Hôn nhân trẻ em thay thế 'giao dịch tài chính' gia tăng ở Iraq

Từ năm 2013 đến năm 2017, hôn nhân trẻ em tại Iraq tăng vọt với những con số đáng báo động. Theo thống kê của Chính phủ, 15% phụ nữ Iraq kết hôn trước 18 tuổi vào năm 1997. Đến năm 2016, con số này là 24%, trong đó có gần 5% kết hôn trước tuổi 15.

Đối với những phụ nữ trẻ như Farah Ismail, hôn nhân giống như một giao dịch tài chính. "Cha tôi là một nhà thầu bị phá sản và gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Để cứu gia đình, bố tôi đã cho tôi kết hôn với người đàn ông hơn mình 17 tuổi", Ismail 22, sống ở Baghdad bắt đầu câu chuyện.

"Cuộc hôn nhân là một cách để thể hiện lòng biết ơn"

"Chúng tôi sống tại nhà của chú trong khi gia đình không còn nơi để ở. Thím gợi ý bố tôi rằng, cho tôi kết hôn với anh trai của thím. Bố tôi cảm thấy, cuộc hôn nhân là một cách để thể hiện lòng biết ơn đối với gia đình đó. Tôi chỉ mới 13 tuổi, trong khi người đàn ông tôi sắp lấy đã 30 tuổi", Ismail kể tiếp.

Ngày kết hôn, Ismail đã khóc rất nhiều nhưng mọi người động viên rằng, mọi việc sẽ qua nhanh thôi, nhiều phụ nữ ở đất nước này cũng kết hôn rất sớm.

Từ năm 2013 đến năm 2017, giá dầu giảm, sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các cuộc xung đột trong nước đã làm GDP của Iraq giảm từ 235 tỷ USD xuống 197 tỷ USD.

Trong cùng thời kỳ đó, hôn nhân trẻ em tăng vọt với những con số đáng báo động. Theo thống kê của Chính phủ, 15% phụ nữ Iraq kết hôn trước 18 tuổi vào năm 1997. Đến năm 2016, con số này là 24%, trong đó có gần 5% kết hôn trước tuổi 15.

24% trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn trước 18 tuổi, trong đó có gần 5% kết hôn trước tuổi 15 tuổi.

Các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại, hôn nhân trẻ em sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ivana Chapcakova, một chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Iraq nhận định, "cần phải nhấn mạnh tác động từ những xung đột xã hội với sự gia tăng tỷ lệ trẻ em kết hôn sớm".

Các cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc ở Iraq đã làm ly tán hơn 2 triệu dân thường, buộc nhiều gia đình phải rời quê hương, nhiều trẻ em thất học cùng với đó là rất nhiều hệ lụy trong xã hội.

Một nghiên cứu công bố năm 2017 của nhóm toàn cầu, chống nghèo - Oxfam đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa sự gia tăng hôn nhân trẻ em ở Iraq và sự nghèo đói, khủng hoảng do chiến tranh gây ra.

Nhiều người tham gia cuộc khảo sát của Oxfam cho biết, cho con gái kết hôn với anh em họ hàng là một cơ chế để ngăn chặn các cô gái lấy các chiến binh IS. Trong khi đó, một số người khác nói rằng, việc cho con gái kết hôn với chiến binh thánh chiến sẽ đảm bảo sự an toàn, tiếp cận với các dịch vụ công cộng ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và tìm kiếm cơ hội việc làm để có tiền nuôi sống gia đình.

Nhà hoạt động nữ quyền Basma Habib nói rằng: "Tỷ lệ trẻ em trong những trại tị nạn kết hôn sớm gia tăng. Nghèo đói buộc cha mẹ phải cho con gái kết hôn. Họ cho rằng, kết hôn sớm sẽ giúp con gái có được cuộc sống tốt đẹp hơn, được người đàn ông che chở. Một số xã hội Hồi giáo coi việc kết hôn sớm như một tiêu chuẩn về "danh dự" của người phụ nữ".

Những quan điểm trái chiều về hôn nhân trẻ em

Năm ngoái, dự luật quy định cho phép mỗi nhóm tôn giáo quy định độ tuổi kết hôn riêng đối với trẻ em gái gây nên những luồng dư luận trái chiều. Hamid al-Khudhari, một nhà lập pháp ủng hộ quan điểm này nói rằng: "Hôn nhân là cách tốt nhất để bảo vệ phụ nữ trẻ khỏi bị hãm hiếp, quấy rối tình dục vì được chồng bảo vệ và phước lành của tôn giáo".

Một số người khác cho rằng, việc chấp thuận giảm tuổi cho tuổi kết hôn thực chất là "hợp pháp hóa" hành vi lạm dụng tình dục trẻ em và tước đi cơ hội được học tập, lao động của trẻ em gái. "Luật pháp vi phạm các quy ước nhân quyền quốc tế, làm nhục phụ nữ và cho phép ấu dâm. Không thể có sự biện minh núp bóng tôn giáo cho quy định như vậy", Siham Wandi, một chuyên gia hoạt động nhân quyền bảo vệ trẻ em tại Iraq nói.

Hiện có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề trẻ em kết hôn.

Siham Wandi cho biết thêm, cho trẻ em kết hôn sớm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Nạn nhân còn ít tuổi và chưa được giáo dục đến nơi đến trốn. "Phá vỡ suy nghĩ cho rằng, hôn nhân trẻ em mang lại nhiều lợi ích cần thời gian dài và đòi hỏi phải được tiếp cận một cách toàn diện với nhiều giải pháp đồng bộ", Siham Wandi nói.

Theo Liên hiệp quốc (UN), khoảng 1/5 các em gái ở Trung Đông và Bắc Phi kết hôn trước 18 tuổi. Tỷ lệ này trong từng quốc gia khác nhau, cao nhất ở Yemen là 32%, thấp nhất ở Algeria là 3%.
Tường Phạm (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/hon-nhan-tre-em-thay-the-giao-dich-tai-chinh-gia-tang-o-iraq-507232/