Hợp nhất 3 văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND, UBND:Kiểm soát quyền lực thế nào?

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 27, cho ý kiến vào Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, sau khi hợp nhất thì bộ máy, biên chế sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, ông Bình cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề kiểm soát quyền lực sau khi hợp nhất, đề nghị cần tổng kết, đánh giá khi kết thúc thí điểm.

Đánh giá việc hợp nhất sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm được ngân sách vì giảm được biên chế, giảm được cán bộ lãnh đạo, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải băn khoăn về hiệu quả hoạt động sau khi hợp nhất. “Chúng ta đã từng nhập nhiều sở, đang làm cấp trưởng, giờ xuống cấp phó, rất tâm tư nên phải mất vài năm làm công tác tư tưởng”, ông Hải nêu thực tế.

Thí điểm hợp nhất tại 10 tỉnh trong vòng 1 năm

Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng khi hợp nhất sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp và Trưởng đoàn ĐBQH.

Dự kiến, việc hợp nhất các văn phòng này sẽ được thí điểm tại 10 địa phương gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP HCM, Tây Ninh, Tiền Giang. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019. Sau đó, các địa phương chủ động báo cáo tổng kết đánh giá để làm cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung 3 luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nên thí điểm ở những địa phương nào đủ điều kiện, còn nơi nào chưa đủ điều kiện không nên ép buộc, vì như thế sẽ sinh ra phức tạp cho lãnh đạo toàn diện ở địa phương. Về nhân sự, khi hợp nhất thì từ 3 Chánh văn phòng sẽ chỉ còn 1 Chánh văn phòng, thậm chí người giữ vị trí này có thể chuyển từ nơi khác về, ông Giàu đề nghị cân nhắc thận trọng phương án xử lý để đảm bảo công bằng, trong đó có thể xem xét giữ chế độ lương, phụ cấp.

Liên quan nhân sự Chánh văn phòng sau khi hợp nhất, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, khi hợp nhất thì người đứng đầu Văn phòng chung không thể vừa là thành viên Thường trực HĐND vừa là thành viên UBND cấp tỉnh. Vì vậy, việc Đề án xác định Chánh văn phòng không phải là thành viên HĐND và cũng không phải là thành viên UBND là hợp lý, tạo được sự độc lập cho Chánh văn phòng khi thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo Văn phòng chung tham mưu, phục vụ cho cả Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.

Giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng thừa nhận phương thức và mối quan hệ công tác khi về chung một văn phòng là vấn đề khó. “Anh em cũng nói chuyện, ba con một cha thì dễ chứ ba cha một con thì khó lắm. Khi hợp nhất thì có thể chọn một trong ba người làm Chánh văn phòng, hoặc có thể không chọn những người này tùy thuộc vào quyết định của địa phương”, ông Phúc nói.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hop-nhat-3-van-phong-doan-dbqh-hdnd-ubndkiem-soat-quyen-luc-the-nao-d272399.html