Honda vượt 'scandal' gỉ xe, Ford Việt Nam mất 35% doanh số

Trong 7 tháng đầu năm 2018, Ford Việt Nam giảm 35% doanh số bán xe, trong khi Honda Việt Nam tăng tưởng tới 99%.

Theo báo cáo bán hàng mới nhất của VAMA, trong tháng 7/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 21.466 xe, giảm 8% so với tháng 6/2018, tăng 4% so với tháng 7/2017. Trong đó, có 14.124 xe du lịch, 6.948 xe thương mại và 394 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 9%; xe thương mại giảm 4% và xe chuyên dụng giảm 19% so với tháng trước.

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 18.093 xe, giảm 6% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.373 xe, giảm 18% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2018 giảm 4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 9%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 42% so với cùng kì năm ngoái.

7 tháng của năm 2018, tổng doanh số bán xe của Ford đạt 10.986 chiếc, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

7 tháng của năm 2018, tổng doanh số bán xe của Ford đạt 10.986 chiếc, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 7/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 12% trong khi xe nhập khẩu giảm 45% so với cùng kì năm ngoái. Trong tháng 7/2018, doanh số bán xe của nhiều hãng ô tô đều giảm so với tháng 6/2018.

Cụ thể, trong tháng 7/2018, Suzuki bán được 411 chiếc, giảm 18% so với tháng 7/2017 và giảm 30% so với tháng 6/2018. Nissan Việt Nam bán được 276 chiếc trong tháng 7/2018, giảm 11% so với tháng 6/2018 nhưng tăng rất mạnh so với tháng 7/2018.

Tính gộp 7 tháng đầu của năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dòng xe nhập khẩu không thể đưa về Việt Nam kinh doanh do vướng các quy định của Nghị định 116.

Cũng chính vì không thể nhập khẩu được ô tô, nhiều doanh nghiệp ô tô FDI đã chìm sâu trong khủng hoảng, doanh số giảm rất mạnh. Theo đó, Ford là doanh nghiệp đen đủi nhất và chịu thiệt hại nhiều do tác động của Nghị định 116.

Ford Ranger luôn dẫn đầu doanh số bán xe của Ford, nhưng do không thể nhập khẩu nên tổng doanh số Ranger trong 7 tháng chỉ đạt 3.064 chiếc. (Ảnh: Thanh niên)

Cộng gộp 7 tháng của năm 2018, tổng doanh số bán xe của Ford đạt 10.986 chiếc, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. "Vua bán tải" Ford Ranger luôn dẫn đầu doanh số bán xe của Ford, nhưng do không thể nhập khẩu nên tổng doanh số Ranger trong 7 tháng chỉ đạt 3.064 chiếc, giảm tới 1,25 lần so với doanh số bán xe trong 7 tháng đầu năm 2017 (hơn 7.000 chiếc).

Ở chiều ngược lại, Honda Việt Nam nhờ được nhập khẩu ô tô sớm nhất nên doanh số tăng rất mạnh. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2018, tổng doanh số bán xe Honda đạt 13.095 chiếc, tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số ấn tượng của Honda có được là nhờ dòng xe lắp ráp City và mẫu SUV CR-V.

Honda Việt Nam nhờ được nhập khẩu ô tô sớm nhất nên doanh số tăng rất mạnh.

Các doanh nghiệp ô tô khác không có nhiều biến động về doanh số bán xe, một số hãng ô tô có doanh số bán xe tăng trưởng như Thaco (Mazda, KIA, Peugoet, Bus, Truck) với mức tăng là 6%, Suzuki tăng 21%,...

Trong khi đó, các doanh nghiệp có doanh số thụt lùi gồm: Mercedes-Benz giảm 6%; Isuzu giảm 4%; Nissan giảm 18%; cá biệt Toyota Việt Nam cũng có doanh số đi xuống với mức giảm là 12%, tương ứng với 30.020 chiếc trong 7 tháng đầu năm 2018 (giảm hơn 3.000 xe so với cùng kỳ năm 2017).

Thương hiệu xe sang Lexus cũng giảm tới 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 7/2018, doanh số Lexus đang tốt dần lên với 24 chiếc được bán ra, đưa tổng doanh số Lexus bán trong 7 tháng lên 108 chiếc.

Video: Những mẫu xe ăn khách nhất thị trường

Việt Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/honda-vuot-scandal-gi-xe-trong-khi-ford-viet-nam-mat-35-doanh-so-d419240.html