Hợp đồng BOT, phương án giá điện - 'tài liệu mật' hay không minh bạch?

Thông tin tăng giá điện từ ngày 1/12 được công bố, làm nhiều người bất ngờ, thậm chí cả vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, vướng mắc do các tài liệu về phương án giá điện là ... tài liệu mật!?

Hợp đồng BOT có điều khoản bảo mật, phương án giá điện là “tài liệu mật”, danh sách vụ trưởng đương nhiệm đóng dấu mật, thậm chí khi không đồng ý cho ai tiếp cận văn bản đó thì nói đây là tài liệu mật - tất cả những điều trên đều gây nên sự mập mờ, thiếu minh bạch.

Thông tin tăng giá điện từ ngày 1/12 được công bố, làm nhiều người bất ngờ, thậm chí cả vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi, việc công khai các phương án giá điện để tham khảo ý kiến người tiêu dùng là rất cần thiết, nhưng hiện đang có những vướng mắc do các tài liệu về phương án giá điện là tài liệu mật, nên không thể công bố, lấy ý kiến góp ý.

Điều này rất mâu thuẫn, vì bên mua hoàn toàn không được tham khảo, trước khi công bố cho toàn dân và các doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, từng than thở rằng, có tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, danh mục mật thì chậm rà soát, sửa đổi, có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có những bộ đóng dấu mật cả vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, mà không có thông tin mật nhưng vẫn đóng mật vào làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn được.

Quy định về thông tin mật không rõ ràng làm ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng. Việc có điều khoản bảo mật trong các hợp đồng kinh tế, kinh doanh, thương mại, là không sai, và hoàn toàn là do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhưng hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay phải bảo mật, thì không hợp lẽ. Vì bản chất của BOT giao thông - là nhà đầu tư vay tiền ngân hàng ứng ra trước, để sau đó thu tiền của người dân. Như vậy, người dân cũng là chủ đầu tư BOT. Nên người dân ở khu vực dự án BOT phải được biết thông tin về hợp đồng và bắt buộc phải được biết. Việc bảo mật hợp đồng BOT đã làm thiếu đi cơ chế giám sát của người dân, kể cả cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân. Và đã có rất nhiều dự án BOT phải giảm tới cả chục năm thu phí, khi thanh tra vào cuộc.

Trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, buộc phải thắt chặt đầu tư công, việc hút vốn tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giúp hàng ngàn km đường bộ được xây dựng mới, thì BOT là cần thiết. Nhưng hiện nay, nhiều dự án BOT bị biến tướng, bộc lộ nhiều lỗ hổng. Điều khoản bảo mật trong hợp đồng BOT là một trong những nhân tố “giúp” dự án BOT biến tướng.

Thông tin mới hé lộ gần đây về dự án BOT Cai Lậy cho biết, có sự “mập mờ” trong quyết định phê duyệt dự án này ngày 19/12/2013, vì có thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km”, bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km, do ông Nguyễn Văn Thể - khi đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ký. “Hợp phần tăng thêm” này không có trong quyết định công bố danh mục đầu tư dự án để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT, và cũng không có trong văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, trước đó.

Nếu có được sự công khai và minh bạch, thì sự mập mờ này trong dự BOT Cai Lậy, sẽ khó có thể xảy ra.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hop-dong-bot-phuong-an-gia-dien-tai-lieu-mat-hay-khong-minh-bach-post208335.html