Họp báo về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Ngày 20-11, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên quan tâm đến việc Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, khi thảo luận, các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp. Hiện nay, tài sản thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức và cả người dân có nhiều nguồn khác nhau. Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tài sản rất khó chứng minh về nguồn gốc. Nhà nước chưa có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân và cũng chưa kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức. Hệ thống thu thuế, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu... Trong bối cảnh như vậy, việc xác định tài sản tăng thêm có giải trình được hợp lý về nguồn gốc rất khó.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đồng chí Tổng Thư ký lấy phiếu xin ý kiến đại biểu về các phương án xử lý, song ý kiến đại biểu rất phân tán. Do chưa có đủ căn cứ, cơ sở quy định, trước mắt vẫn theo các quy định hiện hành. Cụ thể, với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc thì tài sản nào chứng minh được do tham nhũng mà có, tiến hành tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu. Còn tài sản thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế thì chuyển cơ quan thuế xử lý. Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan thẩm quyền xem xét xử lý" – ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Bên cạnh đó, người kê khai tài sản không trung thực, giải trình tài sản tăng thêm không hợp lý sẽ bị xử lý nghiêm: Người đã ứng cử, dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì bị bỏ khỏi danh sách; người dự kiến bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ thì không được bầu, bổ nhiệm nữa. Còn các trường hợp khác thì bị xử lý theo pháp luật về cán bộ, công chức từ cảnh cáo trở lên, loại khỏi quy hoạch các chức danh quản lý.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, Luật Phòng, chống tham nhũng lần này đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, được các đại biểu biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao. Nội dung sửa đổi có nhiều nội dung đổi mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư; khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các vấn đề liên quan đến quy tắc ứng xử của người có quyền hạn, nhận quà tặng... đồng thời, bổ sung quy định mới như kiểm soát xung đột lợi ích...

Phóng viên đặt câu hỏi liện quan đến Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Viết Hà

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Việc chưa đưa quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc vào Luật, không phải coi nhẹ việc xử lý. Dù đã thảo luận qua nhiều vòng nhưng chưa thống nhất được cơ quan thuế hay tòa án xử lý, nên phải chờ thêm độ chín. Nếu phát hiện ra sai phạm thì xử lý về mặt Đảng, Nhà nước, xóa tên nếu là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân".

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết: Công tác xây dựng luật và pháp lệnh được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của Việt Nam, Chính phủ đã rà soát hệ thống pháp luật liên quan, đề xuất sửa đổi 8 luật, nay Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vừa được thông qua thì còn 7 luật.

"Việc này không nhất thiết phải thực hiện sửa đổi ngay trong năm 2019, có những quy định cho phép điều chỉnh trong 3 - 5 năm, thậm chí 7 năm nữa" – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hop-bao-ve-ket-qua-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv/