Hòn sỏi trong đôi giày

Nghề báo là nghề nguy hiểm, nhưng biết rõ là nguy hiểm mà người làm báo đa sốvẫn chấp nhận sống chết với nghề.

Sinh viên báo chí ĐH KHXH Nhân văn TP. HCM thực tập tại Đà Lạt. Ảnh: TGCC

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn nghề nghiệp đến từ nhiều yếu tố:

- Sự bất cẩn, chủ quan, thiếu ý thức tôn trọng con người, pháp luật, nghề nghiệp của nhà báo khi tác nghiệp;

- Do diễn biến, tình huống bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát của phóng viên;

Nghề báo nguy hiểm ở chỗ có khá nhiều tai nạn nghề nghiệp do những tác động khách quan và chủ quan. Người xưa hay nói, đường đi gian khó đôi khi không phải vì ngăn sông cách núi, mà vì chính hòn sỏi trong đôi giày bạn đi đó. Trong nghề báo, đôi khi những hiểm nguy, những tai nạn nghề nghiệp ập đến lại do mình không lường trước được chính vì mình chưa có ý thức chuẩn bị đối phó kỹ càng.

Hướng khắc phục: Nên chuẩn bị trước tình huống pháp lý để bảo vệ tính mạng, hoạt động nghiệp vụ và bản chất trung thực của bài báo. Có biện pháp về tổ chức tác nghiệp: phối hợp với ban biên tập, cơ quan chức năng địa phương, đồng nghiệp...

Cần phải phán đoán, tiên liệu những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và có kịch bản để tự giải cứu. Trong nghề báo, dấn thân không có nghĩa là liều mạng, là hành động như người hùng đơn thương độc mã, là bất chấp đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ, coi thường mạng sống của mình và đôi khi làm hệ lụy ảnh hưởng đến cả đồng nghiệp, đến uy tín của tòa soạn. Và rất cần thiết khi nói rằng: Hơn ai hết, chính nhà báo phải có kỹ năng và ý thức để tự bảo vệ mình. Trong một giáo trình báo chí nước ngoài có nêu về việc tự bảo vệ mình như sau:

> Nhập vai và một số yếu tố gây tranh cãi

> Nhiệm vụ đầu tiên của báo chí là nói sự thật;

> Sự trung thành hàng đầu là đối với người dân;

> Cốt lõi là tuân thủ nguyên tắc kiểm chứng;

> Nhà báo phải duy trì tính độc lập với người mà họ đang nhập vai để viết (không được hòa tan, đồng lõa với đối tượng);

> Nghiệp vụ được sử dụng như một công cụ để giám sát độc lập quyền lực;

> Tin tức phải được duy trì tính toàn diện và cân xứng;

> Nhà báo phải được cho phép làm việc theo lương tâm mình.

Phóng viên Đinh Hữu Dư. Ảnh: TL

Sau câu chuyện phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN gặp nạn khi tác nghiệp ở vùng lũ Yên Bái đặt ra nhiều vấn đề trong việc tự bảo vệ chính mình khi tác nghiệp. Song, thực tế cho thấy, đối với những người làm nghề họ chỉ mong sao có được những hình ảnh thực nhất, dữ dội nhất, đúng nhất, ấn tượng nhất và phần nào đó là muốn có góc quay đẹp nhất khi có thể. Họ cũng biết có thể đứng tác nghiệp trong bờ, biết mối nguy hiểm có thể ập đến, nhưng đa số phóng viên sẽ chọn cách tác nghiệp để bài viết, thước phim của mình hiệu quả cao nhất.

Trường hợp Đinh Hữu Dư là dấn thân vì nhiệm vụ, không phải sự liều mạng, và chắc cũng không nghĩ sẽ gặp tai nạn, vì đó là cây cầu bê tông không thể ngờ nó sập được. Có một số ý kiến cho rằng, phóng viên tác nghiệp như thế là muốn làm người hùng, là liều mạng không cần thiết, là vì tòa soạn luôn đòi hỏi phóng viên phải biết quên mình vì nhiệm vụ, vì khi xưa trường báo chí luôn răn dạy sinh viên báo chí như thế...

Tôi nghĩ không phải như vậy. Không nhà trường nào, không tòa soạn nào và không một phóng viên nào chấp nhận sự liều mạng đánh đổi mạng sống của phóng viên lấy một mẩu tin, một tấm hình cả. Sự trang bị kiến thức, trang bị kỹ năng đối đầu với nguy hiểm trong tác nghiệp báo chí chính là từ những bài học kinh nghiệm trong các vụ việc cụ thể, từ ý thức, thái độ, đến công việc chuẩn bị, phân tích tình huống, đặt trước giả thiết thất bại và luôn phải có điểm dừng của nghề báo. Trường lớp hoặc tòa soạn báo chí không thể dạy hết các kỹ năng tự bảo vệ mình như các lực lượng PCCC, hướng đạo, đặc nhiệm... mà những kỹ năng đề phòng tai nạn nghề nghiệp đó hầu như đều do phóng viên tự học hỏi tự trang bị là chính.

Và trong nhiều giáo trình báo chí cũng có đề cập những vấn đề này, thí dụ:

10 quy định trong tác nghiệp dấn thân, nhập vai, đó là:

- Phải mang lợi ích công;

- Phải đầy đủ chứng cứ và nhân chứng cho thấy có hành động vi phạm thì mới được dấn thân điều tra;

- Thủ pháp và phương tiện phải cân nhắc so với mức độ nghiêm trọng của đề tài;

- Việc nhập vai chỉ sử dụng trong nhiệm vụ chống lại tội phạm;

- Không bao giờ được đặt bẫy đối tượng điều tra. Không được đẩy người ta đến phạm tội để phục vụ cho mục đích bài viết của mình;

- Nhà báo cần đảm bảo bài viết công bằng;

- Các tòa soạn và nhà báo nên có phương án kĩ trước khi nhập vai, nắm chắc luật và không đánh giá thấp các nguy cơ đối mặt;

- Việc thu hình bí mật cần phải có sự đồng ý của cơ quan;

- Chỉ nhập vai khi vì lợi ích công và khi không thể thu thập bằng chứng qua những nghiệp vụ khác.

- Phải biết điểm dừng (để an toàn cho mình, cho đồng nghiệp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ);

Nhà báo trẻ nên có tinh thần dấn thân, nhưng không liều mạng bất chấp hiểm nguy. Ảnh minh họa

Khi đi dạy các lớp báo chí, tôi luôn khuyên các em sinh viên báo chí mai này đi tác nghiệp nên có tinh thần dấn thân, nhưng không liều mạng bất chấp hiểm nguy, phải biết phân tích tình huống và biết tự bảo vệ mình, không vì muốn nổi tiếng hay vì câu view mà hy sinh thân mình vì một bài viết.

Nếu có cần dấn thân vì nghĩa lớn, vì những nhiệm vụ đặc biệt cũng nên hành động có tổ chức, có ý thức cống hiến đóng góp một cách có ý nghĩa cho đất nước chứ đừng như các nhân vật anh hùng “một mình chống mafia” trong phim ảnh.

Và vì thế khi tác nghiệp cần lưu ý một số điều:

- Trước khi nhập vai hãy cân nhắc vấn đề đạo đức;

- Tham vấn người nắm rõ pháp lý;

- Phải kiên nhẫn, lập kế hoạch phương án trước;

- Kín miệng vì những gì bạn nói trong ghi hình có thể bị sử dụng sau này;

- Đặc biệt nên đi nhiều người để có người làm chứng cho cá nhân mình;

- Nhập vai mà không cần vai: Không cần đóng giả chỉ cần tiếp cận;

- Sử dụng điện thoại để quay lại;

- Tối thiểu việc phát ngôn không chính xác. Luôn luôn xem lại các tài liệu để cập nhật thời gian tính và hiệu lực của văn bản;

- Đánh giá được hết các nguy hiểm có thể;

- Phải cử đúng người, xem có năng lực để điều tra không.

Bức ảnh đoạt giải Báo chí Thế giới 2017 (World Press Photo 2017). Ảnh: TL

Cách đây mấy năm, khi ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vụ một đại sứ Nga bị bắn chết tại một cuộc triển lãm, một phóng viên Hãng AP (Mỹ) đã dũng cảm đứng lên chụp gần như trực diện tên hung thủ khi hắn đang cầm khẩu súng. Phóng viên này sau đó được ca ngợi như người hùng. Nhưng chính anh phóng viên này cũng nói: “Tôi thấy chỗ mình có thể nấp được sau khi chụp xong nên mới chụp hắn”. Tôi đưa tình huống này vào bài tập cho sinh viên: “Nếu bạn có mặt tại chỗ khi xảy ra vụ này, bạn sẽ làm gì, bạn có chụp hay không?”.

Đa số các em trả lời “Em chờ hung thủ bị bắt rồi làm tin, chụp ảnh”. Một số em trả lời “em tìm chỗ nấp an toàn rồi chụp ảnh khi thằng hung thủ... quay mặt đi chỗ khác”. Cũng có em trả lời “Em sẽ đợi nó bắn hết đạn rồi chụp”... Song cũng có một vài em trả lời: “Em sẽ không làm gì nếu nguy hiểm cho mình. Em không muốn ba mẹ em mất một đứa con chỉ vì một tấm ảnh”.

Tôi nghĩ làm nghề báo, nhất là nghề viết điều tra, nên chia sẻ với nhau câu nói vui mà đầy kinh nghiệm sống và làm nghề này: “Muốn tả một miếng Bít-tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi”, vì mình có thể tiếp cận bằng nhiều cách, nhất là khi mình không muốn trở thành miếng Bít - tết thứ 2./

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/hon-soi-trong-doi-giay-n10373.html