Hợp đồng làm việc 'nô lệ', nạn bóc lột, lạm dụng đang 'vắt kiệt' nhiều nữ ca sĩ trẻ ở Nhật

Làn sóng 'chika idols' ('ca sĩ thần tượng không chuyên') hiện đặc biệt nở rộ tại Nhật Bản. Nhưng ẩn sau hình ảnh những cô gái xinh đẹp, diện trang phục đáng yêu, vui tươi ca hát nhảy múa là không ít thực trạng gây kinh sợ. Đối diện sức ép, áp bức liên tục lẫn nguy cơ bị xâm hại tình dục, một số nghệ sĩ phải chống chọi chứng trầm cảm hoặc thậm chí tự sát.

Có thể nói, ‘chika idol’ ra đời sau thành công của mô hình nhóm nhạc nữ thần tượng đông thành viên như Morning Musume và AKB48. Trở thành ‘hiện tượng’ văn hóa đáng chú ý ở Nhật thời gian gần đây, thế nhưng những idol trẻ, phần lớn là nữ giới, đang phải chịu đựng vài mặt trái nguy hiểm.

Những hợp đồng ‘địa ngục’

Trong hầu hết trường hợp, ban nhạc chika idol, nay có số lượng lên đến hàng trăm, thường được quản lý bởi những công ty sản xuất với xu hướng bóc lột, vốn lợi dụng khao khát nổi tiếng của nghệ sĩ để buộc họ kí hợp đồng làm việc lâu năm mang tính áp chế quyền lợi. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đây là nguyên nhân biến một ca sĩ thành ‘nô lệ’ cho thị trường giải trí.

Cách đây ít lâu, bốn cựu thành viên nhóm chika idol với tên gọi Nijiiro Fanfare, nổi tiếng qua dịch vụ live stream trên mạng điện tử, thể hiện mong muốn rời nhóm sau khi công khai phàn nàn về những điều kiện làm việc “khắt khe đến không thể chịu nổi.".

Một trong số bốn cô gái từng bị đe dọa bởi chính một quản lý trong công ty, với lời miệt thị rằng họ “sẽ không bao giờ trở thành ca sĩ được nữa,” và công ty “sẽ phá hủy sự nghiệp” của họ “bằng mọi giá”.

Aya Kotobano (trái) và Natsumi Ogi, 2 cựu thành viên Nijiiro Fanfare, trong một bài phỏng vấn xoay quanh vụ kiện công ty sản xuất nhạc.

Aya Kotobano (trái) và Natsumi Ogi, 2 cựu thành viên Nijiiro Fanfare, trong một bài phỏng vấn xoay quanh vụ kiện công ty sản xuất nhạc.

Một cựu thành viên Nijiiro Fanfare tiết lộ, họ bị buộc kí hợp đồng làm việc kéo dài 7 năm. Sau khi trừ khoảng tiền hàng tháng là 38,000 yên (gần 8 triệu VND) - tính vào “chi phí luyện tập” nộp lại cho công ty, số lương những nữ ca sĩ này nhận được gần như bằng 0.

Bên cạnh đó, nhóm nhạc cũng không thể hưởng thêm bất kì khoảng tiền phúc lợi nào. Thậm chí họ buộc phải chi tiền túi để mua sắm trang phục biểu diễn.

“Một người bạn từng cảnh báo tôi về kiểu hợp đồng ‘nô lệ’ ở công ty giải trí. Nhưng ban đầu tôi nghĩ những điều khoản ấy khá bình thường”, Aya Kotobano, 23 tuổi, cựu thành viên Nijiiro Fanfare cũng là nguyên đơn trong vụ kiện nhắm vào đơn vị sản xuất nhạc D-Topia Inc., cho biết.

Ngay cả khi từng lên tiếng bức xúc về tình trạng đãi ngộ kém, những cô gái vẫn bị phía công ty này phớt lờ. Cuối cùng họ quyết định ngưng hẳn việc tham gia đào tạo và đâm đơn kiện ra tòa án quận Tokyo, yêu cầu vô hiệu hóa hợp đồng làm việc đã kí và được bồi thường mức lương xứng đáng.

Dẫu phán quyết chính thức của phiên tòa, diễn ra hồi tháng 5.2018, không được tiết lộ, luật sư của nhóm nghệ sĩ chia sẻ “Tất cả bốn người đều hài lòng về kết quả phiên xử".

Vụ việc nhiêu khê nói trên chỉ là minh chứng mới nhất cho thấy thực trạng lạm quyền, bóc lột ở một số đơn vị, công ty sản xuất âm nhạc không chuyên tại Nhật. Nạn nhân trực tiếp hứng chịu là những ca sĩ trẻ sẵn lòng hy sinh vì đam mê nghệ thuật.

Một ban nhạc nữ chika idol hát trong sự kiện tại hộp đêm, vây quanh họ phần lớn là khán giả nam.

Một ca sĩ tuổi đôi mươi hoạt động dưới tư cách chika idol, người xin giấu tên, bày tỏ: “Môi trường làm việc của chúng tôi rất kinh khủng".

Cô cảm thấy bản thân “còn may mắn” khi vẫn có 1 ngày nghỉ hằng tháng. Đôi khi phải diễn liên tục trong loạt sự kiện kéo dài suốt ngày, nhưng đến đêm cô vẫn phải rao bán sản phẩm quảng bá cho nhóm nhạc và không thể về nhà sớm hơn 11 giờ tối. Cô cho biết phải hy sinh cả thời gian ngủ và tắm gội vì lịch trình hoàn toàn đặc kín.

Nữ ca sĩ tiết lộ thêm về mức lương 30.000 yên/tháng (hơn 6 triệu VND) vốn thấp đến khó tin, với không một khoảng thưởng, phí hỗ trợ nào đi kèm. Nghệ sĩ đào tạo trong công ty cô, mặt khác, phải trãi qua thủ tục phức tạp chỉ để được duyệt một lá đơn xin nghỉ nếu chẳng may mắc bệnh hoặc gặp hữu sự.

Stress và cái chết thương tâm

Tương tự như nữ ca sĩ này, không ít chika idol trẻ tuổi phải tham gia đào tạo và trình diễn suốt ngày đêm. Vài người trong số họ, do cường độ công việc quá lớn, thường xuyên phải đối diện chứng trầm cảm. Có trường hợp bi quan hơn, khi một idol nữ tự cắt tay cổ tay hòng ‘giải tỏa’ áp lực làm việc đè nén.

Song song đó, chika idol thường bị công ty quản lý nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội lẫn kết giao - hẹn hò, khiến họ vốn đã chịu sự chèn ép lại càng thấy bế tắc.

Nhiều nhóm idol được công ty quản lý xây dựng hình tượng thiếu nữ trẻ thơ ngây. Buộc họ duy trì lối sống độc thân là cách để lôi kéo thêm người hâm mộ nam. Vô hình chung, những nghệ sĩ bị ‘rao bán’ như một dạng ‘văn hóa phẩm’ gợi dục. Hai năm trở lại đây, đã có liên tiếp đơn kiện về quấy rối tình dục, khi ca sĩ nữ tố cáo hành vi gạ gẫm của đơn vị quản lý, công ty sản xuất âm nhạc.

Tình trạng mập mờ về luật bảo vệ những nghệ sĩ không chuyên như chika idol tạo nên một ‘nút thắt’ khác khó tháo gỡ.

Luật sư Kunitaka Kasai, thuộc Liên đoàn Bảo vệ Quyền lợi Nghệ sĩ của Nhật Bản, lý giải: “Nữ ca sĩ và ca sĩ tập sự không chuyên luôn ở thế thiệt thòi, vì tự họ khó nhận thức rạch ròi hợp đồng làm việc kí với đơn vị quản lý có thật sự thỏa đáng, phù hợp hay không". Không ít công ty giải trí nắm rõ và lợi dụng điều này.

Honoka Omoto, thành viên ‘Enoha Girls,’ một ban nhạc chika idol hoạt động chuyên về giới thiệu văn hóa nông nghiệp của tỉnh Ehime (đảo Shikoku, miền nam nước Nhật), tự sát vào tháng 3 năm nay khi mới 16 tuổi.

Omoto tự tử tại nhà riêng sau khi nói với mẹ rằng cô bé “không muốn tiếp tục đi diễn”. Nữ sinh 16 tuổi ra đi với không một thư từ để lại.

Cái chết thương tâm của Omoto được xem là có liên quan trực tiếp đến áp lực công việc quá tải cùng vấn nạn bắt nạt kéo dài từ lâu tại công ty quản lý H Project. Một số nguồn tin cho biết, cô bé bị lạm dụng bởi chính giám đốc đơn vị này.

Sau tang lễ, mẹ Omoto - bà Yukie, 42 tuổi, cùng gia đình đã đâm đơn kiện H Project, yêu cầu sự đền bù thích đáng cho hành vi lợi dụng, bóc lột họ gây ra với nữ ca sĩ.

Giá đắt cho ước mơ nổi tiếng

Xu hướng chèn ép nơi những công ty giải trí, quản lý không chỉ ‘vắt kiệt’ sức những chika idol. Nhiều nghệ sĩ vì ràng buộc hợp đồng nên không thể phản kháng hay chuyển sang làm việc ở một công ty khác.

Luật sư Tsuyoshi Fukai, người phụ trách công tác hòa giải - xử lý đơn kiện giữa ca sĩ idol và công ty giải trí, cho biết, “đơn vị quản lý có thói quen lợi dụng hy vọng và giấc mơ được nổi tiếng của giới trẻ".

Ông nói, “Những điều khoản trên hợp đồng làm việc được soạn sao cho có lợi nhất với những công ty này. Chika idol thường bị cấm chia sẻ về hoạt động công việc. Tôi nghĩ rất nhiều nghệ sĩ không có cả bạn bè hay gia đình bên cạnh để trò chuyện cùng".

“Giờ giấc, địa điểm biểu diễn đều do phía đơn vị quản lý quy định, ca sĩ đơn thuần là người lao động. Nhưng những hợp đồng làm việc dựng nên theo chủ đích bóc lột khiến người nghệ sĩ cảm thấy họ không được bảo vệ".

Fukai nhận định, đấu tranh giành lại quyền lợi thỏa đáng cho nghệ sĩ không chuyên đòi hỏi nỗ lực chung tay từ chính phủ Nhật.

Ông nhấn mạnh: “Một giải pháp cứng rắn ở đây là, nghệ sĩ trẻ nên được hỗ trợ hết mình thông qua phương tiện hiện đại như điện thoại, máy tính để có thể tìm kiếm sự giúp đỡ pháp lý cần thiết trước khi thảo luận và kí hợp đồng làm việc.”

Như Ý (nguồn: JapanToday)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-thao-c-71/hop-dong-lam-viec-no-le-nan-boc-lot-lam-dung-dang-vat-kiet-nhieu-nu-ca-si-tre-o-nhat-103709.html