Hồng phúc nhà mình

Anh Tý khóc vì sung sướng. Còn chị xã cũng quay đi, giấu những giọt lệ vì nỗi tủi nhục mà chị từng phải chịu đựng để đời có sự 'nhân đức công bằng' như anh Tý nói...

Chị xã Tý dắt con lợn hạch đi trên đường. Nhà ông lang Hạ có lợn nái cần phối giống.

Chả hiểu sao lợn đực lại gọi là lợn hạch, chị mua con này đã mấy năm, và biến thành nghề. Nhà chỉ có một sào ruộng, anh xã làm là chính, còn chị phụ trách cả đàn lợn nái trong làng.

Lẽ ra lợn hạch của chị phải to béo oai phong, lừng lững đi làm nhiệm vụ, đằng này nó còm nhom gày gò đến thảm hại...

Ông lang Hạ đón từ cổng. Chị xắn tay áo, vén váy quá gối, chỉ huy thao tác. Lão lang chợt trông thấy đôi chân trắng trẻo to lừng lững, đôi tay nõn nà của chị. Chị biết thóp, phớt lờ.

Xong việc, lão mời lên nhà, rót nước:

- Chị lấy bao nhiêu tiền?

- Ông cho bao nhiêu cũng được.

Lão lang mắt hấp háy vẫn dán vào đùi chị, vì chị vẫn chưa kéo váy xuống. Hít hít mùi thuốc bắc thơm lừng quanh nhà, chị bảo:

- Chồng em ốm đã cả tháng nay. Hay là ông cho mấy thang thuốc bổ thay vào tiền phối giống.

- Chục lần phối giống cũng không đủ một thang thuốc này đâu - Lão lang nói.

Chị xã rung tít đùi:

- Thì cứ cho mười thang rồi em giả dần.

Vợ lão lang hôm nay đi cất hàng tận miền ngược, vắng nhà. Trời nắng nồm nam, chân tay chị xã cứ trắng hồng lên làm lão lang hoa mắt. Mười thang thuốc là cái quái gì, lão ngồi sát vào chị. Chị cũng dịch người về phía lão.

- Tôi biếu không chị mười thang đấy - Lão lang nói.

- Hí hí… Thế thì em cảm ơn - Chị xã đưa mắt lẳng lơ.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Lão lang sờ vào đùi chị. Chị khẽ né.

- Đem thuốc ra đây.

- Có ngay.

Khi đống thuốc đã chồng trước mặt, chị xã lim dim mắt cho lão tha hồ ve vuốt đùi mình. Làm quái gì cái đùi, mất gì…

Nhưng mười thang thuốc cũng chỉ được thế thôi, chị xã kéo váy xuống.

- Về sắc trong ấm đất cho anh ấy uống - Lão lang nói - Cần thuốc nữa lần sau lại đến…

Chị xã về đến nhà, chồng đang nằm rên hừ hừ. Bệnh gì chả biết. Chị đi tìm ấm đất và củi tre gộc nhóm bếp.

- Tiền đâu mà mình mua thuốc - Anh xã hỏi.

- Mua chịu, uống cho khỏi bệnh cái đã.

Mùi thuốc chả mấy chốc đã thơm lừng. Bên bếp than đỏ hồng, chị xã một tay bưng bát thuốc nóng, thổi phù phù, một tay nâng đầu chồng dậy. Anh xã uống từng hớp. Táo tầu, cam thảo, nhân sâm, quy thục, đỗ trọng… Toàn thuốc bổ, uống vào đến đâu tỉnh ra đến đấy…

*

Anh xã chả có bệnh gì nghiêm trọng. Chỉ là kiệt sức. Mười thang thuốc bổ làm anh khỏe hẳn lên. Nhưng vừa lại hồn, nhà vui vẻ được một tý thì lão Lý Két sang.

- Đã quá hạn sáu tháng, anh phải trả nợ tôi.

- Ông thư thư cho một tý.

- Thư đến bao giờ - Lão giở văn tự ra. Giấy ghi rõ nếu quá nợ sáu tháng, anh phải gán giả sào ruộng.

Lý Két về rồi, vợ chồng anh xã thở dài. Có chạy đi đằng giời không thoát món nợ này. Nguyên do là ngày ấy bố anh Tý lâm bệnh chết đột ngột, nhà không có một đồng một cắc nào lo ma. Lệ làng, chết phải mổ lợn mời xóm, mời chạ đến ăn cỗ, đưa cụ ra đồng. Không có thì đánh bục trống chẳng ai đến. Lo ma cho cha mẹ mới tròn đạo hiếu. Không lo thì chả thành người, không dám ngẩng mặt nhìn ai khi ra đường…

Anh xã Tý đến năn nỉ lão lý Két, lão đồng ý cho vay tiền với điều kiện như ghi trong văn tự.

Mất sào ruộng thì vợ chồng anh lấy gì mà sống. Dẫn lợn hạch, đâu có đủ. Chết đói cả nút. Mà chưa trả nợ, lão Lý sẽ kiện lên quan huyện. Phen này thì vợ chồng con cái nhà xã Tý dắt nhau đi ăn mày.

Lo lắng lại làm anh Tý tái phát bệnh, đắp chăn rên hừ hừ.

- Thôi đừng cả nghĩ nữa nhà ạ. Còn người, còn của. Nhà cứ để tôi lo.

Anh Tý chả biết làm sao bây giờ, chỉ biết cố ngồi dậy, làm ra vẻ khỏe khoắn, cho vợ vững tâm.

*

Chị xã Tý nghênh ngang dắt con lợn hạch đi giữa đường phố huyện rải đá răm, lổn nhổn cứt ngựa, xe quan huyện thải ra. Giờ thêm cứt lợn hạch, cũng không thành vấn đề gì.

- Nhà riêng quan huyện ở đâu - Chị xã hỏi anh lính lệ gác cổng huyện đường.

Tên lính trừng mắt nhìn mụ nhà quê:

- Hỏi làm gì?

- Vào gặp vợ quan. Bà ấy có nhà không?

- Bà ấy lên tỉnh có việc cơ.

- Tôi vào gặp con sen thằng ở...

Theo tay lính lệ chỉ, chị xã lại nghênh ngang dắt con "chiến mã" hành trình. Tốt rồi, vợ quan không có nhà. Cổng nhà quan khá to, nhưng chị xã chả run tý nào…

Quan huyện đang ngồi sân thủy đình hóng mát. Trời nắng, gió hây hẩy… Mấy hôm nay vợ đi vắng, việc quan rỗi rãi, cảnh thư thái, đầu lão bỗng nảy ra một tứ thơ Đường, thứ mà lão thông thạo từ hồi đi thi Hương. Làm bài thơ tả cái thủy đình mới xây của mình. Thôi Hiệu xưa tả lầu Hoàng hạc. Ta cũng tả hoàng hạc bay về thủy đình này. Lão bắt đầu đọc câu của Thôi Hiệu để gợi cảm hứng, rồi từ đó mô phỏng theo:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu

(Người xưa cưỡi hạc bay đi mất
Lầu hạc vàng còn trơ lại đây)

Thay vì tiếng hạc kêu, lão nghe thấy tiếng lợn hạch ủn ỉn ngoài cổng.

- Lạy quan - Chị xã nói to - Quan bà nhắn con mang lợn đực đến phối giống, lấy lợn sữa quay cho quan ẩm thực.

Lão quan ngờ ngợ, nhưng nghe kế hoạch lợn sữa quay thì thấy có lý …

Chị xã đứng đấy, giữa sân, to béo ngồn ngộn, áo cộc rách, váy đụp xắn cao, chân tay nần nẫn trắng trẻo. Lão huyện chợt liên hệ đến bà vợ ăn quà như mỏ khoét mà còm nhom, chân như ống giang đen xì của vợ mình.

Con lợn hạch đứng một lúc khó chịu, giằng ra tuột thừng, chạy lung tung. Chị xã lạch bạch đuổi theo, ngã oạch, giơ bốn vó lên giời.

- Quan chặn đầu kia, con chặn đầu này - Chị nói.

Láo thật, dám bắt cả quan đuổi lợn. Nhưng lão huyện không chấp. Mình ngày xưa chưa đỗ đạt làm quan, ở nhà cũng đuổi lợn cho mẹ…

- Hùy… hùy - Lão giúp sức.

Ngã lấm hết cả người, chị xã cởi phăng áo, ra cầu thủy đình gột đất cát, lộ ra chiếc yếm đỏ chật căng, dải buộc hờ, đôi vú to ụ, sườn nõn nà. Lão huyện dán mắt nhìn…

Sạch sẽ rồi, chị mới đến ngồi bên quan. Mùi mồ hôi đàn bà nạ dòng to béo xộc lên…

Lão quan huyện đĩ tính, không rụt rè như lão lang băm. Quen thói quyền hành bản quan, lão thản nhiên sờ vào đùi chị. Chị cười hinh hích, vén cao váy hơn để hầu quan. "Vũ khí" của chị xã chỉ là đôi chân tay to đẹp nõn nà trời ban, chứ chị còn có gì để "chiến đấu" với cuộc đời này.

Lão quan dắt chị vào nhà thủy đình, buông rèm kín. Thế là chim Hoàng hạc chưa về, chị xã Tý đã "xông đất" ngôi lầu. Cạp váy buộc bằng dây chuối nên đứt ngay. Cả người chị ngồn ngộn như mâm thịt mỡ trắng ngần. Và đó chính là khẩu vị của viên quan huyện.

Chị vòng tay gối đầu quan, tay còn thoảng mùi cứt lợn hạch không rửa sạch được. Chị ôm lão và thấy người quan chỉ to bằng cái đùi mình.

- Em có chuyện này muốn nhờ quan - Chị nói, rồi kể hết chuyện tên lý trưởng Nguyễn Văn Két âm mưu chiếm sào ruộng của chị như thế nào, nhờ quan xử kiện cho chị được thắng.

- Việc đó là việc của "anh" rồi. Dễ quá, "em" yên tâm.

*

Lý trưởng Nguyễn Văn Két đàng hoàng, tự tin bước vào phòng xử án, sau khi đã đặt mấy đồng bạc lên bàn.

Quan huyện mặc áo gấm, đeo thẻ ngà, tay cầm mẩu gỗ trắc để mỗi lần nói lại đập xuống bàn một cái.

Hai hàng lính lệ cầm gậy to bằng cổ tay, chống nghiêng nghiêng xuống sàn, trông phát sợ.

Quan gọi anh nông dân Nguyễn Văn Tý vào đối chất.

- Lý trưởng kiện mày không trả nợ.

- Dạ.

- Tại sao không có tiền mà mày lại bày vẽ làm ma bố làm gì?

- Dạ đó là hủ tục của làng xóm.

- Biết là hủ tục mà mày vẫn theo.

- Dạ không theo, mọi người sẽ cười con là đồ bất hiếu.

- Ai làm ra hủ tục.

- Con không biết.

- Vì theo cái thứ "con không biết" đó mà bây giờ mày mắc tội quỵt nợ.

- Con sẽ trả dần.

- Lý Két, tại sao mày biết anh ta nghèo mà vẫn cho vay - Quan quay sang hỏi lý trưởng.

- Vì anh ta viết văn tự nếu không trả được sẽ gán nợ một sào ruộng.

- Vậy là mày lợi dụng người ta trong lúc khó khăn để cướp ruộng của người ta - Quan huyện phán.

Lý Két run cầm cập, không ngờ lại diễn biến như thế này.

- Không có ruộng, vợ chồng tên Tý sống bằng gì - Quan huyện hỏi.

- Dạ, cái đó kệ nó, nó nghèo, nó phải chịu.

- Tại sao ông Lý không cày sâu cuốc bẫm mà giầu - Anh xã Tý nói - Còn con bán lưng cho giời bán mặt cho đất mà vẫn nghèo.

- Chuyển câu hỏi này cho Lý Két.

Hai hàng lính lệ gõ gậy rầm rầm xuống sàn, kêu "huờ huờ". Gậy này mà nện thì chỉ có gẫy lưng.

- Nghe lời quan xử đây - Quan huyện nói - Nguyễn Văn Tý phải làm ăn chắt bóp, giả dần món nợ. Nguyễn Văn Két phải chờ đợi, không được lấy ruộng của người ta. Cả hai đứa đều có tội, đáng đánh ba mươi gậy, chúng mày nghĩ thế nào.

- Dạ… Con xin rút đơn kiện ạ - Lý trưởng kêu to.

Bọn lính lại gõ gậy "huờ huờ".

Lý Két và anh Tý vái quan, đi xe lui ra công đường… Cả hai vừa được đối diện với công lý.

Anh xã Tý về đến nhà, thấy vợ đang bồn chồn chờ đợi:

- Quan xử thế nào?

- Quan tốt lắm, đời nhân đức công bằng lắm, đại hồng phúc nhà mình, quan xử hòa, không mất ruộng.

Anh Tý khóc vì sung sướng. Còn chị xã cũng quay đi, giấu những giọt lệ vì nỗi tủi nhục mà chị từng phải chịu đựng để đời có sự "nhân đức công bằng" như anh Tý nói.

11-12-2018

Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/hong-phuc-nha-minh-537461/