Hồng không hạt Bắc Kạn: Độc đáo đặc sản vùng sơn cước

Cứ vào dịp cuối tháng 7, 8 âm lịch, người tiêu dùng lại có thể thưởng thức loại trái cây đặc biệt 'hồng không hạt' Bắc Kạn. Hồng không hạt theo tiếng của dân tộc Tày còn được gọi là mác hồng, còn người tiêu dùng hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm qua nước để khử chát.

Như cái tên vốn có của nó, hồng không hạt Bắc Kạn là một loại quả không có hạt, vỏ quả màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn.

Hồng không hạt Bắc Kạn: Đặc sản vùng Sơn Cước

Hồng không hạt Bắc Kạn: Đặc sản vùng Sơn Cước

Với chất giọng tiếng Kinh pha lẫn tiếng Tày, anh Đồng Hạc - HTX Đồng Lợi (Bắc Kạn) tự hào chia sẻ: Hồng không hạt Bắc Kạn tốt nhất và an toàn nhất do người dân trồng ở nơi có nguồn nước sạch, vùng đất mà chưa bị tác động của con người nhiều, quả hồng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà là trái tự nhiên. Quả hồng Bắc Kạn có vị ngọt, có đường cát, sinh sôi trên đất có dầu khoáng nên có vị khác với hồng nơi khác.

Vị ngọt, có đường cát, sinh sôi trên đất có dầu khoáng nên hồng Bắc Kạn có vị khác với hồng nơi khác.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi hái hồng đúng độ chín, đem về ngâm xuống nước sạch, ngâm ngay sẽ cho chất lượng quả tốt và ngon nhất. Hái hồng nên vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát. Quả hái về, xếp nhẹ nhàng vào các sọt có thể vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu. Quả hồng chín màu vàng sáng rất đẹp, nhưng hái từ trên cây xuống vẫn không thể ăn được vì nó còn rất chát. Phải ngâm hồng trong nước sạch, ngập khoảng 15 - 20cm, ngâm từ ba đến bốn ngày đêm, quả hồng sẽ hết nhựa chát và chuyển thành vị ngọt, khi đó vớt ra để ráo nước là có thể ăn.

Cây hồng không hạt tại Bắc Kạn được trồng nhiều tại những nơi có độ cao dưới 800m so với mặt nước biển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích hồng không hạt đạt 677 ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 395 ha, sản lượng ước đạt 1.739 tấn. Diện tích hồng không hạt tiến hành cải tạo, thâm canh, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP là 43ha, trồng mới trong năm 2018 là khoảng gần 100ha.

Hồng không hạt chín vào thời điểm khoảng cuối tháng 7, 8 âm lịch, khi chín, màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng sáng, đây là giống hồng đã có trên 100 năm tuổi. Cách gọi hồng “không hạt” là nói tới điểm đặc biệt của loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch, vì vậy, không như các giống hồng khác, khi ăn, hồng không hạt Bắc Kạn có độ giòn. Cũng vì đặc điểm này khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là hồng Trung Quốc được ngâm vào hóa chất để cho tiêu hạt.

Cũng theo tiếng của dân tộc Tày, hồng không hạt còn được gọi là mác hồng, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát. Hồng không hạt chín vào thời điểm khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, khi chín, màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng sáng.

Hồng không hạt Bắc Kạn được trồng phân tán ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù. Đây là loại cây dễ trồng, không mất nhiều chi phí và công chăm bón; là loại cây ăn quả có khả năng chịu hạn khá tốt, ít sâu bệnh. Năm nay, hồng không hạt Bắc Kạn mất mùa, sản lượng chỉ bằng 50% so với năng suất trung bình, nguyên nhân do trong thời kỳ cây trồng ra hoa thì gặp mưa rất nhiều, do đó, tỷ lệ đậu quả thấp. Dù sản lượng năm 2019 chỉ khoảng hơn 2.000 tấn người trồng hồng Bắc Kạn được bù lại giá bán cao. Hiện giá thị trường khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Đặc sản Hồng không hạt của Bắc Kạn lần đầu tiên được quảng bá tại sự kiện ở Big C

Là cây trồng bản địa chỉ có tại 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, sản lượng còn khiêm tốn, hồng không hạt chưa phải bức xúc về thị trường tiêu thụ. Thường thì các tư thương đến tận nơi để đặt mua hàng của người dân. Dù vậy, tỉnh Bắc Kạn vẫn tổ chức các tuần hàng, hoạt động xúc tiến thương mại để từ đó khẳng định đây là đặc sản của Bắc Kạn. Đồng thời, qua đó, mở rộng thị trường nhiều hơn để quay trở lại thúc đẩy sản xuất, tăng diện tích cây trồng này lên giúp người nông dân tăng được thu nhập. Hiện 1 ha cây hồng không hạt mang lại thu nhập cao hơn 6 lần so với trồng cây mía.

Năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý với hơn 300 ha, đến nay tăng lên 700 ha. Tỉnh Bắc Kạn đang có chủ trương tiếp tục mở rộng thêm diện tích này lên khoảng 1.000 ha.

Vào mùa thu, đặc biệt vào ngày Tết trung thu truyền thống, quả hồng không hạt Bắc Kạn thường được dùng làm quà biếu cho bạn bè và người thân. Vị ngọt đậm, giòn, thơm, khiến những người đã từng thưởng thức thứ đặc sản vùng sơn cước này lưu luyến mãi.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Bắc Kạn lựa chọn nhiều sản phẩm trong đó có hồng không hạt.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Bắc Kạn lựa chọn nhiều sản phẩm trong đó có hồng không hạt. Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn – cho hay, hồng không hạt có thể bán trái tươi hoặc đưa vào chế biến thành hồng sấy khô. Năm 2018, tỉnh đã công nhận và cấp sao cho 37 sản phẩm. Năm 2019, hiện đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm và dự kiến tháng 11/2019 sẽ công nhận và cấp sao cho các sản phẩm mới, cũng như nâng cấp sao cho các sản phẩm đã cấp năm 2018.

Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong TOP 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn. Cây hồng không hạt được tin tưởng rằng sẽ phát triển xứng tầm thương hiệu, sánh vai cùng các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Vải Thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Nhãn Lồng Hưng Yên… trong một tương lai không xa.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hong-khong-hat-bac-kan-doc-dao-dac-san-vung-son-cuoc-125595.html