Họp báo thường kỳ lần thứ 14

(MOFA) - Ngày 04/10/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I/ THÔNG BÁO TẠI HỌP BÁO

1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản (08-10/10/2018)

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 08-10/10/2018.

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công – Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mê Công – Nhật Bản và 3 năm triển khai chiến lược Tô-ki-ô 2015. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm khẳng định cam kết của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác này, đánh giá các kinh nghiệm trong 10 năm qua, đề ra định hướng lớn và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm Nhật Bản. Chuyến thăm đặc biệt diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, nhằm thắt chặt hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến đi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mê Công – Nhật Bản; cùng lãnh đạo các nước Mê Công hội kiến Nhà vua, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, gặp Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện; làm việc với Liên đoàn kinh tế Nhật Bản, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Tọa đàm với một số Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản…

2. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á – Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) được tổ chức tại thành phố Antalya và thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (07 – 12/10/2018)

Nhận lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, là hai đồng Chủ tịch sáng lập Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu (MSEAP) và lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á – Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) được tổ chức tại thành phố Antalya và thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 07 – 12/10/2018.

Với chủ đề “Hợp tác kinh tế, Môi trường và Phát triển bền vững ở Á Âu”, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á – Âu lần thứ 3 sẽ thảo luận về các vấn đề trong hợp tác khu vực Á Âu, tập trung ưu tiên lĩnh vực kinh tế, môi trường vì sự phát triển bền vững của các nước Á Âu. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Hội nghị nhằm khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam và tăng cường kết nối hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và các nghị viện khu vực Á Âu.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự Lễ Khai mạc và phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á – Âu lần thứ 3, tiếp xúc song phương với một số lãnh đạo Nghị viện tham dự Hội nghị. Trong khuôn khổ chuyến thăm song phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ hội kiến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội, tham dự Tọa đàm kinh tế Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự một số hoạt động khác.

3. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 tại Thủ đô Ê-rê-van, Cộng hòa Ác-mê-ni-a ( 11-12/10/2018)

Từ ngày 9-12/10/2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len và tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 1ần thứ 17 tại Thủ đô Ê-rê-van, Cộng hòa Ác-mê-ni-a.

Chuyến thăm Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhằm khẳng định chính sách coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Anh, đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh (11/9/1973 – 11/9/2018), tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh đi vào chiều sâu, nhất là về chính trị - an ninh, kinh tế, giáo dục, giao lưu nhân dân. Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt, có các cuộc gặp với Hoàng tư Anh Andrew – Công tước xứ York, Chủ tịch Thượng viện Lord Fowler, Phó Thủ tướng David Liddington, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox, tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Anh, Lễ Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và một số hoạt động khác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 nhằm góp phần phát huy vị thế của Việt Nam là nước Pháp ngữ chủ chốt tại châu Á – Thái Bình Dương, chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động Cộng đồng Pháp ngữ; đóng góp tích cực, có trọng tâm đối với những vấn đề hợp tác trong Cộng đồng Pháp ngữ. Dự kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Phiên khai mạc và phát biểu tại Phiên toàn thể; cùng Trưởng đoàn các nước thành viên tham gia các hoạt động chung của Hội nghị; tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Bình luận Người phát ngôn về việc tàu Decatur của Hoa Kỳ thực hiện tự do hàng hải gần Gaven và Gạc Ma, thuộc Trường Sa và việc tàu Trung Quốc cho tàu áp sát tàu này?

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

2. Xin Người phát ngôn cho biết vai trò của hợp tác quốc phòng trong quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt với chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

Câu hỏi của bạn có nêu về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Tôi chưa có thông tin về các chuyến thăm này. Về quan hệ quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi có thể nêu như sau:

Quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong đó có hợp tác an ninh quốc phòng, giải quyết hậu quả chiến tranh trên tinh thần Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hành động về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 2018 – 2020.

3. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng chỉ trích phía Trung Quốc trong vụ việc tàu Mỹ và tàu Trung Quốc vừa qua và cảnh báo Mỹ sẽ không lùi bước trước hành động được coi là đe dọa của Trung Quốc. Xin cho biết bình luận của Việt Nam về phát biểu này của Phó Tổng thống Mỹ?

Như tôi đã nhiều lần phát biểu, duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần phải có trách nhiệm đóng góp một cách xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

4. Ngày 28/9, Trung Quốc đã điều động máy bay tập trận và bắn đạn thật trên Biển Đông. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ việc?

Một lần nữa tôi xin nhắc lại duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng là lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần thực hiện trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

5. Đề nghị bình luận về việc Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước?

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, theo quy định và điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

6. Còn nhớ trong cuộc họp thường kỳ tháng trước, Người Phát ngôn có thông báo về chuyến thăm Ý, Vatican và tiếp xúc với lãnh đạo Tòa thánh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình từ 23-26/9/2018. Theo tôi được biết, chuyến thăm đó đã bị hoãn lại vì trùng với Quốc tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Xin Người Phát ngôn xác nhận lại thông tin này. Liệu chuyến thăm có diễn ra trong thời gian sắp tới hay không?

Chuyến thăm và các tiếp xúc nếu có sẽ được chúng tôi thông báo vào thời điểm thích hợp.

7. Có thông tin nói bắt đầu từ 2/10/2018, quân đội 5 nước Úc, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh cùng tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông? Người Phát ngôn có bình luận thế nào về việc này?

Chúng tôi luôn luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, duy trì hòa bình và ổn định, cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích, cũng như là trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Quan điểm của Việt Nam là mọi hoạt động ở Biển Đông của các nước cần phải đóng góp một cách thiết thực vào mục tiêu nêu trên, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982./.

Nguồn Bộ Ngoại Giao: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns181004163542