'Hóng' từng tập nhưng bạn đã biết tựa phim 'Diên Hi công lược' nghĩa là gì và các cấp bậc chốn hậu cung ra sao chưa?

Diên Hi công lược là bộ phim cung đấu được giới mọt phim săn lùng gần đây, vậy rốt cuộc ý nghĩa của tựa phim 'khó nhằn' này là gì và các cấp bậc chốn hậu cung được xây dựng ra sao?

Diên Hi công lược được lấy bối cảnh vào năm thứ 6 đời vua Càn Long triều nhà Thanh, Trung Hoa. Sau cái chết của chị gái ruột, thiếu nữ trí dũng Ngụy Anh Lạc muốn tiến cung để điều tra chân tướng sự thật đằng sau cái chết oan ức của chị mình.

Phú Sát Hoàng hậu hiền đức, nhân từ luôn tin tưởng và tận tâm giúp đỡ, chỉ dạy cho Anh Lạc. Dần dần, cô cung nữ lòng đầy oán hận ngày nào đã chấp nhận buông bỏ hận thù xưa trở thành một nữ quan cương trực, tài trí. Hoàng hậu bất hạnh qua đời, Ngụy Anh Lạc bị vua Càn Long đuổi ra khỏi Tử Cấm thành và ngôi Hoàng hậu được Nhàn phi nắm giữ. Nhưng sau này, Càn Long đã dần hóa giải hiểu lầm và yêu thương, giúp đỡ Anh Lạc. Kết thúc có hậu, Anh Lạc trở thành Hoàng Quý phi rồi được truy phong Hoàng hậu khi qua đời.

Nhờ sự giúp đỡ của Hoàng hậu Phú Sát, Ngụy Anh Lạc bỏ qua hận thù
trở thành nữ nhân tài sắc vẹn toàn.

"Diên Hi công lược" có nghĩa là gì?

Theo tiếng Hoa, chữ "Diên" có nghĩa là kéo dài, từ "Hi" ý chỉ ánh sáng, là sự may mắn, cát tường, hạnh phúc. Như vậy cụm từ "Diên Hi" nghĩa là những điều tốt lành sẽ kéo dài. Trong phim, đây cũng là tên cung điện mà Ngụy Anh Lạc làm chủ sau khi được Càn Long sắc phong là Quý Nhân.

Phỏng theo tựa phim Diên Hi công lược, Ngụy Anh Lạc sẽ nắm quyền chốn hậu cung.

Còn "công lược" nghĩa là chiếm giữ, tiến công. Nói chung tạm hiểu "Diên Hi công lược" có nghĩa là câu chuyện của người ở cung Diên Hi trong một trận cung đấu để nắm quyền "sinh sát" ở hậu cung. Tên phim theo tiếng Anh là "The Story of Yanxi Palace" cũng có cùng ý nghĩa như trên, là câu chuyện về cung Diên Hi.

Thứ bậc cung phi trong phim ra sao?

Đời nhà Thanh yêu cầu hậu cung rất cao, nói chung con gái đẹp đều phải thuộc người trong Bát Kỳ (đất gốc của tộc Mãn) rất ít chọn trong Hán tộc, Hàm Phong chỉ chọn được 4 gái đẹp người Hán, gọi họ là Tứ xuân nương nương. Nữ 13 tuổi được gọi là "vừa tuổi" quá 16 tuổi đã bị gọi là "quá tuổi". Đã quá tuổi nói chung không được tham dự lựa chọn cho các cấp bậc cao hơn. Ở độ tuổi còn thích hợp thì được quyền tham dự đợt lựa chọn lần sau, nếu không khi quá 20 tuổi không được về nhà, nếu bị tàn tật qua phê chuẩn của Hoàng đế có thể được miễn lựa chọn.

Phàm những người đã được Hoàng đế phong danh hiệu thì cho đến chết vẫn không được ra khỏi cung, lấy chồng. Trừ một số trường hợp khi Hoàng đế qua đời được đặc cách xuất cung ở với con trai là Thân vương, Quận vương…

Theo sử sách, Hoàng hậu là vợ chính thức của Hoàng đế (thê, chính thất), Phi tần là các người vợ có cấp bậc dưới Hoàng hậu (thiếp, trắc thất) và các Tiểu chủ (tỳ thiếp). Thứ bậc được sắp xếp là Phi - Tần - Quý nhân - Thường tại - Đáp ứng - Quan nữ tử. Họ là các "chủ tử" trong hậu cung, được các Thái giám và Cung nữ hầu hạ. Trên Phi còn có Quý Phi và Hoàng Quý Phi, trong đó Hoàng Quý Phi chỉ có một người được phong. Chức tước này thường được sử dụng khi Hoàng đế muốn phong một phi tần làm Hoàng hậu nhưng đang trong đại tang của Tiên đế, Thái hậu hay Hoàng hậu.

Đầu đời Thanh chưa lập qui chế hậu cung, mãi tới năm Thuận Trị thứ 15 (1658) mới có. Theo "Thanh sử cảo Hậu phi truyện" ghi: "Từ sau đời Khang Hi chế độ tuyển phi mới đầy đủ. Hoàng hậu ở cung giữa, Hoàng Quý phi một người, Quý phi hai người, Phi bốn người, Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng, Quan nữ tử không định số miễn là đủ nhu cầu, chia nhau ra ở trong 12 cung Đông - Tây".

Hoàng hậu

Hoàng hậu là vợ chính thống (chính thê) của Hoàng đế, vì vậy luôn luôn chỉ có một người tại vị. Hoàng hậu được lập trong các trường hợp sau:

- Khi một A ca lên ngôi Hoàng đế, Đích Phúc tấn sẽ được sắc phong Hoàng hậu.

- Khi một Hoàng hậu qua đời hoặc bị phế truất, triều đình sẽ tuyển chọn một Hoàng hậu mới hoặc một Phi tần được lập làm Hoàng hậu.

Nhàn phi là người thay thế ngôi vị Hoàng hậu.

- Khi một Phi tần qua đời được truy phong (thường là bởi chồng hoặc con trai ở ngôi Hoàng đế).

- Trên danh nghĩa, Hoàng hậu là người thống lĩnh hậu cung, quản lý tất cả các Phi tần, Nữ quan, Thái giám và Cung nữ, tuy đôi lúc quyền này thực sự thuộc về một Phi tần đắc sủng. Hoàng hậu được coi là Hoàng ngạch nương (mẹ) của tất cả các A ca và Cách Cách trong Hoàng cung.

Phi Tần

Phi tần là vợ lẽ (thiếp, trắc thất) của Hoàng đế, cấp bậc dưới Hoàng hậu nhưng trên các Tiểu chủ (Quý nhân, Thường tại và Đáp ứng). Là vợ thứ chính thức của Hoàng đế, việc sắc phong của Phi tần được tổ chức long trọng hơn các Tỳ thiếp, người chính thức cử hành chính, chủ trì là Hoàng đế và người sắp xếp là Hoàng hậu. Mỗi Phi tần là Cung chủ của một trong mười hai cung ở hậu cung, vì vậy khi Hoàng đế lật thẻ (chọn người hầu ngủ) của Phi tần nào thì sẽ ngự giá tới cung của Phi tần đó.

Giống Hoàng hậu, số lượng của Phi tần tại vị trong một thời điểm được giới hạn. Cũng như Hoàng hậu, Phi tần được quyền nuôi con và được những người danh phận thấp hơn gọi là "nương nương". Phi tần được lập trong các trường hợp sau:

- Khi một A ca lên ngôi Hoàng đế, Trắc Phúc tấn sẽ được lập làm Phi hoặc Quý phi, Cách cách (thiếp của các A ca, địa vị dưới Trắc Phúc tấn) sẽ được lập làm Tần.

- Một vị Quý nhân đắc sủng được sắc phong lên thêm một bậc nếu có một vị trí trống.

- Công chúa lân bang (thường là Công chúa của các bộ lạc) hoặc con gái của đại thần có công có thể được sắc phong thẳng lên hàng Phi mà không cần thông qua các vị trí thấp hơn.

Thuần phi được phong làm Quý phi.

Phi tần được chia làm các cấp:

- Hoàng Quý phi: chính nhất phẩm, đứng đầu Phi tần, một người tại vị. Hoàng quý phi thường được coi như Phó hậu. Khi Hoàng đế chưa thể sắc phong một Phi tần làm Hoàng hậu vì trái quy tắc (các dịp đại tang của Tiên đế, Thái hậu hoặc Hoàng hậu), thường sắc phong làm Hoàng Quý phi và ban quyền quản lý hậu cung. Nhiều trường hợp Hoàng Quý phi thay thế Hoàng hậu cai quản hậu cung, đặc biệt khi Hoàng hậu bị thất sủng (như Lệnh Hoàng Quý phi của Càn Long).

- Quý Phi: chính nhị phẩm, hai người tại vị. Về phẩm cấp, Quý phi thấp hơn Hoàng hậu và Hoàng Quý phi, nhưng thực tế ở triều Thanh có nhiều Quý phi thống lĩnh hậu cung (như Hi Quý phi của Ung Chính, Ôn Hi Quý phi thời Khang Hi).

- Phi: chính tam phẩm, bốn người được tại vị.

- Tần: chính tứ phẩm, sáu người được tại vị.

Người có tước Tần trở lên sẽ đứng đầu một cung, những phi tần có cấp thấp hơn phải ở cùng trong cung của phi tần cấp cao, chịu sự quản lý và sai khiến của người đó. Do số lượng cung điện trong Tử Cấm Thành có hạn, số lượng những người vợ thuộc tước Tần trở lên được quy định rất rõ ràng. Thông thường, một hoàng đế có 4 Phi và 6 Tần.

Cao Quý phi hậm hực vì luôn thấp kém hơn Hoàng hậu.

Ngoài ra khi theo dõi phim có thể thấy có sự phân biệt định mức lương bổng cũng như như lễ nghi trong cung giữa Hoàng hậu và các phi tần. Điển hình như Cao Quý phi có đề cập trong phim, Hoàng hậu được dùng đồ vàng, dùng nghi giá, bổng lộc 1000 lượng còn Qúy phi chỉ được dùng đồ bạc, dùng nghi trượng bổng lộc lại kém hơn 400 lượng, mỗi dịp Tết cũng được bạn thưởng ít hơn Hoàng hậu.

Tiểu chủ

Các Tiểu chủ là các Tú nữ được sắc phong khi mới nhập cung hoặc các Thị thiếp (tỳ thiếp không có danh phận) của các Hoàng đế trước khi đăng cơ, danh phận thấp hơn bậc Tần. Các Tiểu chủ thường chỉ ở tại các cung điện nhỏ hoặc phòng ốc trong mười hai cung của hậu cung do các Phi tần làm chủ, vì vậy Hoàng đế khi lật thẻ Tiểu chủ nào Tiểu chủ đó sẽ được đưa tới Cung Càn Thanh (hay Dưỡng Tâm điện) bằng "Ngự Liễn" (kiệu của vua). Con cái do các Tiểu chủ sinh ra sẽ được các Phi tần danh phận cao nuôi dưỡng. Không có giới hạn cho số lượng Tiểu chủ (như Khang Hi có tổng cộng 79 thê thiếp). Các Tiểu chủ không được gọi là nương nương.

Ngụy Anh Lạc một bước lên Quý nhân trong sự ngỡ ngàng của cả hậu cung.

Các cấp bậc của tiểu chủ:

- Quý nhân: là cấp bậc cao nhất một Tú nữ mới vào cung được sắc phong. Thường thì các Đáp ứng và Thường tại trước khi được sắc phong lên Phi tần (nương nương) đều qua bậc Quý Nhân.

- Thường tại: Là cấp bậc lớn thứ hai một Tú nữ được sắc phong khi mới nhập cung.

- Đáp ứng: Là cấp bậc thấp nhất của một "chủ tử" trong hậu cung. Ngoài ra còn là một cấp bậc tiền ứng để sắc phong lên các bậc chính thức cao hơn.

- Quan nữ tử là một cấp bậc đặc biệt, không phải những tú nữ nhập cung hàng năm được tuyển chọn gắt gao mà chỉ là cung nữ bình thường, may mắn được Hoàng thượng sủng ái, mà Ngụy Anh Lạc là một trong số đó. Phải nói thêm, cung nữ đều xuất thân "bao y" - những dòng họ sinh ra để làm "người hầu" trong Tử Cấm Thành. Từ Quan nữ tử lên được đến ngôi Hoàng Quý Phi, Ngụy Anh Lạc chắc chắn phải trải qua vô vàn khó khăn.

Ngọc Anh (Theo nld.com.vn)

Nguồn Ngôi Sao VN: https://ngoisao.vn/dien-anh/toan-canh/hong-tung-tap-nhung-ban-da-biet-tua-phim-dien-hi-cong-luoc-nghia-la-gi-va-cac-cap-bac-chon-hau-cung-ra-sao-chua-246958.htm