Hôn nhân có điều kiện?

(LĐ) - Gia đình Lan (người yêu tôi) rất khá giả, bố mẹ có địa vị trong xã hội. Sau ba năm yêu nhau, cũng đến lúc chúng tôi tính chuyện kết hôn. Tôi đến gia đình Lan để xin phép, nhưng không ngờ bố mẹ cô ấy đưa ra yêu cầu là tôi phải mua được nhà riêng mới cho hai đứa cưới nhau.

Tôi buồn bã ra về, cảm thấy tủi thẹn vì cảnh nghèo của mình. Tôi bàn với Lan để cô ấy thuyết phục cha mẹ mình, nhưng không ngờ cô ấy nói: “Bố mẹ em kiên quyết và bảo thủ lắm, không lay chuyển được đâu. Họ còn rất sĩ diện, không muốn họ hàng, bạn bè chê là có chàng rể nghèo. Hơn nữa, họ không muốn em phải ở nhà thuê, khổ lắm”. Lan còn bảo: “Hay anh về bàn với bố mẹ bán nửa mảnh đất đi, thiếu bao nhiêu nhà em bù thêm. Mình mua một chỗ be bé thôi cũng được, miễn đó là nhà riêng của chúng mình”. Tôi thất vọng vô cùng, dần dần tôi hiểu ra, chính Lan đã hậu thuẫn cho bố mẹ để ra điều kiện “thách cưới” với tôi. Cô ấy đã về nhà tôi chơi vài lần và thấy nhà tôi rộng rãi, lại ở ngay TP Ninh Bình. Song làm sao tôi có thể đòi hỏi bố mẹ bán nửa nhà đi cho mình, trong khi còn anh trai và em gái tôi đang ở chung đấy? Lan vẫn thường xuyên thúc giục tôi về nói chuyện với bố mẹ, tôi trả lời là “không thể” thì cô ấy giận dỗi bảo: “Anh đã thử đâu mà biết là có thể hay không thể!”. Tôi hỏi lại: “Nếu anh không mua được nhà thì em có lấy anh không?”, cô ấy vùng vằng: “Em thế nào cũng được. Nhưng bố mẹ em thì không chịu đâu”, rồi cô ấy chuyển giọng nũng nịu: “Thôi cố lên đi anh!”. Tự nhiên tôi cảm thấy hết sức hoang mang, Lan có thực lòng yêu tôi không? Nếu yêu tôi sao cô ấy không thông cảm, không chia sẻ và đồng cam cộng khổ với tôi? Nếu tôi không thỏa mãn được những điều kiện mà cô ấy và gia đình đòi hỏi thì liệu tình yêu của chúng tôi có còn cơ sở để tồn tại? Tôi phân vân không biết có nên tiếp tục tiến tới cuộc hôn nhân này? Anh Quân (Hà Nội) Anh Quân thân mến. Xét cho cùng thì con người tìm đến với tình yêu và hôn nhân là để giải quyết những nhu cầu nội tại về tình cảm hơn là về vật chất. Bởi vậy nên mọi hình thức quan hệ dựa trên nền tảng vật chất nhưng núp bóng tình yêu đều bị phê phán. Đồng ý rằng, với khả năng tài chính dồi dào thì những bước đầu tiên của cuộc hôn nhân sẽ có nhiều thuận lợi, tuy vậy đó cũng không phải là một bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc. Thực tế đã có quá nhiều ví dụ chứng minh điều này. Với bạn, ngay từ lúc này, câu chuyện tình yêu đã nhuốm màu vật chất và bạn đang khổ sở dưới sức ép của nó thì thử hỏi, liệu có khả năng đây là một khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống vợ chồng dài lâu hay không? Là một người đàn ông, tương lai còn là trụ cột gia đình mà bạn liên tục bị người yêu và nhà cô ta “gây sức ép”, vậy bạn có tự hỏi xem cội nguồn của sức ép đó là từ đâu? Nó có vẻ bắt nguồn từ tình yêu cô ấy dành cho bạn, hay là từ tình yêu của cô ấy với chính bản thân mình, hay từ mong muốn giữ “sĩ diện” cho gia đình cô ấy? Liệu có cách nào giải tỏa được sức ép này, nếu có thì sau khi giải tỏa xong, liệu có những sức ép mới như phải có đủ tiện nghi sinh hoạt xuất hiện liền sau đó? Và rồi liệu có ngày nào mà bạn được “tự do”, có nghĩa là không còn sức ép nào từ phía vợ và gia đình cô ta? Ngoài tiền bạc ra, có còn cái gì khác khiến những sức ép đó chấm dứt không?... Có thể bạn đang không còn yêu Lan với đúng nghĩa của từ này, nhưng do “quán tính” mà bạn đã tự lừa dối rằng mình đang “phấn đấu” cho tình yêu. Tình yêu không định nghĩa được, nhưng ít nhất cũng có thể nói rằng, một trong những thuộc tính của tình yêu đích thực là phải có tính tự nguyện, chứ không thể ép buộc hoặc ra những điều kiện theo kiểu “thách đố”. Cả những kẻ ra điều kiện và những kẻ cố tìm cách thỏa mãn các điều kiện đều là đang chạy theo thứ tình yêu giả tạo, và có thể nói rằng họ đều là những kẻ khờ khạo. Lời khuyên cho bạn là: Hãy học cách tự đưa ra những câu hỏi đúng trọng tâm cho cuộc đời mình. Lúc đó, rất nhiều câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi, cần gì phải tìm đâu xa. Tri Âm

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/hon-nhan-co-dieu-kien/16831