Hợp lực bảo vệ các vựa lương thực thế giới

Bài, ảnh: MỸ THANH

Là nơi sinh sống của 177 triệu dân, trong đó có 36% là người nghèo, các khu vực đồng bằng châu Á là những vựa lương thực của quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, hệ thống lương thực những vùng châu thổ này đang chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; thách thức đô thị hóa và di cư; các điểm nóng mới nổi về nạn đói... Từ thực tế đó đặt ra vấn đề các vựa lương thực cần liên kết với nhau để tìm ra giải pháp ứng phó với thách thức trước mắt và lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa tại vùng ÐBSCL.

Thu hoạch lúa tại vùng ÐBSCL.

Nỗ lực tìm giải pháp

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) phối hợp với các đối tác tại Việt Nam và Campuchia tổ chức hội nghị khởi động Sáng kiến bảo vệ hệ thống lương thực tại vùng đồng bằng lớn của châu Á để đảm bảo sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu (Sáng kiến AMD). Sáng kiến AMD tập trung vào 3 vùng đồng bằng lớn của châu Á bao gồm đồng bằng Ganges-Brahmaputra tại Bangladesh và Ấn Ðộ, đồng bằng Irrawaddy tại Myanmar và ÐBSCL tại Việt Nam.

TS Björn Ole Sander, Trưởng đại diện Viện lúa quốc tế (IRRI) tại Việt Nam, Trưởng Sáng kiến AMD, nhấn mạnh vai trò của các vùng đồng bằng lớn của châu Á như những “giỏ thực phẩm” cho các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu chính của sáng kiến là xây dựng các vùng đồng bằng này có khả năng duy trì tính toàn vẹn sinh thái - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và các áp lực khác. Ðồng thời, hỗ trợ sự thịnh vượng và phúc lợi của cư dân, bằng cách loại bỏ các rào cản mang tính hệ thống đối với việc nhân rộng các công nghệ và thực hành mang tính chuyển đổi ở các cấp độ cộng đồng, quốc gia và khu vực.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý trình bày, thảo luận về thực trạng phát triển các vùng đồng bằng. Từ đó, thiết kế kế hoạch hành động đáp ứng tốt hơn với các bên liên quan; đồng thời đề xuất ý kiến và phản hồi cho nhóm Sáng kiến AMD giúp xây dựng chương trình đáp ứng được nhu cầu của các nông hộ nhỏ và các khu vực. Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vùng ÐBSCL không chỉ đóng vai trò vựa lương thực quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, ÐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức: biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản hạn chế; tiếp cận thị trường khó khăn…

“Chính phủ luôn tìm kiếm cơ hội, giải pháp để vùng đất này thích ứng và chuyển mình thông qua cơ cấu lại hệ thống cây giống, mùa vụ cây trồng, đa dạng hóa cây trồng trên diện tích trồng lúa để tránh xâm nhập mặn, tránh rủi ro thị trường. Ðồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện các mô hình canh tác tiên tiến “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Tất cả đều hướng tới quản lý cây trồng tổng hợp theo hướng tích cực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra” - TS Nguyễn Hồng Sơn thông tin.

Tăng kết nối

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với vị trí trung tâm ÐBSCL, trên trục giao thương giữa vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Ðồng Tháp Mười và TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hệ thống thực phẩm cho toàn vùng cũng như cả nước. Trước những thách thức đặt ra đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần có giải pháp và chiến lược lâu dài phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, thành phố rất hoan nghênh Sáng kiến AMD. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng, trung tâm CGIAR và các đối tác khác để xây dựng và thực hiện Sáng kiến AMD đạt mục tiêu đề ra.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Với mục tiêu xây dựng các vùng đồng bằng có khả năng thích ứng tốt, có khả năng phục hồi và có tính bao quát trong toàn khu vực và các vùng lân cận khu vực sông Mekong. Sáng kiến AMD không còn nằm trong phạm vi của vùng đồng bằng canh tác lúa mà có thể liên kết giữa các vùng đồng bằng canh tác lúa với nhau. Thông qua Sáng kiến AMD, ngành trồng trọt sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm CGIAR, phát huy kinh nghiệm từ các chương trình hợp tác trước đây, đặc biệt là cách tiếp cận có sự tham gia và trao quyền cho đối tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Theo TS Björn Ole Sander, Sáng kiến AMD tập trung hỗ trợ 5 lĩnh vực ưu tiên: hệ thống sản phẩm phù hợp với các vùng đồng bằng; hệ thống nông sản châu thổ giàu dinh dưỡng; chuỗi giá trị định hướng đồng bằng ít rủi ro; quản lý các hệ thống đồng bằng toàn diện, bình đẳng giới và hòa nhập; lập kế hoạch phát triển đồng bằng dựa trên bằng chứng thực tế. Qua đó, dự kiến mang đến tác động và lợi ích cho khoảng 4,8 triệu người từ việc thích ứng với khí hậu thông qua việc sử dụng các dịch vụ tư vấn kỹ thuật số về khí hậu, cải tiến thực hành nông học và tăng thu nhập từ các đổi mới này. Ðồng thời, khoảng 1,24 triệu người được hưởng lợi từ việc cải thiện dinh dưỡng cả trực tiếp và gián tiếp thông qua các chính sách và can thiệp nhạy cảm về dinh dưỡng, áp dụng các dịch vụ tư vấn kỹ thuật số về khí hậu và quản trị xuyên ngành toàn diện. Bên cạnh đó, các hoạt động nông nghiệp thông minh, các can thiệp nhạy cảm với dinh dưỡng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo bằng cách nâng cao thu nhập từ nông trại và việc làm cho khoảng 14,3 triệu người…

Sự ra đời của Sáng kiến AMD với những gói hỗ trợ kịp thời và sự hợp lực từ các quốc gia sẽ góp phần bảo vệ các vùng đồng bằng châu Á vượt thách thức, thích ứng linh hoạt và vươn tới sự phát triển bền vững.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hop-luc-bao-ve-cac-vua-luong-thuc-the-gioi-a149380.html