trăn trở của cử tri trong thời gian qua khi bộ máy hành chính nhà nước đông nhưng không mạnh, nhiệm vụ vẫn chồng chéo trong khi hiệu quả xử lý công việc thấp, quá nhiều tầng nấc khiến sức ì ngày càng lớn. Nếu không đổi mới e rằng sẽ lạc hậu. Vì thế tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Mặt trận thì vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả luôn được cử tri đề cập đến bên cạnh phòng chống tham nhũng. Bởi cán bộ xưa nay luôn được coi là vấn đề gốc rễ. Tại thời điểm đó, Tổng Bí thư đã lưu ý về sự thận trọng trong thay đổi cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước.

Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay nằm ở chỗ, đằng sau sự hợp nhất phải cơ cấu lại tổ chức bên trong của cơ quan hợp nhất theo hướng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Qua đó bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong tổ chức và hoạt động, phù hợp tình hình thực tế, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chứ không phải là những hợp nhất mang tính “cơ học” như lâu nay. Mặt khác, khi hợp nhất số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất phải giải quyết được tình trạng “lạm phát cấp phó” bằng việc bổ nhiệm thần tốc hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” trong thời gian qua. Còn đối với thủ tục hành chính khi giải quyết công việc phải xây dựng được cơ chế vận hành và các quy trình giải quyết công việc theo nguyên tắc không trùng lặp, không phát sinh khâu trung gian.

Thu gọn đầu mối, sáp nhập các đơn vị tương đồng chức năng, nhiệm vụ liệu có giảm đáng kể biên chế? Đó là câu hỏi đang được đề cập đến. Kinh nghiệm thực tiễn từ Trung ương đến địa phương cho thấy, rất nhiều trường hợp sáp nhập nhưng đầu mối không giảm, biên chế phình thêm. Hay như mô hình tổ chức sau khi sáp nhập, thu gọn sẽ đổi mới theo hướng nào để tăng tính hiệu lực, hiệu quả và không lặp lại hội chứng “nhập vào tách ra”, “tách ra nhập vào”? Đó là những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đang lấy ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Theo đó, hàng ngàn huyện, xã sẽ thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Cụ thể, 637 xã, 16 huyện cần phải xem xét, sáp nhập. Sáp nhập không chỉ đơn thuần là việc gộp cơ học mà còn phải sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ dôi dư. Muốn vậy, vấn đề cần giải quyết chính là tuyển chọn người lãnh đạo ở những vị trí đã hợp nhất. Bởi cán bộ, công chức trong các cơ quan hợp nhất chỉ có thể phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình bằng một sự chọn lọc xứng đáng. Do đó, để giải quyết bài toán 1 “ghế” nhưng có tới 2-3 cấp trưởng đều có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức như nhau, cách tối ưu nhất được ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập đến chính là tổ chức thi tuyển bình đẳng, minh bạch, khách quan để chọn lựa đúng người xứng đáng. Đặc biệt phải kiểm soát quyền lực người đứng đầu sau khi sáp nhập.

Vì vậy, theo ông Hòa, cấp trên, tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể, đặc biệt là cơ quan dân cử phải tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực, có ý kiến đóng góp để người đứng đầu thấy rằng họ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phục vụ nhân dân và mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân. Và không phải là ngẫu nhiên trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ, phân công phân cấp với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Nhưng trước tiên, nếu muốn chọn lựa được cán bộ có năng lực, trình độ sau khi hợp nhất, cần có cơ chế chính sách tiền lương cho cán bộ sao cho tương xứng, để cán bộ có thể toàn tâm phụng sự mà không phải chạy theo “lương chưa kịp giá”, để không còn nghĩ đến “cơm áo” khi đồng lương thực tế mới đáp ứng được 70% nhu cầu cuộc sống. Có như vậy, cán bộ mới tránh khỏi những tiêu cực phát sinh.

Hoài Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/hop-nhat-tintuc412925