Hồn gốm

Hình ảnh về đống bình gốm phau phau đẹp ngời ngời, hoài cổ, bị ế và cô gái xinh xinh bán hàng co ro co ro trong cái lạnh đông buồn xé ruột Hà Nội hôm nay chắc sẽ còn theo tôi nhớ nhung dài lắm.

Ngày...

 Thợ vẽ gốm.

Thợ vẽ gốm.

Những ngày đầu của cái “Tháng Giêng say” năm Kỷ Hợi tôi cùng bạn tìm về Bát Tràng. Mong, hay ao ước. Hay cắc cớ về cái lạnh mung lung, lạnh sạm da thịt và thứ cảm giác day dứt thương người lao động, thương, muốn lần nữa giáp mặt cô gái trẻ đã đem vất vả tràn lên phố phường ngày tết để thỏa cái khát vọng kiếm sống, khát vọng mưu sinh ám ảnh tôi suốt đợt tết nghỉ dài.

Quăng chiếc xe máy vào quán nước giữa làng bởi đầu năm chợ Bát Tràng chưa họp, không có chỗ gửi xe, tôi cùng người bạn lang thang dọc các ngõ xóm, các cửa hiệu. Lò gốm ở làng gốm cổ Bát Tràng mở hàng sớm lấy ngày hay cái nhịp sống của thị tứ manh nha này nhiều năm không có “Tháng Giêng say”. Không có hội hè, không trải cái thú của người lao động quanh năm vất vả nay xả hơi, xả cái sự cực nhọc vất vả cả năm cũ để lèn chọn một tháng hay ba tháng đầu năm cho bõ nhọc nhằn.

gió xuân và mưa xuân

tôi, những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo

tôi, than phơi trên tường

tôi, đất sét trắng

tôi, những bình gốm cao quá đầu người

tôi và làn khói lò thơm mùi đất cháy

tôi cùng những gốc si già trong mưa bụi giữa cái làng như làng trong lòng phố.

tôi và…

trên trời có đám mây xanh

ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

ước gì anh lấy được nàng,

để anh mua gạch Bát Tràng về xây.

Bát Tràng ở mé Đông nam Hà Nội. Cái hướng hứng gió hứng nắng đô thị mà lại cận lộ ven sông. Dưới ánh mặt trời buổi sớm, gió và nắng mỏng tang và kia, sông nước nữa. Những vầng sương bò lừ đừ trên dòng sông Hồng đỏ phù sa.

Sương quầng, bò xém lên các bãi bồi ngằn ngặt màu ngô màu xanh của rau cải của những bãi chuối im lìm. Bát Tràng như cổ tích, thị tứ đang đổi mình khoác tấm áo mới, thế mà rất ít người biết được, xưa, xưa lắm rồi.

Làng cổ Bát Tràng.

Dòng sông Nhị Hà chở đất màu ở tận thượng nguồn về đây nó quẫy ngang ra tạo thành doi. Doi đất cứ lớn dần, lớn dần thành một quầng sậm khổng lồ trải dài mấy chục héc ta... và một điều kỳ diệu nặng lòng nữa là bởi vì sao, dòng Nhị Hà cõng đâu về được mấy chục gò đất sét trắng tuyệt hảo. Phải duyên lắm, kỳ diệu lắm rồi đất mới gặp thợ đất. Gặp cái hiệp thợ gốm từ dưới Hà Nam tha xứ lên đây ngó thấy.

Trời cho nghề, cho của. Và đất sét trắng nhiều vô kể là cớ, là vựa nguồn dung dưỡng một làng nghề kế tục suốt chiều dài năm tháng khốn khó kẻ chợ Bát Tràng. Bởi trưng “khểnh” cạnh sông nên Bát Tràng rất thuận cho việc giao thương, trao đổi, cũng là niềm quyết định sống còn của duyên cần và đủ của các hiệp thợ gốm chốn này đồng thời cũng là những tiểu thương gia.

Gốm Bát Tràng xuất hiện từ rất lâu, phong thanh tận thời hậu Lý. Chẳng gia đình nào ở làng giờ lại không có sân lát gạch và lò. Nghề, như của quý để dành trong nhà, truyền từ đời này qua đời khác và người dân làng Bát dù thoát ly ra bán buôn, bán lẻ thứ hàng khác đi nữa đều vẫn luôn coi mình là con cháu, dòng dõi của những thợ gốm tài hoa.

Vậy thì vậy nhưng ngày xưa xứ Bát Tràng cũng đã hội tụ đủ nghề thủ công truyền thống của các vùng lân cận Thăng Long từ đời Lý, Trần. Phải qua rất nhiều thăng trầm, thử thách, giờ tồn tại và phát triển rực rỡ mỗi nghề… nặn, này. Điều đó khẳng định nghề gốm Bát Tràng là một trong những nghề lâu đời nhất nước ta.

Phải tận mắt chứng kiến, tận mắt ngập tràn trong không gian gốm, không gian làng nghề, không gian giao thương, không gian quê kiểng và truyền thống này ta mới thấy hết cái sự đương nhiên tồn tại và nở rộ của một dòng gồm, làng gốm.

Gốm Bát Tràng nổi tiếng như bây giờ cũng nhờ sự đa dạng mặt hàng rất đỗi thân thiết với đời sống cộng đồng, gắn chặt nền văn minh nông nghiệp. Đẹp mà không đắt tiền, sang mà không mĩ miều, độc đáo nhưng rất phổ biến và tiện dụng... cứ về đây sẽ thấy.

Một lò gốm ở Bát Tràng.

Nghiên cứu kỹ các di chỉ, đền miếu, các phả hệ của những tộc họ lớn ở đây được biết Bát Tràng đã hình thành từ thời hậu Lý, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng này.

Sau đó 5 dòng họ lớn trong làng gốm Bát Bồ là các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long, tìm đất lập nghiệp.

Cắm chốn, đặt Bạch thổ phường. “Bạch thổ phường”, có nghĩa là vùng đất trắng, một loại đất tốt làm nguyên liệu sản xuất đồ sành. Sau đó đổi thành Bách Tràng phường, nghĩa là nơi có trăm lò bát. Cái tên Bát Tràng ra đời từ đấy.

Việc sử dụng nguyên liệu và nguồn lao động bản địa tạo dựng lên gốm Bát Tràng giàu sắc thái dân gian. Trang trí họa tiết của gốm Bát Tràng độc đáo, không bắt chước các loại gốm của Trung Quốc, xứ Ấn… nên tính dân tộc của ta được bảo tồn, được phản ánh rất cao.

Hơn mươi năm lại đây gốm Bát Tràng càng trở lên nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Người nước ngoài tận Bắc Âu đến vùng biển Ca-ri-bê, xa mãi Nam Phi nghe đồn cũng lặn lội tới đây xem gốm và mua gốm.

Thợ xứ Bát Tràng biết chế tác nhiều loại men đặc biệt, sắc thái khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng người dùng cũng như thị trường dịch vụ, kiểu dáng và mẫu mã. Người Bát Tràng hồn hậu và trung thực thương khó và đẹp như em gái tôi trông thấy trong mưa lạnh. Xứ Tràng cần mẫn mà lịch duyệt. Duyên dáng và đặc trưng… đâu đâu ta cũng gặp những ánh mắt mời gọi, thân thiện và tin cậy.

Chợ gốm Bát Tràng nằm ở mé nam, cuối của làng. Nghe kể, xưa, đây là nơi tập kết các mẻ gốm trước khi khuân xuống đò cho thương lái. Có lúc diễn ra việc trao đổi mua bán gốm ngay bờ sông, các lều chợ, sạp gốm để tạm này vì thế cũng được dựng. Dần thành nơi tụ họp, buôn bán chủ yếu của làng Bát và hình thành chợ tự lúc nào.

Chợ gốm Bát Tràng không sầm uất như các kiểu chợ búa của các thị tứ khu vực đồng bằng Bắc bộ mà nó dựng lên phục vụ hữu dụng cho việc mua bán gốm. Các gian hàng cấu tạo giống nhau, kệ, giá, chiếu, mẹt... trưng bày theo lối dân gian, trương cả ra, bày cả ra, mời gọi... Phong cách mua bán gốm của người dân từa tựa như những tiểu thương phố cổ Hội An.

Chợ gốm Bát Tràng.

Không chèo kéo, mời gọi khách, mà điều đầu tiên là chinh phục khách hàng bằng kỹ thuật, sự đặc biệt hàng gốm. Tự khách bị dẫn dụ bằng hồn cốt sản phẩm rồi phải móc tiền ra, phải ký hợp đồng...

Nhiều chủ gốm bán hàng, quảng cáo hàng ngày ngay ở lò gốm nhà mình. Khách vào xem nặn gốm, vẽ gốm, đổ men rồi mới quyết định đặt hàng. Có mặt hàng chưa biết hình dạng, chất lượng ra sao mà đã thèm mua vì thấy ông chủ hiền quá, khéo quá, nghệ quá, nên phục, mà ưng. Cả làng Bát Tràng giờ có đến mấy mươi doanh nghiệp gốm với đủ các đặc điểm kinh doanh đa dạng sản phẩm độc quyền.

Đầu Đông vãn cảnh Bát Tràng lang thang rồi thả hồn và ngắm nghía và tìm trong cái lạnh xeo xeo xứ Bắc khiến lòng tôi thư thái thêm yêu mảnh đất quê hương, thêm phục, tự hào về trí lực dân tộc Việt.

Sông Hồng cần mẫn chở phù sa chiều nay cũng theo tôi về phố.

Như sông nước, người Bát Tràng miết mải nặng lòng khát vọng với nghề với cái đẹp, thứ quý của ông cha gây dựng và truyền lại.

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng vùng quanh mây vàng...

Hà Nội, cuối 2019

PHAN ĐÌNH MINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hon-gom-post255914.html