Họp báo thường kỳ lần thứ 15

(MOFA) - Ngày 25/10/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I/ Thông báo tại họp báo

1. Thủ tướng Pháp Ê-đu-a Phi-líp thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Ê-đu-a Phi-líp sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 02-04/11/2018. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Ê-đu-a Phi-líp diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018) và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp (2013 - 2018).

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Pháp, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng và biện pháp để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đi vào chiều sâu; mở rộng và cụ thể hóa hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và phát triển, quốc phòng – an ninh, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, y tế, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác trong một số chương trình, dự án quan trọng; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Dự kiến, trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Ê-đu-a Phi-líp sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, thăm một số địa phương Việt Nam và một số hoạt động khác.

2. Phó Thủ tướng Malaysia Oan A-di-da thăm chính thức Việt Nam

Từ ngày 25-26/10/2018, Phó Thủ tướng Malaysia Oan A-di-da có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Hà Nội.

Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Malaysia Oan A-di-da tới Việt Nam diễn ra nhân dịp hai nước Việt Nam – Malaysia kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018). Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về các phương hướng và biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2017 – 2019 cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Malaysia, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020 và trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm.

Trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Malaysia Oan A-di-da hội kiến Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

3. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Pháp, Nga và Na Uy

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ thăm làm việc Pháp từ ngày 26-28/10/2018, thăm Nga và chủ trì Khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật từ ngày 28-31/10/2018 và thăm làm việc Na Uy từ ngày 31/10-02/11/2018.

Chuyến thăm Nga, Pháp và Na Uy của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hợp tác thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, du lịch; trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Dự kiến, tại Pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ làm việc với Phó Chủ tịch Thượng viện và Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái và Đoàn kết Pháp, gặp lãnh đạo một số cơ quan của Pháp.

Tại Na Uy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ làm việc với các Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công thương, Ngư nghiệp, Lãnh đạo Quỹ Dầu lửa; hội kiến Lãnh đạo cấp cao Na Uy và có một số hoạt động khác.

4. Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 (AMMW) được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/10/2018. Với chủ đề “An sinh xã hội cho Phụ nữ và Trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”, Hội nghị trao đổi các giải pháp khu vực với mục tiêu tăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội. Dự kiến Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung để trình lên các Lãnh đạo Cấp cao ASEAN 33 xem xét thông qua.

Trước đó, từ ngày 18/10/2018, đã diễn ra các cuộc họp liên quan, bao gồm 03 Hội thảo về các vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ và trẻ em, vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, giáo dục truyền thông trong vấn đề bình đẳng giới; 01 Đối thoại chính sách ASEAN – EU về phụ nữ và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; 04 Cuộc họp chính thức của Ủy ban Phụ nữ ASEAN, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, Tham vấn Ủy ban Phụ nữ ASEAN và Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN…

Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN được tổ chức 03 năm/lần để các Bộ trưởng phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới của các nước ASEAN thảo luận việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong khu vực và tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ thông qua các khuyến nghị, đề xuất của Ủy ban Phụ nữ ASEAN – cơ quan giúp việc cho các Bộ trưởng có những chỉ đạo, định hướng cho giai đoạn tiếp theo ở cấp khu vực và quốc gia.

II/ Trả lời câu hỏi

1. Câu hỏi: Phản ứng về việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật tại Ba Bình vào tháng 11 tới?

Chúng tôi luôn luôn theo sát diễn biến và tình hình trên Biển Đông và sẽ kiểm tra thông tin này.

Tuy nhiên, như đã nhiều lần phát biểu, tôi xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình Biển Đông.

2. Câu hỏi: Bình luận về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam ngày 16/10 của BTQP Mỹ James Mattis, đặc biệt là việc ông Mattis thăm sân bay Biên Hòa?

Về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từ ngày 16-17/10/2018, báo chí Việt Nam đã đăng tải. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã gặp Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, chào Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, và đến thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

Chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, các hoạt động gìn giữ hòa bình, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh trong đó có hợp tác tẩy độc môi trường nhiễm đi-ô-xin, đặc biệt là khu vực nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa.

Khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ về vấn đề này thời gian qua và hoan nghênh việc Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa.

3. Câu hỏi: Đề nghị cho biết tiến trình ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)?

Ngày 17/10/2018, Ủy ban Châu Âu đã thông qua quyết định trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là bước phát triển quan trọng, thể hiện quyết tâm của cả hai bên thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để đóng góp cho quan hệ đối tác - hợp tác toàn diện và sự ủng hộ đối với thương mại tự do, cùng có lợi và hệ thống thương mại đa phương mở. Trên tinh thần đó, hai bên tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai.

4. Câu hỏi: Bình luận việc Việt Nam điều tầu tham gia cùng diễn tập ASEAN – Trung Quốc

Báo chí đã thông tin đầy đủ về sự kiện này. Đây là hoạt động hợp tác nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực hải quân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

5. Câu hỏi: Đề nghị cho biết thông tin về 31 phụ nữ Việt Nam bị cảnh sát Malaixia bắt giữ tại trung tâm giải trí quận Cheras, Kuala Lumpur do giấy tờ quá hạn.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, Đại sứ quán đã trao đổi, làm việc với Cảnh sát và Cục Nhập cư Ma-lai-xi-a và được các cơ quan chức năng Ma-lai-xi-a cho biết: thực hiện hoạt động truy quét người nhập cư bất hợp pháp, ngày 6/10/2018 vừa qua, Cục nhập cư Ma-lai-xi-a đã kiểm tra một số trung tâm giải trí tại quận Cheras, Kuala Lumpur và tạm giữ nhiều người địa phương và nước ngoài, trong đó có 31 phụ nữ Việt Nam. Theo kết quả điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng Ma-lai-xi-a, các phụ nữ Việt Nam đã vi phạm quy định Luật Nhập cư Ma-lai-xi-a như ở quá hạn cho phép, thiếu giấy tờ... Hiện cơ quan chức năng sở tại đang trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Ma-lai-xi-a về vụ việc này và có biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

6. Câu hỏi: EU đã rút thẻ vàng đối với Việt Nam do vi phạm IUU (Quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Liên minh Châu Âu). Đề nghị cho biết Việt Nam đã làm gì để để gỡ bỏ thẻ vàng và bao lâu thì EU sẽ rút thẻ vàng này?

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam duy trì trao đổi chặt chẽ với EU cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của EU nhằm sớm rút thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam. Theo tôi biết, phía EU đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam. Việt Nam mong muốn EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng này nhằm bảo đảm quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân.

Nguồn Bộ Ngoại Giao: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns181026102134