Hợp đồng vũ khí 'náo loạn' Trung Đông: Nga trao tay 'rồng lửa' S-400 cho Iran hay chỉ bán hệ thống kém hơn?

Tháng trước, máy bay Ukraine đã bị Iran bắn nhầm bởi hệ thống phòng không Tor-M1 do Nga sản xuất. Để tránh sai lầm đáng tiếc xảy ra trong tương lai, S-400 sẽ là lựa chọn hoàn hảo.

S-400 vẫn đang là mặt hàng nóng trên thị trường vũ khí.

S-400 vẫn đang là mặt hàng nóng trên thị trường vũ khí.

Nga sẽ phải đưa ra quyết định có cung cấp thiết bị phòng không cho Tehran vào năm 2020 hay không.

Cân nhắc này đã trở thành vấn đề được thảo luận nhiều hơn sau vụ việc Iran bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine trong khi đáp trả vụ việc Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani.

Giới chính trị Nga cũng đã ngay lập tức kêu gọi các thỏa thuận cung cấp thiết bị quân sự cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc. Về cơ bản, các lệnh cấm này không nêu rõ các điều khoản đối với thiết bị quân sự phòng thủ.

Tờ Moscow Times cho rằng, dựa trên những hợp tác gần đây, Moscow và Tehran từ lâu đã cho thấy họ sẵn sàng đưa vũ khí phòng không vào danh mục mua bán.

Các hạn chế của Liên Hợp Quốc sẽ hết hạn vào mùa thu năm 2020 và Nga dường như sẽ không bỏ phiếu cho việc gia hạn lệnh cấm vận nói trên.

Iran cần thay đổi

Vào ngày 21/1, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế tại Iran xác nhận rằng chiếc Boeing 737 của Ukraine bị bắn hạ bởi hai tên lửa từ hệ thống phòng không Tor-M1 của Nga sản xuất, do Iran vận hành.

Mặc dù trách nhiệm của người bán đối với việc sử dụng vũ khí của người mua là một vấn đề gây tranh cãi, hình ảnh của Moscow vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, nguồn tài chính của Iran có hạn. Nâng cấp vũ khí tấn công là ưu tiên của nước này. Tuy nhiên, vụ việc máy bay Ukraine bị bắn nhầm đã khiến cho việc hiện đại hóa phòng không của Iran trở thành vấn đề địa chính trị.

Tehran có thể phải chuyển hướng ngân sách dành cho việc mua các hệ thống tấn công theo hướng hiện đại hóa thiết bị phòng thủ. Đồng thời, tình hình căng thẳng hiện tại có thể cho phép Nga cung cấp cho Iran các hệ thống phòng không thuộc nhiều phạm vi khác nhau.

Việc Nga cung cấp vũ khí cho Iran chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ nhiều nước. Nhưng căng thẳng sẽ tránh được khi Nga chỉ cung cấp các thiết bị mang tính chất phòng thủ thay vì vũ khí tấn công.

Trên thực tế, ngay cả sau khi lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ, việc bán máy bay chiến đấu cho Tehran cũng có thể có tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Moscow với Riyadh và Abu Dhabi, chưa kể đến các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp vũ khí tiềm năng cho Iran.

Hiện tại, lực lượng phòng không Iran không phải là một hệ thống tập trung duy nhất. Nhìn chung, phòng không nước này đáp ứng được các yêu cầu hiện đại. Chúng bao gồm một số lượng lớn các hệ thống phòng không và chống tên lửa được sản xuất tại Nga và Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ và Anh, cũng như các thiết kế của Iran. Dẫu vậy, điều này lại gây khó khăn cho việc tích hợp thiết bị vào một mạng lưới duy nhất.

Nhiều hệ thống tên lửa phòng không được Iran thiết lập trước năm 1979 và vẫn được coi là cốt lõi phòng thủ của đất nước. Đó là những mẫu Hawk tầm trung cải tiến của Mỹ, cũng như các hệ thống tầm ngắn Rapier và Tigercat của Anh.

Sau chiến tranh Iran-Iraq, Iran bổ sung các tổ hợp S-200 và Kvadrat của Liên Xô, HQ-2 của Trung Quốc (tương tự S-75 của Liên Xô) và FM-80 (phiên bản xuất khẩu của HQ-7).

Các yếu tố hiệu quả nhất trong phòng không của Iran là hệ thống Tor-M1 được mua từ Nga năm 2007 và hệ thống S-300 tầm xa mua từ Nga vào năm 2016. Ngoài ra, quân đội Iran cũng đang thiết kế các hệ thống riêng trang bị tính năng của các mẫu nước ngoài.

Khả năng cung cấp S-400

Điện Kremlin có thể quyết định cung cấp S-400 như một bước đi chiến lược vì cuộc khủng hoảng đang gia tăng xung quanh Iran.

Theo Moscow Times, các hệ thống phòng không không chỉ tăng khả năng phản ứng hỏa lực, chúng còn hỗ trợ trinh sát, nhờ vào khả năng xác định mục tiêu rộng. Hợp đồng cho các hệ thống Buk và các lô Tor mới là có thể. Nhưng thỏa hiệp có khả năng nhất là xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir.

Đây là một trong những hệ thống phổ biến của Nga trên thị trường và đang phục vụ cho nhiều quốc gia Trung Đông.

Theo một số nguồn tin, Syria đã sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ của Iran từ năm 2006 để đổi lấy việc cung cấp các hệ thống này. Có tin đồn rằng một số hệ thống có thể đã chuyển đến Iran từ Syria.

Tuy nhiên, Moscow cũng cần xem xét hoạt động từ các đối thủ khác trong thị trường vũ khí như Trung Quốc. Người Iran có mối quan hệ khá sâu sắc mà ít khi công khai với Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác quân sự.

Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các hệ thống FD-2000 và LY-80 trên thị trường Iran. Các nhà lãnh đạo của Nga sẽ cần tìm ra cách duy trì mối quan hệ chính trị với các đối thủ của Tehran, mà không bỏ lỡ cơ hội bán các sản phẩm do ngành công nghiệp quốc phòng của họ sản xuất.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-s-400-tu-nga-cung-cap-tham-kich-iran-ban-nham-may-bay-ukraine-se-khong-con-xay-ra-a464880.html