Hongkong: Giải pháp cấp bách nào cho cuộc khủng hoảng nhà?

Dân Hongkong (Trung Quốc) rất đông: 7,4 triệu người sống chen chúc trên diện tích chỉ có 1.098 cây số vuông. Bên cạnh việc dân số quá đông, giá cả mỗi ngày tăng chóng mặt khiến nhiều người không cách gì trang trải nổi chi phí nơi cư ngụ. Cuộc khủng hoảng nhà này sẽ kéo dài cho đến bao giờ?

Một kiến trúc sư địa phương - James Law, đã có giải pháp, muốn biến những ống cống thoát nước bằng xi măng thành những căn hộ mini, đặt chồng lên nhau ở những nơi còn khoảng trống.

Nhà siêu nhỏ bằng ống cống xi măng thoát nước

Nhìn từ xa, nơi đặt những căn hộ này trông như thể công trường xây dựng. Thế nhưng nó có thể lại là một giải pháp thông minh cho vấn nạn thiếu chỗ ở trầm trọng của Hongkong. Việc tìm kiếm những căn nhà có mức giá quá rẻ khiến dân phải tính đến những nơi ở nhỏ xíu, thậm chí là những nơi vô cùng kỳ quặc.

Một số kiến trúc sư đang thử nghiệm làm các căn hộ nhỏ tới mức điên rồ, “nhà siêu nhỏ” (nano-home). “Nhà” chưa bằng một ô đậu xe hơi với diện tích chỉ có 121 feet vuông, gần đây đã được báo với giá 1,93 triệu đô la Hongkong (242.805 USD). Giá “trên trời” như thế mà lại bán được, bởi ai cũng bức xúc về chỗ ở, phải có một nơi để chui ra chui vào.

Kiến trúc sư sống và làm việc tại Hongkong, James Law, mô tả Hongkong trở nên tệ hại về tình trạng chỗ ở ra sao, với các căn hộ và các tòa nhà thương mại bị chia nhỏ thành nhiều phần tới mức khó tưởng tượng. “Không có ánh sáng mặt trời, không có hệ thống thông gió đàng hoàng, cực kỳ nhỏ, các ô bé xíu chỉ với diện tích 50 feet vuông” - Law nói - “Về căn bản thì các chủ cho thuê chia không gian ra thành từng phần siêu nhỏ bởi không mấy ai đủ sức chi trả cho việc ở trong một căn hộ bình thường”.

Thế chưa phải đã là ghê gớm gì. Mọi người thậm chí còn phải bắt đầu sống trong những chỗ trông như những cái chuồng. Nhiều ngàn người không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận thuê một khoảng không rộng chỉ chừng 16 feet vuông - được làm từ các chất liệu khiến nó trông không khác gì cái chuồng. “Một cái chuồng điển hình sẽ có giường ba tầng. Và để bảo đảm an ninh cũng như sự riêng tư, sẽ có những tấm tôn lượn sóng chắn xung quanh. Trông giống như nhà tù” - Law nói - “Thực sự là một nơi sống kinh hoàng”.

Trong suốt 10 năm qua, nhiều người ở Hongkong đã phải đau khổ vật lộn với giá nhà tăng chóng mặt và nhiều người đành phải chọn cách sống trong chuồng cũi. (Ảnh: Getty)

Kiến trúc sư James Law hy vọng sẽ làm được những căn nhà từ ống cống thoát nước rồi đặt chúng chồng lên nhau tại nhiều nơi có khoảng không. (Ảnh: opod James Lawcybertecture).

Phía bên trong một căn nhà OPod (Ảnh: opod James Lawcybertecture).

OPod - dạng nhà nhỏ xíu của Law

Vậy là Law đưa ra một giải pháp tương đối hơn. Các kiến trúc sư như anh đang tìm cách tận dụng những khoảng trống có thể (tuy cũng không có nhiều lắm những chỗ như thế ở Hongkong). Một ý tưởng mà Law đang nghiên cứu triển khai là OPod - dạng nhà nhỏ xíu được xây dựng từ các ống xi măng thoát nước khổng lồ mà ta có thể đặt chồng lên nhau ở một số nơi có khoảng không còn trống để xây lên những khối nhà cao tầng gồm nhiều căn hộ nhỏ. Nhà OPod là kiểu nhà công nghiệp hiện đại, được thiết kế cho phù hợp với nhu cầu ở trong tương lai.

“Những ống cống này thường được chôn ngầm dưới đất để thoát nước cho các trận bão lớn” - Law nói - “Và chúng tôi mua được chúng với giá cực rẻ từ các nhà thầu, vì người ta luôn phải sản xuất dư hàng năm, không dùng hết. Chúng tôi chỉ cần bỏ thêm chút tiền vào để lắp đặt đồ nội thất, buồng tắm, vòi hoa sen, một cái bếp nhỏ, rồi đặt cái giường sofa đa dụng, thế là ngay lập tức ta đã có một căn nhà!”.

Còn có một lý do khác nữa cho việc tạo ra OPod: Đó là sự hiểu sai về không gian ở Hongkong. Law cho rằng tuy tình trạng thiếu đất khiến giá bất động sản cao khủng khiếp, nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh.

“Hongkong là một thành phố rất đông đúc. Tuy nhiên, nói rằng chúng ta không đủ đất là không hoàn toàn chính xác. Chúng ta không có những khoảng đất rộng để xây các khu nhà tập thể khổng lồ. Chúng ta cần bồi đắp, lấn biển. Ở dưới các cầu vượt, trên nóc các tòa nhà, nằm giữa các tòa nhà… đó là những khoảng không gian thường bị bỏ trống hết năm này qua năm khác, ta có thể xây nhà theo kiểu OPod”.

Và thực sự là mọi người phải trả tiền để có được chỗ trú chân như thế. Một căn hộ được chia nhỏ ra còn độ từ 50-100 feet vuông có giá thuê từ 300-600 bảng Anh (pound)/tháng (418-837 USD). Theo Law, giá thuê một cái chuồng cũng không rẻ hơn bao nhiêu, ở mức khoảng 300 pound.

Law muốn các nhà hoạch định đô thị phải suy nghĩ về việc làm thế nào để phát triển thành phố và làm sao để các căn nhà như OPod có thể chen được vào các khe hở, các khoảng không còn dư thừa.

Law thừa nhận rằng đây không phải là giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nhà của Hongkong: “Tôi không hề có ý định coi OPod là giải pháp tổng thể cho vấn nạn về nhà ở tại đây, bởi còn có nhiều chuyện khác nữa dính dáng tới vấn đề nhạy cảm này. Một kiến trúc sư đơn lẻ không thể giải quyết rốt ráo mọi thứ bằng một biện pháp được”.

Cũng như các thành phố lớn như Tokyo, Singapore, Rio de Janeiro, New York… Hongkong rơi vào khủng hoảng nhà từ chục năm nay. Với việc giá cả sinh hoạt tăng cao tại Hongkong trong lúc mức lương không tăng theo kịp, thì việc đưa ra các giải pháp là rất cần thiết. Cho tới khi có giải pháp thích hợp được đưa ra, thì sẽ vẫn còn những người hàng ngày phải chui ra chui vào những “căn nhà” kỳ quái, nhà không ra nhà, giống “cũi” thì đúng hơn.

Bao giờ thì cuộc khủng hoảng nhà chấm dứt?

Kim Thoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hongkong-giai-phap-cap-bach-nao-cho-cuoc-khung-hoang-nha-d67873.html