Hồng Hạnh với những ca khúc tri ân liệt sĩ

Chúng tôi đến Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vào những ngày tháng 7, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang hướng về về kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2018). Tâm sự với chúng tôi, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho biết: Đối với mỗi người Việt Nam, tri ân với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh thì không bao giờ là đủ cả. Gần 20 năm ca hát, với những bước chân trên khắp nẻo đường đất nước, từ thành phố, thôn quê đến miền biên giới, hải đảo xa xôi, nhưng có lẽ những ca khúc hát về thương binh, liệt sĩ bao giờ cũng được chị nâng niu, trân trọng nhất trong trái tim mình.

Nghệ sỹ Hồng Hạnh trong một lần biểu diên nghệ thuật. Ảnh: CTV

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Lê Dung, Quang Thọ, Doãn Tần..., Hồng Hạnh say mê ca nhạc từ nhỏ. Nhà không có đài nghe, để có những bài hát, cô bé đành đến nhà văn hóa của Nhà máy điện Uông Bí sinh hoạt. Chẳng thế mà ngay từ năm học lớp 8, lần đầu tiên Hồng Hạnh tham gia thi tiếng hát Họạ Mi tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất đã “ẵm” luôn huy chương Vàng.

Ở cuộc thi lần thứ 2, cô bé tiếp tục đoạt huy chương Vàng và liên tiếp những năm sau đó, Hồng Hạnh là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia Giọng hát hay Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh (đạt giải đặc biệt) và tiếng hát lực lượng vũ trang Quảng Ninh (đạt huy chương Vàng). Bước ngoặt trong cuộc đời Hồng Hạnh là khi đang học lớp 12, Đoàn ca múa Quân đội về Quảng Ninh tuyển người.

Cô bé có dáng người mảnh mai với làn da trắng trẻo đã lọt vào “mắt xanh” của các nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh, Doãn Tần, Mạnh Hưng, để rồi năm 1993, Hồng Hạnh chính thức trở thành một thành viên của Đoàn ca múa Quân đội. Hai năm sau đó, cô tham gia thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng và đoạt huy chương Vàng với ca khúc “Cho con xin câu hát”, nhạc và lời của Minh Quang. Nhận thấy đây là giọng ca có nhiều hứa hẹn, Đoàn Ca múa Quân đội đã đưa chị về Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội) để học nâng cao.

Ở đây, Hồng Hạnh được các thầy cô trong trường dày công luyện dạy, chị như được chắp thêm cánh để bay xa trên con đường nghệ thuật của mình. Đến nay, tham gia bao nhiêu cuộc thi toàn quân, toàn quốc và được bao nhiêu huy chương Vàng, chị không nhớ hết, chị chỉ biết khi hát là “cháy” hết mình, hát từ trái tim phục vụ bộ đội và nhân dân.

Hồng Hạnh dành nhiều tình cảm cho người lính ở mọi miền biên cương của Tổ quốc, đặc biệt là những người lính đã không tiếc máu xương, hy sinh vì Tổ quốc. Những ca khúc chị hát về đề tài thương binh, liệt sĩ luôn lắng đọng, chứa chan cảm xúc. Đó là các ca khúc: “Mẹ gọi tên anh” của nhạc sĩ Trọng Lưu, thơ Lương Hữu Quang; “Lời ru cỏ non” của Hữu Ước; “Về thăm Quảng Trị” của Xuân Đồng; “ Cỏ non thành cổ” của Tân Huyền”... Trong các ca khúc về thương binh, liệt sĩ, nhiều người nhớ chị qua bài “Vọng Phu”, nhạc Lê Minh, thơ Việt Dũng.

Đây là bài hát mà ngay từ khi nó ra đời, đã được nhiều công chúng đón nhận qua giọng hát của chị. Sau này, có nhiều ca sĩ thể hiện tác phẩm này, nhưng với “Vọng Phu” thì ít ai vượt qua sự truyền cảm như chị. Chị như muốn truyền tới người nghe về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đằng đẵng chờ chồng: “Đất nước mình đâu cũng gặp Vọng Phu/ Vọng Phu vẫn còn hình người/ và Vọng Phu đã thành ngàn đời ...” bởi “Đất nước bao lần lửa khói/ Những chàng trai cầm súng lên đường” và họ “Để lại phía sau mái tranh vời vợi/ Người vợ hiền đằng đẵng nhớ thương”.

Chị tâm sự, mỗi lần cất giọng hát, hình ảnh những người vợ khắc khoải chờ chồng như hiện lên trong trái tim chị. Họ là những người lam lũ, tần tảo nuôi con, thay chồng sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở hậu phương, trong đó, có cả người thân của chị. Với ca khúc “Vọng Phu”, chị thể hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chung một chất giọng “trời cho”, đó là chất giọng trầm ấm, đậm chất trữ tình và có thiên hướng dân ca, nồng nàn; một giọng ca đằm thắm, vừa ấm áp, vừa trong trẻo mượt mà, lắng đọng mãi trong lòng người nghe.

Từ tháng 5-2015, Hồng Hạnh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc (nghệ thuật) Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Trọng trách đặt trên vai người nghệ sĩ lớn hơn, không chỉ cùng với Đảng ủy, Ban giám đốc lo kế hoạch biểu diễn, công tác của Nhà hát, chị còn là một nghệ sĩ trên sân khấu. Và, với chị, trong chuyên môn nghiêm túc bao nhiêu thì trên sân khấu chị cháy hết mình bấy nhiêu. Hơn 20 năm công tác ở đoàn thì chừng ấy năm Hồng Hạnh và đồng đội đem lời ca, tiếng hát của mình đến với các đơn vị, địa phương trong và ngoài quân đội trên khắp nẻo đường đất nước.

Chia tay chúng tôi, chị bảo: “Tháng tri ân” này cũng là dịp để mỗi người nghệ sĩ chúng tôi được tiếp tục bày tỏ tấm lòng tri ân của mình qua lời ca tiếng hát để đền đáp công ơn những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lê Quý Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hong-hanh-voi-nhung-ca-khuc-tri-an-liet-si/