Hồng Kông sau 'một đêm dữ dội'

Một quan chức cao cấp của Hồng Kông (Trung Quốc) đã mô tả, trụ sở Hội đồng Lập pháp thành phố là 'hiện trường vụ án lớn', chỉ vài giờ sau khi hàng trăm người biểu tình, chủ yếu là những người trẻ tuổi, xông vào tòa nhà, phá hủy nhiều thứ.

Một quan chức cao cấp của Hồng Kông (Trung Quốc) đã mô tả, trụ sở Hội đồng Lập pháp thành phố là "hiện trường vụ án lớn", chỉ vài giờ sau khi hàng trăm người biểu tình, chủ yếu là những người trẻ tuổi, xông vào tòa nhà, phá hủy nhiều thứ.

Người biểu tình xông vào bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Ảnh: CNN

Người biểu tình xông vào bên trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Ảnh: CNN

Điều tra tội phạm sau vụ bạo loạn tại Hội đồng Lập pháp

Những khẩu hiệu vẽ nguệch ngoạc, kính vỡ và mảnh vụn chỉ là một vài trong số những dấu vết của một đêm đánh dấu bước ngoặt rõ ràng trong phong trào phản kháng kéo dài nhiều tuần qua tại Hồng Kông nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Trong cuộc họp báo sáng 2-7, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp (LegCo) Andrew Leung cho biết, cảnh sát hiện đang kiểm soát tòa nhà và điều tra. "Ngay bây giờ, LegCo là hiện trường vụ án lớn", ông nói. "Ưu tiên của LegCo là nơi tổ chức các cuộc họp. Sẽ rất khó để sử dụng địa điểm này". Ông Leung bày tỏ sự buồn bã khi người biểu tình sử dụng sơn xịt để phá hoại gian phòng chính, nơi các nhà lập pháp tranh luận và thông qua luật.

Hôm 1-7, hàng trăm ngàn người biểu tình ôn hòa diễu hành qua thành phố nhân dịp kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Nhưng trước khi cuộc tuần hành chính diễn ra, một nhóm người biểu tình nhỏ, ly khai - nhiều người trong số họ đang ở tuổi thiếu niên - đeo mặt nạ, mũ bảo hiểm và các thiết bị bảo vệ khác - đã đến tòa nhà trụ sở của LegCo. Bên ngoài tòa nhà, các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ địa phương cầu xin những người biểu tình này kiềm chế, nhưng không có kết quả. Sử dụng xe đẩy và các thanh kim loại để đập vỡ kính cường lực, các thành viên của nhóm biểu tình này cuối cùng đã xông vào bên trong trụ sở của Hội đồng Lập pháp, treo các khẩu hiệu phản đối dự luật dẫn độ lên tường, phá hủy cờ trên bục trung tâm của gian phòng chính.

Cảnh sát không hành động khi những người biểu tình tấn công tòa nhà và xông vào bên trong. Do đó, hàng trăm người đã ở lại bên trong Hội đồng Lập pháp trong 3 giờ trước khi có thông báo về hoạt động giải tán sắp xảy ra. Vài phút sau đó, những người biểu tình quyết định rời khỏi tòa nhà, nhưng một số người muốn ở lại buộc cảnh sát phải phun hơi cay và dùng dùi cui để giải tán đám đông.

Trung Quốc ủng hộ điều tra tội phạm

Trong cuộc họp báo sáng 2-7, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lên án hành động của người biểu tình, cho rằng họ đã "cực đoan... bạo lực và phá hoại". "Không có gì quan trọng hơn luật pháp ở Hồng Kông", bà Lâm cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đại lục cũng mạnh mẽ lên án việc người biểu tình lục soát trụ sở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: "Những hành động phi pháp nghiêm trọng này chà đạp lên quy định luật pháp ở Hồng Kông, phá hoại trật tự xã hội Hồng Kông và làm tổn hại đến lợi ích cơ bản của Hồng Kông. Đây là một sự thách thức nghiêm trọng đối với đường lối "một quốc gia, hai chế độ". Chúng tôi bày tỏ sự lên án kịch liệt đối với hành động này". Tuyên bố nêu rõ Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ chính quyền và cảnh sát Hồng Kông. Theo tuyên bố, chính quyền trung ương Trung Quốc "cũng ủng hộ các cơ quan liên quan của Đặc khu hành chính Hồng Kông điều tra trách nhiệm hình sự của người phạm tội bạo lực theo quy định của pháp luật, nhằm khôi phục trật tự xã hội bình thường càng sớm càng tốt và bảo vệ sự an toàn cá nhân và tài sản của công dân, cũng như bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông".

Sốc vì biểu tình leo thang xung đột

Việc người biểu tình sử dụng hành động bạo loạn đã gây sốc cho nhiều người ở Hồng Kông, và không rõ liệu người biểu tình có tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân sau vụ đột nhập vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp hay không và liệu chính quyền sẽ thực hiện những bước đi nào để ngăn chặn các cuộc biểu tình tương tự.

Một số người biểu tình cho biết, không sẵn lòng lên án hành động của những người cố gắng đột nhập vào tòa nhà chính quyền. "Một số người trong chúng ta cực đoan hơn, một số người trong chúng ta chỉ muốn tuần hành. Chúng tôi là cùng một đội, vì vậy chúng tôi không muốn chống lại họ", Tsang, một sinh viên đại học 24 tuổi, người tham gia tuần hành, cho biết. Nhiều người dân thành phố bị sốc trước sự tức giận và leo thang nhanh chóng của người biểu tình. Tổng cộng, 59 người đã được đưa đến bệnh viện trong cuộc biểu tình ngày 1-7. Tính đến 8 giờ sáng 2-7, 6 người đã ổn định và 3 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Cảnh sát cho biết, 13 sĩ quan đã phải nhập viện. Hiện chưa rõ có bao nhiêu vụ bắt giữ. Ông Leung, chủ tịch LegCo, cho biết cảnh sát đang "thu thập bằng chứng".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_208756_hong-kong-sau-mot-dem-du-doi-.aspx