Hồn Việt và Tôi

Giờ, người chơi Tết sớm thật, khác hẳn những ngày trước, xa hơn nữa là thời bao cấp.

Khi đó phải gần đến Tết mới bán đào. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng Tết theo nghĩa lung linh huy hoàng hồn dân tộc thì không khác. Luôn mới. Luôn háo hức. Không trừ một ai. Lạ nhất là Tết cứ quay vòng một năm lại đến mà không bao giờ nhàm qua thời gian. Nghìn năm rồi vẫn vậy! Thế nên, chán nhất là thi thoảng nghe có người bảo nên gộp Tết cổ truyền với tết Dương lịch (tết Tây) làm một?

Không hiểu sao, cứ Tết đến là tự nhiên tôi lại nhớ cha tôi thế chứ! Cha đã về gặp tổ tiên hơn chục năm rồi. Cha là một lão thành cách mạng. Cách mạng “đặc sệt”. Ngày xưa, cha làm đến chức Phó Chủ tịch xã chứ chẳng bỡn đâu! Ngày còn bé, tôi hay nghe cha kể chuyện. Chưa bao giờ thấy cha nói đến nhận quà cáp của ai khi thi hành công vụ dẫu thời ấy cả làng cả nước nghèo khó. Cha là cán bộ, đạp cái xe kính koong khắp xã, khắp thôn với cái túi dết bên mình. Ăn cơm độn củ khô, uống nước chè bồm, hút thuốc lá cuốn. Cha yêu quê hương, gia đình, làm việc hết mình. Cha lại khéo tay mới hay chứ. Đan rổ, đan thúng, mủng, làm nhà, tráng bánh đa... ai cũng phục. Nhất là tráng bánh đa, phơi khô, cho mẹ ra chợ quạt bán.

Dịp gần Tết mới thấy cha là một “nhà kinh doanh” chân đất giữa chợ quê. Sự khéo léo của cha cũng thể hiện dịp Tết. Cha gói bánh chưng thoăn thoắt, vuông vức, rất đẹp. Cha làm các món cổ truyền như giò, chả, thịt đông… rất chuẩn. Mẹ chả phải đụng vào việc gì ngày áp Tết. Mẹ chỉ quẩy bánh 15 đa ra chợ bán. Thật ra mẹ cũng không thạo, không khéo tay bằng cha. Đặc biệt, cha mẹ nông dân từ gót chân đến mái tóc nhưng cha tư duy kinh tế, đầu óc cập nhật “thị trường” rất sớm. Tất nhiên là theo màu sắc, mức độ của những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Những năm ấy, tôi là phóng viên ở Báo Độc lập. Thời bao cấp nhưng báo đã tính chuyện in ra phải bán được, có tồn cố gắng ít thôi. Mỗi số báo mới ra lò đưa từ nhà in về tòa soạn là phóng viên nhận báo mang đi bán, được hưởng hoa hồng. Không bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Thêm thắt vào đồng lương được ít nào hay ít ấy. Nhận xấp báo Tết còn thơm mùi mực, tôi nhanh đèo xe đạp về quê cho cha bán. Chợ quê Vân Trì ngày giáp Tết có một góc tranh, báo, pháo của cha. Năm nào cũng vậy, cha cũng có một sạp báo Tết Độc lập tôi mang về; pháo, tranh em tôi làm, vẽ. Thường là tranh cuốn thư hợp với túi tiền, sở thích của bà con. Sạp hàng của cha sáng rực một góc chợ!

Đến trưa, báo bán không hết cha mang về sáng hôm sau lại đưa ra chợ. Báo Tết ở vùng ngoại thành ít người mua hơn trong phố dù in đẹp, tranh, ảnh bắt mắt. Tôi cũng đi bán báo Tết trong phố, khắp “ hang cùng ngõ hẻm”, có khi lên tận phố Hàng Than. Giờ thời hiện đại, cách mạng 4.0, nhớ lại những ngày đó thấy yêu tờ báo thế, thích cái không khí Tết phố, quê, nghèo thế! Cha tôi thích đọc báo, làm thơ, viết câu đối. Thơ viết trong vở học trò, câu đối viết trên cửa sổ. Ví như “Đá thôi cũng biết làm sáng đời xuân; Đảng bảo ta phải hành quân diệt thù” (nghèo đói). “Đá” là cái cối xay bột tráng bánh đa cha vẫn quay. Chủ đề viết quen thuộc của cha là ca ngợi lao động, tình yêu thương, tiết kiệm, tinh thần đoàn kết… Hiện giờ trên cánh cửa sổ ngôi nhà ngói mẹ tôi đang ở quê, vẫn còn mấy câu đối cha viết bằng sơn xanh, sơn trắng, sau gần 30 năm chỉ mờ đi nhưng vẫn đọc được. Cha tôi là vậy, giản dị, chân chất như hạt lúa, củ khoai, nhưng không hề cũ mà năng động, hăng say. Cha là hiện thân những gì sâu lắng nhất của gia đình, quê hương. Truyền thống nhất mà cũng hiện đại nhất, theo cái nghĩa, con người mang hồn dân tộc.

Viết đến đây, tôi với lên giá sách lấy cuốn Thi nhân Việt Nam (1932 - 1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân, mở trang có bài thơ “ Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Đọc bài thơ viết gần 80 năm mà cảm như nhà thơ vừa viết hôm qua! Thấy ông đồ trong bài thơ có cái gì giông giống cha mình, mặc dù cha không phải là ông đồ ngồi viết câu đối bán “Bên phố đông người qua” ở đất Hà Thành. Cha ngồi bán báo Tết, tranh Tết ở một chợ quê ngoại thành.

“Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”…

Đọc hết bài thơ, cha hiện lên rõ mồn một trong tâm trí, dư âm hồn Việt ngân vọng mãi trong tôi…

Đón Tết Kỷ Hợi 2019.

Minh Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-viet-va-toi-115340.html