Họp lớp hay họp ma men?!

Làm nên kết nối mạnh mẽ chưa từng có giữa hai nhóm trung niên là cựu học sinh trung học niên khóa 91-94 và 95-98 tại thủ đô rất đáng tiếc là một tai nạn. Xảy ra đêm 30/4, rạng sáng 1/5, cướp đi mạng sống của hai bà mẹ cùng học trường Quang Trung. Người gây tai nạn trước đây học Chu Văn An khai nhận trong hơi men: vừa đi họp lớp.

Dư luận còn chưa hết đau xót vì một chị công nhân quét rác hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Lý do tương tự là ma men. Đặc biệt đêm 22 rạng sáng 23/4 ấy, Hà Nội ghi nhận 6 vụ tai nạn giao thông đều kinh hoàng. Không biết trong những vụ ít được truyền thông quan tâm hơn còn bao nhiêu người cầm lái sau khi có hơi men…

Hoàn cảnh của người mẹ tối quét đường sáng chạy xe ôm khó khăn đến mức tưởng như về góc độ tâm linh, chị đã đổi mạng sống của mình lấy tương lai cho con(!) Hai cháu bé được cơ quan của chị và cộng đồng hỗ trợ tận tình. Hai phụ nữ tử nạn trong hầm Kim Liên cũng vất vả không kém, một người còn để lại đứa con tự kỷ. Theo báo chí, cả vạn người đã tới đưa tang hai người bạn sinh cùng năm chết cùng ngày. Ngoài sự tiếc thương, lượng người kỷ lục còn nói lên sự phẫn nộ của cộng đồng trước tệ nạn lái xe say rượu hoặc “ngáo đá” đã đến mức trầm trọng thời gian gần đây.

Hai cộng đồng cựu học sinh ngoài việc bảo nhau khắc phục hậu quả tai nạn còn thiết kế những khẩu hiệu để lồng vào hoặc thay thế ảnh đại diện Facebook: “Phía trước tay lái là cuộc sống”, “Không lái xe khi đã uống rượu bia”… Chứng kiến lần lượt những trang Facebook đổi hình, đổi màu… có thể thấy sự quyết tâm đồng lòng nhằm chặn đứng một tệ nạn, một thói quen đã ngấm vào máu quá nửa đàn ông Việt. Những người được kế thừa mặc cảm lớn lao trước bia rượu từ cha anh họ: Uống mới đáng mặt đàn ông; Uống hay coi khinh bạn bè; Uống hay lạc lõng, ra rìa… Vấn đề là phải uống đến lúc gục ngã hoặc mất kiểm soát mới là người Việt(!)

Bộ Y tế đưa con số kinh hoàng, trong 5 năm (tính từ 2010), số nam giới uống bia rượu tăng 15%! Hơn 44% nam và 1,2% nữ sử dụng rượu bia ở mức có hại (tức trong tháng trước đó có ít nhất một lần uống 60g cồn trở lên). Ước tính 30% số vụ gây rối trật tự, 70% vụ phạm pháp hình sự mỗi năm do bia dẫn lối rượu đưa đường. Việt Nam mất 65 nghìn tỉ đồng/năm khắc phục hậu quả rượu, bia gây ra. Những con số được coi là biết nói nhưng tác động vẫn không thể nào bằng đau thương mất mát có thật.

Trước khi luật pháp vào cuộc, hy vọng nỗ lực nói không với bia rượu (ít nhất khi lái xe) lần này của cộng đồng sẽ tiếp tục nhân rộng. Để mỗi gia đình không phải giật mình khi có thành viên thông báo đi “họp lớp” hay “liên hoan tổng kết”.

AN SƠN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/hop-lop-hay-hop-ma-men-1410146.tpo