Hỗn loạn phân lô, chia đất

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho biết, trên đảo Phú Quốc, hiện nay ngoài Thanh tra Chính phủ, còn có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Kiên Giang, các lực lượng công an cũng đang vào cuộc kiểm tra, giám sát quyết liệt. Những số liệu thu thập ban đầu cho thấy sai phạm là… động trời!

Khu đất hơn 2.000m2 thuộc rừng phòng hộ trên đảo bị san ủi, trồng cây lâu năm. Hiện thủ phạm đã bỏ trốn.

Một trong những vấn đề “nóng” trên đảo Phú Quốc là vấn nạn phân lô, bán nền bất hợp pháp trên đất nông nghiệp mà Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải làm rõ.

Qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, tình trạng này diễn ra tại hầu hết các xã, thị trấn trên toàn đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, phát hiện “động trời” là không chỉ đất nông nghiệp, mà đất rừng, đất nhà nước quản lý, đất qui hoạch cho giáo dục, vui chơi giải trí… cũng bị “xẻ thịt”.

Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, ông Ngô Triệu Cầm cho biết: Ðoàn Thanh tra của Chính phủ đã nhiều lần về làm việc với xã, chúng tôi cũng đã có báo cáo về thực trạng phân lô bán nền theo yêu cầu của đoàn. Cũng theo ông Cầm: Việc “phân lô, bán nền” chủ yếu do các cá nhân, tổ chức thực hiện từ khoảng năm 2014. Tuy nhiên đến năm 2016, 2017 và quý I/2018, tình hình diễn ra rất nhanh và phức tạp khi Phú Quốc rục rịch lên đặc khu. Giao dịch đất đai trên địa bàn xã diễn ra ồ ạt, không thông qua chính quyền địa phương. Việc mua bán đất chủ yếu nhằm sinh lợi, nhu cầu sử dụng thực tế là rất ít. Trên địa bàn xã có tới 92 dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổng diện tích 3.332 ha. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện đất đai phức tạp. Thanh tra cũng đang làm rõ việc “phân lô, bán nền” trong các dự án của một số “đại gia” tại khu vực Bãi Trường.

Số liệu báo cáo kiểm tra tại xã Dương Tơ cho thấy, trên địa bàn có tới 91 khu phân lô, tách thửa, xây dựng hạ tầng và nhà ở trái phép với tổng diện tích gần 100 ha. Ngoài ra còn có 24 khu đã san lấp, xây dựng hạ tầng (nhưng chưa kịp phân lô), diện tích 524.445m2.

Tại xã Cửa Cạn, chính quyền nơi đây cho biết, trên địa bàn có 23 dự án của tổ chức, cá nhân “thâu tóm” 201.487 m2 đất nông nghiệp của người dân và đã xẻ thành 1.244 lô dạng đất nền. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, lấn sông, lấn suối cũng diễn ra khá phổ biến. Một số trường hợp rất nghiêm trọng có thể sẽ phải xử lý hình sự.

Hồng Lĩnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/hon-loan-phan-lo-chia-dat-1304749.tpo