Hôn nhân ở Hàn Quốc có tăm tối như phim?

Thông qua những tác phẩm khai thác đề tài hôn nhân, ngoại tình, các nhà làm phim Hàn đã đem đến một cái nhìn chân thực về cuộc sống của các cặp vợ chồng, chuyện kết hôn và ly hôn.

Hôn nhân, ngoại tình là chủ đề được nhiều nhà làm phim Hàn quan tâm, bên cạnh những câu chuyện tình yêu lãng mạn, đậm chất ngôn tình. Vừa qua, trước sức lan tỏa của bộ phim The World of the Married (Thế giới hôn nhân), khán giả lại có dịp nhìn lại các tác phẩm khai thác chủ đề nêu trên. Những bộ phim được đánh giá đã bóc trần bộ mặt của hôn nhân, nhưng liệu, có phần nào đó khiến người xem bi quan và e sợ chuyện dựng vợ gả chồng?

Thực trạng hôn nhân ở Hàn Quốc

Bắt đầu từ đầu thập niên 2000, ly hôn đã trở thành xu hướng ở xứ kim chi. Đến nay, theo báo cáo của South China Morning Post vào năm 2019, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ ly hôn cao nhất khu vực Đông Á.

Trong bài viết có tựa đề “Ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn ly hôn theo ảnh hưởng từ cuộc chia tay của người nổi tiếng” đăng tải vào tháng 9/2019, tờ South China Morning Post lý giải vì sao ly hôn trở nên phổ biến ở xứ kim chi, dù đây từng là một chủ đề cấm kỵ.

Nguyên nhân xuất phát từ vị thế của người phụ nữ trong xã hội đang được cải thiện, và tác động từ sự tan vỡ trong hôn nhân của cặp vợ chồng đình đám showbiz, chẳng hạn như Song Joong Ki - Song Hye Kyo. Người nổi tiếng bàn về chủ đề này một cách công khai và nhẹ nhàng, góp phần khiến quan niệm về ly hôn dần thay đổi.

 Cuộc ly hôn của những ngôi sao nổi tiếng đã góp phần thay đổi suy nghĩ về hôn nhân của người dân Hàn.

Cuộc ly hôn của những ngôi sao nổi tiếng đã góp phần thay đổi suy nghĩ về hôn nhân của người dân Hàn.

Cũng theo South China Morning Post, nếu như trong thập niên 1970-1980, lý do chính dẫn đến ly hôn là ngoại tình, bạo hành... thì ngày nay, các cuộc chia tay chủ yếu là hậu quả từ mâu thuẫn tiền bạc hoặc khác biệt tính cách. Tờ báo này trích lời của Kim Se Ri (đã đổi tên) - người phụ trách nhóm hỗ trợ các ông bố, bà mẹ đơn thân tại Hàn: “Chúng ta đang ở thời điểm mà cả vợ lẫn chồng đều độc lập trong tài chính và công việc, do đó, mâu thuẫn về kinh tế dễ dàng xảy ra”.

Từ kinh nghiệm làm việc của mình, Kim Se Ri đã đưa ra một kết luận về thái độ và khả năng làm chủ cuộc đời của phụ nữ Hàn: “Việc ly hôn đã thay đổi lớn khi ngày nay, phụ nữ đi làm và không còn bất lợi trong quá trình ly hôn. Tôi nghĩ trong xã hội trọng nam này, phụ nữ không còn chịu nhịn mãi sự ấm ức nữa”.

Trước những áp lực phải đóng một lúc nhiều vai như mẹ hiền, vợ đảm, dâu thảo, một số phụ nữ sẵn sàng chọn cách rũ bỏ. Từng có giai đoạn, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn sau lễ Tết tăng vọt, bởi áp lực nói trên có phần trở nên nặng nề hơn khi những cặp đôi thường xuyên tiếp xúc với gia đình hai bên trong các kỳ nghỉ.

Để làm rõ cho xu hướng ly hôn sau lễ tết, South China Morning Post dẫn số liệu từ Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 3/2018. Số đơn ly hôn trong khoảng thời gian này tăng 30,8% so với tháng trước đó, tức tháng có ngày Tết Nguyên đán. Trên thực tế, tình trạng này đã diễn ra mọi năm từ 2014 cho đến 2017. Cụ thể, số vụ ly hôn tăng lần lượt 14,7%, 39,5%, 28% và 13,9% vào tháng 3 của các năm đó.

Một vấn đề đáng quan tâm khác liên quan tới thực trạng hôn nhân tại Hàn là nhiều thanh niên nước này chấp nhận độc thân, từ chối hẹn hò, kết hôn. Lập gia đình và sinh con dường như trở thành nỗi sợ hãi đối với người trẻ ở một quốc gia mà tỉ lệ thất nghiệp luôn nằm ở mức đáng báo động, và lương trung bình mỗi năm chưa bằng một nửa so với mức lương của người lao động ở Mỹ, theo tổ chức các nền kinh tế thị trường OECD.

Người trẻ Hàn không mặn mà với chuyện kết hôn. Ảnh: AP.

Tờ The Korea Herald dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát chứng tỏ khả năng tài chính là rào cản lớn đối với thanh niên Hàn trước ngưỡng cửa hôn nhân. Trong cuộc thăm dò trên hai trang web việc làm Job KoreaAlbamon vào hồi tháng 4/2019 với hơn 1.000 người tham gia, khoảng 15% thanh niên Hàn cho biết họ sẽ không bao giờ kết hôn, 15% người khác tiết lộ đang lên kế hoạch lập gia đình. Số còn lại cho biết mặc dù chưa muốn kết hôn, nhưng họ sẽ cân nhắc đến chuyện đó nếu tình hình tài chính hoặc quan điểm hôn nhân thay đổi.

Nhu cầu muốn được tự do, thoải mái và không phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của người khác cũng góp phần khiến người trẻ ở Hàn bài xích hôn nhân. Chia sẻ về thực trang trên với tờ The Korea Herald, giáo sư tâm lý học Kim Sung Sam thuộc trường Đại học Daegu Haany nhận định: “Thanh niên Hàn ở độ tuổi từ 25 đến 35 thích độc quyền kiểm soát nhiều thứ, cả vật chất lẫn tình cảm. Do đó, bảo vệ phong cách sống của riêng mình và sự tự hài lòng là giá trị mà người trẻ hướng tới”.

Ông bổ sung: “Họ thường lớn lên với tư cách là con một trong gia đình, hoặc có rất ít anh chị em bên cạnh. Do vậy, họ hiếm khi có nhu cầu hy sinh cá tính hoặc triển vọng tương lai của mình vì người khác. Lối suy nghĩ đó vẫn tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành. Với nhận thức rõ ràng về cuộc sống bản thân, họ sợ lặp lại sai lầm của các bậc cha mẹ, chẳng hạn như quá xa cách hoặc bị áp bức”.

Mặc cho chính phủ nước này chi hàng tỷ USD vào các chương trình trợ cấp nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ, thanh niên xứ Hàn vẫn không mặn mà với chuyện dựng vợ gả chồng, sinh con.

Câu chuyện thực tế về hôn nhân trên màn ảnh

Ly hôn, ngoại tình, e ngại kết hôn… tất cả vấn đề liên quan đến hôn nhân nói trên đều có thể trở thành chất liệu để các nhà làm phim Hàn nhào nặn. Trước đây, những tác phẩm khai thác đề tài hôn nhân thường khá kén người xem, chủ yếu thu hút các bà nội trợ có nhiều thời gian rảnh vào buổi tối. Tuy nhiên, khán giả trẻ ngày nay đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm cho thể loại phim nói trên.

Một vài tác phẩm ăn khách gần đây có thể kể đến là Woman of Dignity, V.I.P, The World of the Married… The World of the Married là “đại diện” mới và tiêu biểu nhất chứng tỏ sức hút đáng nể của phim ngoại tình, thông qua thành tích rating 28,37%, đứng đầu danh sách tác phẩm ăn khách nhất lịch sử các đài cáp.

Nhân vật nữ ở loạt phim nói về hôn nhân, ngoại tình thường có hình tượng mạnh mẽ, dám buông bỏ và dám đấu tranh.

Phim Hàn nói về hôn nhân thường phơi bày thực tế trần trụi, mặt trái của cuộc sống vợ chồng. Mâu thuẫn bắt nguồn từ nhiều yếu tố như chênh lệch ngoại hình, trình độ học vấn, địa vị xã hội, khả năng tài chính, sự bất đồng trong quan điểm nuôi dạy con cái, tính cách không hòa hợp, xung đột với gia đình nhà chồng/vợ… Người thứ ba có lúc là nguyên nhân chính, song đôi chỉ là chất xúc tác khiến cho những mâu thuẫn sẵn có nói trên trở nên sâu sắc, và đòi hỏi được giải thoát bằng sự chia ly.

Nhân vật nữ trong dạng phim nói trên thường được xây dựng với hình tượng mạnh mẽ, dám buông bỏ và dám trả đũa, dù nỗi đau hôn nhân tan vỡ luôn hiện hữu đâu đó trong suốt hành trình làm lại cuộc đời của họ. Khán giả có thể thấy nét tính cách ấy ở nhân vật Woo Ahn Jin, Park Bok Ja của Woman of Dignity, Na Jung Sun của V.I.P hay Ji Sun Woo của The World of the Married.

Họ là hình ảnh phản chiếu của một bộ phận phụ nữ Hàn Quốc thời nay - những người không còn muốn cam chịu trước chồng, gia đình nhà chồng, không chấp nhận sự thiệt thòi trong hôn nhân, dám đấu tranh và sẵn sàng ly hôn bất chấp định kiến của xã hội.

Không chỉ khơi sâu vào câu chuyện thực tế của các cặp vợ chồng, phim Hàn còn phản ánh nỗi sợ hãi và bất lực của giới trẻ Hàn Quốc trước hôn nhân. Họ phải đối mặt với nghĩa vụ yên bề gia thất khi đến tuổi, bị gia đình hối thúc, bị người ngoài săm soi, trong khi bản thân chưa muốn bước sang giai đoạn mới của cuộc đời. Do đó, họ đành tìm đến giải pháp chống chế tạm thời là sắp đặt một cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu để thỏa mãn mong muốn của gia đình.

Trong Because This is My First Life, hai nhân vật chính Yoon Ji Ho và Nam Se Hee đều đã đến tuổi kết hôn. Dưới sức ép tuổi tác và áp lực từ gia đình, hai con người xa lạ với số lần gặp gỡ chỉ đếm trên đầu ngón tay quyết định trở thành vợ chồng.

Câu chuyện thanh niên đến tuổi buộc phải kết hôn dù chưa hề yêu đương cũng được đưa lên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc.

Họ bắt đầu một cuộc hôn nhân mà không có tình yêu, không hẹn hò. Dù đến cuối cùng hai nhân vật chính cũng có một cái kết đậm màu sắc ngôn tình, nhưng điểm xuất phát và quá trình họ trải qua lại mang đậm hơi thở cuộc sống. Những áp lực về hôn nhân mà Yoon Ji Ho, Nam Se Hee phải chịu đựng là câu chuyện thực tế của giới trẻ Hàn hiện nay.

Phim ảnh khiến khán giả bi quan về hôn nhân?

Khi The World of the Married phát sóng, nhiều người hâm mộ đón nhận bộ phim với tâm lý xem để nhìn cho rõ bộ mặt của hôn nhân. Tác phẩm giành được nhiều lời khen vì đi sát thực tế, phản ánh chân thực những mâu thuẫn vợ chồng dễ bắt gặp trong đời sống hàng ngày.

Song, vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng The World of the Married khiến khán giả bi quan về hôn nhân. Tâm lý của các nhân vật trong tác phẩm đều méo mó, dị dạng, gây ức chế và làm chuyện phim trở nên phi lý.

Nhiều khán giả băn khoăn về tác động tiêu cực của phim ảnh tới quan điểm, thái độ về hôn nhân của con người.

Nói về The World of the Married với tờ Korea JoongAng Daily, nhà phê bình Hwang Jin Mi nhận xét: “Bộ phim có lẽ muốn chỉ ra cho người xem thấy ly hôn khó khăn như thế nào, cho dù là với người phụ nữ xuất chúng như Ji Sun Woo… Dẫu cho tác phẩm được nhiều người đón xem, tôi vẫn băn khoăn về nỗi sợ hãi và sự ám ảnh của nhân vật Sun Woo kể từ khi ly hôn và trở thành mẹ đơn thân. Liệu điều ấy có phù hợp với xã hội đương đại hiện nay hay không, và liệu một chuyện phim như thế có thực sự cần thiết và ý nghĩa hay không?”.

Chung số phận với The World of the Married, các tác phẩm khai thác đề tài hôn nhân, ngoại tình khác như Secret Love Affair, Woman of Dignity, On the Way to the Airport, Love Affairs in the Afternoon … cũng gây tranh cãi vì những cuộc tình đi ngược lại nguyên tắc đạo đức, quan niệm “ông ăn chả, bà ăn nem”… Câu hỏi đặt ra là liệu loạt phim đó có đang cổ súy cho chuyện ngoại tình?

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-nhan-o-han-quoc-co-tam-toi-nhu-phim-post1086527.html