Hồng lâu mộng: Men rượu mới từ chiếc bình cổ

NDĐT – Bộ tiểu thuyết kinh điển Hồng lâu mộng luôn rất dễ tạo nguồn cảm hứng nhưng cũng lại dễ 'làm khó' bất kỳ ai muốn chuyển thể, xây dựng nó thành bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Thế nhưng, khi xem vở kịch mới nhất cùng tên, do đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong chuyển thể, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam thể hiện, khán giả sẽ thấy một cảm giác hoàn toàn khác lạ.

“Hồng lâu mộng” của đạo diễn Chua Soo Pong lựa chọn câu chuyện tình cảm giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa làm nội dung chính, các tuyến nhân vật cũng cắt đi chỉ còn những người chung quan hai nhân vật này, như Giả mẫu, Giả Chính, Vương Phu Nhân, Tiết Phu Nhân, Vương Hy Phượng, Tập Nhân, Tình Văn, Tử Quyên, Tuyết Nhạn…

Lấy bối cảnh là khu vườn Đại Quan Viên trong phủ Vinh, một trong hai dinh cơ tráng lệ của gia đình họ Giả. Giả Bảo Ngọc, cậu con trai nối dõi duy nhất của gia đình Vinh Quốc công, sống trong nhung lụa xa hoa, trong sự chiều chuộng của cả gia đình, đặc biệt là bà – Giả mẫu và mẹ - Vương phu nhân. Con đường mà cả gia đình lựa chọn và hướng theo là con đường học hành, khoa cử, sau này tìm đường thăng quan tiến chức. Vì thế, đương nhiên khi ở tuổi dựng vợ gả chồng, một hình mẫu người vợ chăm lo cho chồng, biết khuyên nhủ chồng tu chí dùi mài kinh sử, chăm sóc những mối quan hệ để dễ bề thăng tiến… là mẫu hình lý tưởng để cả gia đình họ Giả lựa chọn cho Giả Bảo Ngọc.

Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn, Giả Bảo Ngọc yêu văn thơ, nghệ thuật, yêu sự lãng mạn và tình yêu tự nhiên mà văn thơ đem đến, chứ không mặn mà gì với sách vở chữ nghĩa để thi cử và chính tính cách này đã khiến trái tim chàng rung động trước cô gái mong manh yếu ớt Lâm Đại Ngọc – mỏng manh như một cánh hoa đào nhưng tràn đầy tình yêu và thi hứng với văn chương.

Điểm mấu chốt là Lâm Đại Ngọc, mặc dù được thương quý, nhưng số phận trớ trêu đẩy cô vào tình cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà ngoại đưa về cưu mang, nên luôn mang trong lòng mặc cảm. Sự mong manh, nhạy cảm khiến cô buồn tủi với số phận và hờn tủi cả với tình cảm dành cho chàng trai mà cô đem lòng yêu mến. Một người như Lâm Đại Ngọc, tất nhiên không phải là mục tiêu để gia đình họ Giả lựa chọn cho viên ngọc quý duy nhất của mình, mà phải là Tiết Bảo Thoa, cô gái khôn khéo, sắc sảo, tháo vát, lại giỏi chữ nghĩa và một lòng mong muốn Giả Bảo Ngọc theo con đường quan lộ.

Bi kịch diễn ra từ đây. Bi kịch của Giả Bảo Ngọc là có thể có tất cả nhưng không có được điều mình muốn. Bi kịch của những người còn lại là không thể tự chủ cho những quyết định của mình, luôn bị dẫn dắt bởi một người có vai vế cao hơn hoặc bởi những mong muốn, ước vọng nào đó. Bi kịch của Lâm Đại Ngọc là bị tuột khỏi tay một tình yêu trong trẻo và đẹp đẽ mà cô hằng mơ ước và tôn thờ. Bi kịch của Tiết Bảo Thoa là mặc tấm áo đỏ trong ngày cưới mà phải nhìn thấy ánh mắt sửng sốt và tuyệt vọng tột độ của người mình yêu, đồng thời ngày cưới của mình cũng là ngày chứng kiến sự ra đi mãi mãi của Đại Ngọc – một người trong gia đình. Kết thúc vở kịch là hình ảnh từng phần ước lệ của chiếc lồng son mà gia đình họ Giả nhốt Giả Bảo Ngọc, cũng là tự nhốt chính bản thân mình. Còn tình yêu của Bảo Ngọc và Đại Ngọc như một đôi bướm trắng tung cánh bay đi mãi…

Tiết Bảo Thoa trong ngày vui nhưng cũng là ngày bi kịch của đời mình.

Cái tên “Hồng lâu mộng” chắc chắn không ít thì nhiều, sẽ khiến người xem so sánh phần nào với tác phẩm truyền hình cùng tên đã trở thành kinh điển truyền hình Trung Quốc. Nhưng ở vở diễn, từng nhân vật chính, phần lớn đều do các diễn viên còn rất trẻ đảm nhiệm, đã cho thấy sự khẳng định và thể hiện “thoát” hẳn ảnh hưởng của phiên bản truyền hình. Tô Tuấn Dũng cho thấy một Giả Bảo Ngọc tuy còn ít nhiều “nhõng nhẽo”, “làm nũng” vì quá được nuông chiều, nhưng sau khi phát hiện bị chính gia đình mình lừa dối, đã có những phản ứng quyết liệt. Diễm Hương lột tả được vẻ mỏng manh yếu đuối của Lâm Đại Ngọc, nhưng lại say mê thi phú và có một tình yêu nồng nàn với thơ văn. Vương Hy Phượng của Trương Thu Hà ngoài vẻ sắc sảo, còn cả sự giảo hoạt và toan tính. Giả Chính của Lâm Tùng là một ông bố mù quáng, sẵn sàng vì danh lợi mà đánh đổi nhiều thứ. Tiết Bảo Thoa của Trịnh Khánh Linh khôn khéo, nhưng trong lòng sầu thảm vì bi kịch tình cảm mà mình rơi vào…. Tất cả đều được xây dựng thành những nhân vật hoàn toàn thoát khỏi hình mẫu bấy lâu vốn “đóng đinh” trong lòng người xem kể từ bộ phim truyền hình.

Sân khấu được bài trí đơn giản, không bục bệ, không màn hình led hay công nghệ hỗ trợ, chỉ ánh sáng và một vài vật dụng nêu bật bối cảnh của từng đoạn diễn. Thậm chí, phần lối đi phía trước khán giả được tận dụng trở thành một sân khấu “phụ” mô tả những câu chuyện xảy ra bên ngoài phủ Vinh, như cảnh người hầu đưa Lâm Đại Ngọc đến phủ Vinh, cảnh Kỳ Quan đi trốn, cảnh Giả mẫu, các phu nhân và tiểu thư đi thưởng hoa ngoài vườn Đại Quan Viên…, giúp người xem tiếp cận gần và cảm nhận được nhiều hơn diễn xuất của các diễn viên.

Phần chuyển ngữ của hai tác giả Hoàng Long – Xuân Hồng có thể nói cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công của vở kịch. Có những đoạn thơ sau khi được ngân lên, khán giả đã vỗ tay rào rào. Ngôn ngữ được sử dụng uyển chuyển, nhuần nhuyễn, khiến người xem không hề có cảm giác đây là vở kịch được dựng từ kịch bản của đạo diễn người Singapore, mà được chuyển thẳng từ bản dịch bộ sách Hồng lâu mộng. Cùng với đó, âm nhạc của ông vua nhạc phim Tiến Minh cũng tạo nên cái “chất” của vở kịch, từ những giai điệu sâu lắng, tha thiết cho đến những đoạn nhạc tươi tắn, tạo nên cho vở kịch những sự hấp dẫn riêng…

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34553702-hong-lau-mong-men-ruou-moi-tu-chiec-binh-co.html