Họp khẩn về dịch tả lợn châu Phi, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt

Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát dịch vào từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng có liên quan đã có nhiều biện pháp cảnh báo, ngăn chặn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lan rộng trên 16 tình thành và có nguy cơ nhân rộng. Chiều ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp khẩn với các Tổng Cục, Cục, Vụ , Viện… đơn vị có liên quan của Bộ để đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp trọng tâm, cụ thể để quyết liệt đối phó với tình hình dịch hiện nay.

Phát biểu ngay tại đầu buổi họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, dịch tả lợn Châu Phi đã kéo dài âm ỉ, có dấu hiệu, nguy cơ, lây lan dịch bệnh ngay từ cuối năm 2018. Những Chỉ thị của Chính phủ cũng đã được các đơn vị triển khai từ 2018, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp. Đầu năm 2019, dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương và đến nay đã có 16 tỉnh thành trên cả nước với mức độ lây lan nhanh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo các lực lượng quyết liệt chống dịch bệnh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo các lực lượng quyết liệt chống dịch bệnh

Đánh giá về nguyên nhân gây ra tình trạng này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho rằng: việc xuất hiện và lây lan dịch là do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng. Cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...).

Trong khi đó, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Môt lý do nữa là việc bệnh không lây cho người đã khiến nhiều hộ kinh doanh vẫn tiếp tục chế biến, tuy nhiên nhiều sản phẩm thừa có mầm bệnh vẫn thu mua lại cho chính lợn ăn đã khiến mầm bệnh quay vòng.

Kiểm soát tình hình từ gốc đến ngọn, trực chốt 24/24

Đánh giá nguyên nhân và tình hình, Tổng cục QLTT đã có công văn số 325/TCQLTT-CNV ngày 20/2/2019 yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, Cục QLTT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông...

Tại các địa phương, Cục QLTT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.

Lực lượng QLTT tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương trực 24/24/ tại các trạm chốt

Đối với những tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; Đặc biệt, cử công chức trực 24/24 giờ tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn… và có báo cáo liên tục từng ngày.

Đơn cử, tại Hà Nội, tính đến ngày 14/3, lực lượng QLTT đã tham gia 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông gồm chốt cầu Phủ Lỗ, chốt Dốc Vân, chốt cầu vượt Nam Hồng, chốt cầu Thăng Long, chốt Trung Giã và chốt chặn tại xã Thụy Lâm, cửa khẩu phường Lĩnh Nam. Ngoài ra, theo thông tin tố giác nhận được, lực lượng đã kịp thời phát hiện bắt giữ hơn 1 tấn hối thối, không có hóa đơn chứng từ chứng ming nguồn gốc. Vụ việc hiện đang được phối hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định.

Còn tại các điểm tỉnh bị dịch nặng, lực lượng QLTT càng siết chặt việc quản lý lưu thông hàng hóa một cách toàn diện, tránh để lọt nguồn thực phẩm lân lan.

Hiện tại, Tổng cục QLTT vẫn tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh, thành phố.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt.

Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; vận dụng các chế tài, biện pháp xử lý mạnh đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, xử lý tiêu hủy toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; trước khi tiêu hủy, lực lượng QLTT phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh…

Đảm bảo lợi ích cho người dân – doanh nghiệp

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - ông Trần Duy Đông cho biết, Vụ đã cùng đơn vị trong bộ theo dõi sát tình hình cung cầu, ko để xảy ra tình trạng bất ổn thị trường; đồng thời đề nghị lực lượng QLTT tăng cường kiểm soát lưu thông hàng hóa, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tăng cường kiểm soát lưu thông nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu, nhằm ngăn chặn xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông đánh giá tình hình dịch bệnh

Về vấn đề nguồn cung, ngày từ đợt cao điểm Tết Nguyên đán, nguy cơ về việc bùng phát dịch, Vụ Thị trường trong nước cũng đã đi làm việc với các địa phương, những nơi cung ứng thịt lợn nhiều nhất như Đồng Nai, Hà Nam... để đảm bảo nguồn nhập khẩu từ các nước không có dịch bệnh, tránh lây lan.

Theo tính toán hiện nay, lượng lợn bệnh bị tiêu hủy chỉ chiếm 0,03% tổng nguồn cung, việc nguy cơ thiếu cung trên thị trường là không quá lớn. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là những thông tin tuyên truyền chưa chính xác, chưa được kiểm chứng hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng giảm cầu, giá thịt lợn giảm mạnh sẽ gây tình trạng bất ổn trên thị trường, ảnh hưởng tới người sản xuất.

Chính vì thế, Tổ thị trường trong nước cũng sẽ có kế hoạch đối với nhà sản xuất nếu lượng cầu giảm, tránh ảnh hưởng nguồn cung sau này, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất.

Đối với Cục Xuất nhập khẩu, ngay sau khi có Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 và công văn số 10853/VPCP-V.I ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, Cục đã có văn bản tham mưu cho Bộ để góp phần đảm bảo nguồn cung cầu trong nước.

Theo đó, Cục đã rà soát các quy định pháp luật liên quan, trong đó, Luật Quản lý ngoại thương quy định việc khẩn cấp, ban hành việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cùng với đó, để tạo niềm tin cho người dân, tránh để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, Cục cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước đang có dịch bệnh, đặc biệt là nhập khẩu qua đường mòn lối mở, đường sắt, đường bộ...

Song song với đon, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho những hộ nông dân, những nhà chăn nuôi lợn...; Cùng hỗ trợ các thương nhân phân phối để tích trữ thịt lợn thời gian tới, đảm bảo nguồn thịt lợn dự trữ.

Đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, cần có kiểm soát mạnh hơn nữa bởi tình hình dịch có ảnh hưởng đến xuất khẩu, nếu ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ, giá cá thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kịch bản kinh tế, kịch bản tăng trường, CPI trong năm…

Hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn nữa ngăn chặn dịch

Ghi nhận sự chủ động vào cuộc của các đơn vị, lực lượng, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, diễn biến thực tiễn dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất phức tạp, đòi hỏi chúng ta không chỉ dừng ở những giải pháp đã nêu vừa qua mà phải đi vào thực tế đánh giá, có những kiến nghị cụ thể hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ, Tổng cục QLTT phải quán triệt thực hiện nghiêm việc xử lý dịch bệnh để không làm nhiêm ảnh hưởng lớn đến đời sống, người dân, doanh nghiệp, đến đời sống kinh tế, xã hội, CPI... và đặc biệt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đối với Tổng cục QLTT cần phải triển khai ngay, việc tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá về việc tổ chức triển khai nhiệm vụ của lực lượng QLTT, công tác phối hợp tại các địa phương đang có dịch bệnh, những địa phương có nguy cơ lây lan, tập trung các địa phương có đường biên giới....

Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT phải tổ chức 2 đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh trực tiếp đi kiểm tra trong tháng 3/2019.

Nội dung kiểm tra căn cứ chính vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng cục QLTT kiểm tra đánh giá cụ thể nhiệm vụ triển khai tại các địa phương, việc phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát dịch. Trên cơ sở diễn biến tại các địa phương cần làm rõ nguyên nhân, nguy cơ diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh.

Tổng cục QLTT phải có kế hoạch chương trình làm việc với địa phương, chủ động khai thác nguồn thông tin trên địa bàn, tạo hiệu quả trong việc kiểm soát tình hình, có cơ chế đặc biệt cụ thể cho các địa phương địa bàn nóng, trọng điểm, thường xuyên cập nhật số liệu. Từ đó rút ra những khó khăn vướng mắc trong hoạt động không chỉ trong thời điểm ngăn chăn dịch mà còn cơ chế phối hợp lâu dài đối với các cơ quan chức năng địa phương.

Ngoài ra, các đơn vị khác của Bộ như Văn phòng Bộ, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cần có đánh giá đầy đủ, số liệu cụ thể hơn về tình hình dịch bệnh, những tác động đến thị trường, nguy cơ dịch bệnh qua biên giới để có những giải pháp, phối hợp với Bộ NN&PTNT giải quyết dịch bệnh trong nước nhưng vẫn giữ được thị trường xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam.

Đặc biệt, đề nghị văn phòng Bộ chủ động phối hợp với lực lượng QLTT để làm tốt công tác thông tin truyền thông để bình ổn thị trường để ko làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, đúng đủ, hiệu quả… để phòng tránh dịch hiệu quả, đồng thời đảm bảo được sự phát triển của thị trường.

Thu Hà - Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-khan-ve-dich-ta-lon-chau-phi-bo-cong-thuong-dua-ra-nhieu-giai-phap-quyet-liet-116989.html