Họp báo Chính phủ thông tin bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm

Bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Còn giá trị pháp lý nằm ở bản đồ 2005.

Chiều 3/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã thông tin về bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm bị thất lạc gây chú ý trong dư luận thời gian qua.

Theo ông Hùng, cần phải hiểu về việc mất bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm ở 2 vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm là bản đồ từ năm 1996.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm là bản đồ từ năm 1996.

Một là, bản đồ thất lạc là bản đồ nào. Hai là, việc thất lạc bản đồ đó sẽ tạo ra những ảnh hưởng, hệ lụy gì.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải thích về quy trình triển khai quy hoạch của KĐT Thủ Thiêm trải qua nhiều giai đoạn.

KDDT Thủ Thiêm được triển khai theo 2 bước là triển khai quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.

Quy hoạch chung xuất bản bản đồ là 1:5.000, còn đối với quy hoạch chi tiết thì xuất bản bản đồ 1:2.000. Từ đó mới cụ thể hóa, phân giới cắm mốc trên thực địa.

"Quy hoạch sau là chính xác hóa của quy hoạch trước" - ông Hùng giải thích.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "KĐT Thủ Thiêm trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch. Một lần điều chỉnh quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là quy hoạch chung của năm 2005. Như vậy khu đô thị Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ".

Ông Hùng cũng cho biết, TP. Hồ Chí Minh trả lời là có tất cả bản đồ cũng như cơ sở pháp lý từ năm 2005. Việc triển khai thu hồi đang dựa trên những bản đồ này.

"Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Tức là tấm bản đồ về mặt pháp lý đã được thay thế bởi bản năm 2005" - ông Hùng khẳng định.

Từ tấm bản đồ đã "mất tích" là bản đồ cũ, tấm bản đồ có trước.

"Đương nhiên việc triển khai phải có bản đồ, thất lạc thì cơ quan liên quan đang xem xét làm rõ tính lưu trữ" - Thứ trưởng Hùng khẳng định rằng việc triển khai xây dựng KĐT Thủ Thiêm dựa trên quy hoạch của năm 2005 và có đầy đủ bản đồ.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm đi kèm Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ được xem là "chìa khóa" để giải quyết việc khiếu nại của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua, để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này.

Không hề có bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo quyết định của Thủ tướng?

Tại cuộc đối thoại năm 2016 giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với đại diện các hộ dân khiếu nại, nhiều hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm Quyết định 367 để xác định ranh. Tuy nhiên, chính quyền không thể cung cấp được bản đồ này.

"Tôi thắc mắc, tại sao người dân lại biết mình không nằm trong quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm? Tôi phỏng đoán phải có người đang giữ bản quy hoạch gốc đó, rồi báo cho người dân biết, bởi đến tôi còn không nhớ nữa là" - ông Vạn nói.

Ông Vạn cũng khẳng định bản đồ quy hoạch 1:5.000 không ảnh hưởng đến dự án hiện tại. Bản đồ quy hoạch có tỉ lệ 1:2.000 mới tác động đến quyền lợi người dân, ranh giới đất...

Không hề có bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1996?

Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, TP.HCM cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.

"TPHCM cứ bảo có quy hoạch, nhưng hỏi bản đồ đâu thì không có. Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch TPHCM, họ xác định là không tìm thấy. Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực họp nhiều cuộc, với cả Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhưng đến thời điểm này không có" - ông Điệp nhận định.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nhấn mạnh: "Nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng. Đừng có nói thế, bây giờ phải nói là không có. Chả lẽ có mà bị mất thì mất ở tất cả các cơ quan à? Ở đây có cả trách nhiệm của nhiều cơ quan nữa chứ!".

Ông nói thêm: "Chúng tôi không thể nói khác được... Họ trả lời rằng đang giao tìm, giao tìm, tìm mãi. Làm gì có mà tìm! Đã có chỉ đạo rất nhiều lần rồi nhưng TPHCM không thể trả lời được. TPHCM trả lời vậy thì không thuyết phục được người dân".

Theo vị này, để dứt điểm việc này, cần Thanh tra Chính phủ kết luận.

"Trốn tránh trách nhiệm rõ rồi, nhưng không thể trốn trách nhiệm với dân và cả với Chính phủ được. Quan trọng là hậu quả pháp lý cần phải giải quyết với người dân" - ông Điệp nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hop-bao-chinh-phu-thong-tin-ban-do-quy-hoach-thu-thiem-3357507/