Hơn một nửa số tàu sân bay của Mỹ không sẵn sàng chiến đấu

Trang tin quân sự Breaking Defense dẫn các thông tin từ Hải quân Mỹ đăng tải, ít nhất 6 trong số 11 hàng không mẫu hạm hiện có đang nằm tại các cầu cảng ở bờ Đông nước Mỹ để sửa chữa và nâng cấp. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng không có khả năng tham chiến ở thời điểm hiện tại và tình trạng này sẽ không sớm được giải quyết khi thời gian sửa và nâng cấp nhiều chiến hạm kéo dài tới 2 năm.

Theo nguồn tin trên, Hải quân Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các tàu sân bay nằm bờ, nhưng công việc tiến triển khá chậm. Trong khi đó, hồi tháng 9-2019, hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman (CVN 75) đã buộc phải về cảng Norfolk sau khi phát hiện các vấn đề trục trặc của hệ thống điện trên khoang. Điều này càng tạo thêm gánh nặng cho lực lượng hậu cần của Hải quân Mỹ.

Giới chức Hải quân Mỹ cho biết, USS Harry S. Truman có thể hoàn thành giai đoạn sửa chữa trong thời gian ngắn, nhưng những hình ảnh các thành phần trên khoang của tàu sân bay này bị tháo tung ra để sửa chữa khiến những tuyên bố về khả năng sớm trở lại của USS Harry S. Truman bị nghi vấn.

 Phân nửa hạm tàu sân bay Mỹ đang phải nằm cảng sửa chữa.

Phân nửa hạm tàu sân bay Mỹ đang phải nằm cảng sửa chữa.

Cùng với USS Harry S. Truman, 5 tàu sân bay khác của Hải quân Mỹ cũng đang trong quá trình nâng cấp và sửa chữa khác nhau. Các tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và USS John C. Stennis đang phải điều chỉnh rút ngắn thời gian sửa chữa và nâng cấp để có thể trở lại biên chế sớm nhất có thể. Cụ thể, tàu sân bay USS John C. Stennis có thể sẽ được kéo trở lại biên chế bỏ qua giai đoạn tái nạp nhiên liệu hạt nhân và đại tu. Cùng với đó, thời gian bảo dưỡng các tàu sân bay USS George H.W. Bush và USS George Washington cũng được rút ngắn tới xuống năm 2020 và 2021.

Hiện tại, tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ là USS Gerald R. Ford cũng đang phải nằm cảng để thay thế các module vũ khí ray điện từ mới. Quá trình này ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2018, nhưng vì nhiều lý do khác nhau tới tận thời điểm hiện tại việc thay thế vẫn chưa hoàn thiện.

Do việc sửa chữa và đại tu các tàu sân bay của Hải quân Mỹ diễn ra chậm chạp đã khiến nhiều nhóm tàu sân bay phải hoạt động lâu hơn dự kiến trên biển. Nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln theo đúng kế hoạch chỉ phải hoạt động ở vùng Vịnh 6 tháng, nhưng đã phải kéo dài sự hiện diện tại đây do không có đơn vị thay thế.

Việc phải rút ngắn quy trình sửa chữa và nâng cấp khiến hoạt động của các nhóm tàu sân bay ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc các hạm tàu sân bay của Mỹ không đảm bảo khả năng chiến đấu chính là do hệ quả của hơn một thập kỷ cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Washington. Thiếu nguồn đầu tư khiến năng lực hậu cần của Hải quân Mỹ bị suy giảm. Cùng với đó, với chiến lược xây dựng hạm đội quy mô dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng ảnh hưởng tới việc phân bổ nguồn lực dành cho đóng mới và sửa chữa của các quân cảng Mỹ. Với tình hình hiện tại, tình trạng sẽ tiếp tục trở nên trầm trọng trong tương lai khi số lượng chiến hạm Hải quân Mỹ đến thời gian sửa chữa và nâng cấp tăng lên...

TUẤN SƠN (theo Breaking Defence)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/hon-mot-nua-so-tau-san-bay-cua-my-khong-san-sang-chien-dau-603935