Hong Kong ngăn chặn cuộc 'xâm lăng' của lợn rừng

Tháng 5 năm ngoái, bà Liz Walsh, công dân Australia, cùng 2 con nhỏ chuyển tới sống tại một tòa chung cư 30 tầng gần khu vực tài chính của Hong Kong (Trung Quốc). Chỉ vài tuần sau đó, gia đình bà đối mặt với những vị hàng xóm bất ngờ: 3 con lợn rừng.

Một nhóm lợn rừng đi dạo ngay trên đường phố Hong Kong. (Nguồn: AP).

Rừng giữa thành phố

Những con lợn rừng này giờ thường xuyên đi dọc tuyến đường dẫn tới khu chung cư của bà Walsh, ngủ trên vệ đường và quanh quẩn ở khu vực sân chơi cho trẻ em. “Chúng khá thân thiện, nhưng tôi cũng luôn thận trọng bởi có 2 con nhỏ” – bà Walsh nói.

Những vụ chạm mặt lợn rừng như vậy giờ không còn xa lạ trong cuộc sống của người dân ở Hong Kong. Số vụ báo cáo xuất hiện lợn rừng đã tăng gấp 2 lần chỉ trong 5 năm qua – theo Cơ quan Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) của thành phố này. Những con lợn rừng có thể có trọng lượng tới 200 kg, dài tới 2 m, thời gian qua xuất hiện khắp khu vực tài chính của Hong Kong, lao ra cả đường băng tại sân bay quốc tế và gây náo loạn trong các khu siêu thị…

Hong Kong vốn nổi tiếng là khu vực đô thị có mật độ dân cư đông đúc cùng những tòa nhà chọc trời. Nhưng chỉ có chưa đầy 25% diện tích đất của thành phố được xây dựng, trong khi các công viên, khu bảo tồn tự nhiên chiếm tới 40% diện tích. Phần lớn nhà cửa tập trung ở phần đất nằm ngoài rìa hòn đảo này. Khu đô thị chỉ cách vài bước chân là tới các cánh rừng cận nhiệt đới nằm trên những ngọn đồi gần đó.

Chính bởi vậy, các loài động vật như rắn, khỉ và nhím thường xuyên đi vào các khu dân cư. Trong thế kỷ 20, hổ vẫn còn xuất hiện khá nhiều ở Hong Kong, nhưng hiện tại, loài vật lớn nhất hay xuất hiện trong thành phố là lợn rừng. Hiện chưa rõ số lượng lợn rừng ở Hong Kong là bao nhiêu. Nhưng rõ ràng là loài vật vốn ẩn mình này giờ bắt đầu dạn dĩ hơn trước con người.

Tính từ năm 2014 đến nay, mới chỉ có 10 trường họp lợn rừng khiến người dân ở Hong Kong bị thương, và một nửa trong số đó xảy ra trong năm 2018. Trong tháng 1/2019, Đại học Hong Kong đã ra cảnh báo đội ngũ giáo viên và học sinh nên thận trọng sau khi xảy ra 2 vụ lợn rừng tấn công trong sân trường. Cuối năm ngoái, 2 người lớn tuổi cũng bị lợn rừng húc và cắn tại nhà riêng ở Kowloon.

Lợn rừng thường có răng rất sắc, và các con đực trưởng thành còn có cả răng nanh dài rất nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng thường không quá hung hăng. “Nhưng cũng giống như phần lớn các loài động vật khác, nếu bạn trêu chọc chúng, chúng sẽ phản ứng. Đặc biệt cần tránh những con mẹ đi cùng con con” – ông Howard Wong, Giám đốc Trường Thú y Hong Kong, cho hay.

Vì sao lợn rừng vào thành phố?

Theo giới chuyên gia, lợn rừng xuất hiện ngày càng nhiều ở Hong Kong là do các thùng đựng rác. Lợn rừng thường tìm kiếm thức ăn trong các thùng rác công cộng, nơi rác thải bày bừa trên vệ đường.

“Lợn là loài khá thông minh – ông Wong nói – “Một khi hiểu rằng hành động của chúng có kết quả, chúng sẽ tiếp tục làm”.

Tuy nhiên, theo ông Wong, nguyên nhân chính khiến lợn rừng đổ bộ vào các khu dân cư là do sự xâm lấn của quá trình đô thị hóa, thêm vào đó có nhiều người dân vì yêu quý động vật cũng thường xuyên cho chúng thức ăn.

Veronique Che – một nhà hoạt động thuộc Nhóm quan tâm tới lợn rừng ơ Hong Kong, nói rằng nhân tố chính là do sự mở rộng của đô thị. Trong những năm 1960 và 1970, quá trình phát triển của khu vực phía Bắc của Hong Kong đã khiến cho môi trường sống của lợn rừng bị thu hẹp đáng kể.

Chiến lược ngăn chặn

Để đối phó với cuộc “xâm lăng” của lợn rừng, chính quyền thành phố đã đưa ra một số giải pháp lạ lùng. Một nhà lập pháp từng đề xuất thả ra những con thú ăn thịt để bắt lợn rừng, tuy nhiên đề xuất bị bác bỏ lập tức bởi bất cứ loài vật nào có thể săn được lợn rừng thì cũng có thể đe dọa tới sinh mạng con người.

Có quan chức cũng từng đưa ra ý tưởng gom hết lợn rừng để mang tới các hòn đảo không người sống. Nhưng ý tưởng này cũng không thực tế bởi lợn rừng bơi rất giỏi nên có thể trở lại khu vực thành phố. Săn bắn cũng được đem ra thảo luận. Trước đây đã có 2 đội săn dân sự đã được cấp phép săn lợn rừng, nhưng sau đó bị ngừng vào năm 2017 do quan ngại về an toàn cho cộng đồng.

Hiện nay, AFCD đã tung ra một chương trình nhằm bắt nhốt lợn rừng và chuyển chúng tới các khu vực xa xôi. Những con lợn rừng được gắn chip cùng thiết bị đeo ở cổ có định vị GPS. Chính quyền Hong Kong cũng đưa ra các chương trình giáo dục cộng đồng, kêu gọi nghiên cứu chế tạo ra loại thùng rác chống lợn rừng tìm thức ăn.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-day/hong-kong-ngan-chan-cuoc-xam-lang-cua-lon-rung-tintuc429486