Hòn đảo nhỏ mang tầm chiến lược lớn ở biển Đông

Căn cứ hải quân Lombrum trên hòn đảo Manus thuộc Papua New Guinea có thể là mắt xích quan trọng mà các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đang hướng đến nhằm chống lại sự mở rộng của Trung Quốc ở biển Đông.

Căn cứ Lombrum đang được Úc nâng cấp trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 17-11 thông báo Washington cũng tham gia nỗ lực này.

Căn cứ này sẽ cho phép Hải quân Mỹ quá cảnh để tiếp nhiên liệu và có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giám sát hàng hải giữa lúcTrung Quốc triển khai các dự án hải quân trên khắp Thái Bình Dương.

Úc và Mỹ bắt tay nâng cấp căn cứ Lombrum. Ảnh: SCMP

Úc và Mỹ bắt tay nâng cấp căn cứ Lombrum. Ảnh: SCMP

Lombrum - được Mỹ xây dựng năm 1944 - từng có đường băng dài 2,7 km, là nơi đồn trú của hàng chục ngàn lính thủy đánh bộ và có sức chứa khoảng 800 tàu, kho nhiên liệu và bệnh viện 3.000 giường.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chiến lược cảnh báo Mỹ và Úc bắt tay triển khai kế hoạch khôi phục Lombrum cần thận trọng để tránh làm mếch lòng Indonesia. Các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ quan trọng trước mắt đối với Mỹ và Úc là trấn an Papua New Guinea và Indonesia về việc khôi phục Lombrum.

Việc Mỹ và Úc cùng nâng cấp Lombrum diễn ra chỉ vài tháng sau khi xuất hiện những đồn đoán Trung Quốc cũng có ý định xây dựng một cảng ở đảo Manus và dẫn đến hoài nghi Bắc Kinh để mắt đến căn cứ hải quân trên đảo này.

Hồi năm 2016, công ty China Harbour Engineering (Trung Quốc) đã thắng thầu phát triển sân bay Momote ở đảo này nhưng đến nay cả Trung Quốc và Papua New Guinea đều không xác nhận việc Bắc Kinh có đang cân nhắc xây dựng một cảng ở đây hay không.

Người dân trên đảo Manus. Ảnh: SCMP

Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về hàng hải ở Singapore, nhận định: "Kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum là một phần trong chiến lược của Úc với các đồng minh, nhằm tăng cường mối liên kết với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trên nhiều mặt trận gồm ngoại giao, kinh tế và an ninh".

Một số chuyên gia cho rằng căn cứ Lombrum có thể được xem là câu trả lời trực tiếp cho việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép ở biển Đông. "Tiếp cận Lombrum là cách đáp trả đơn giản đối với những gì quân đội Trung Quốc làm ở biển Đông" - ông Peter Jennings thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc nhận định.

Ông Jennings nhận xét: "Việc chuyển đổi sân bay Momote thành một cơ sở dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự sẽ bắt đầu biến đảo Manus trở thành yếu tố chiến lược ở phía Tây và Bắc biển Đông".

Xuân Mai (Theo SCMP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hon-dao-nho-mang-tam-chien-luoc-lon-o-bien-dong-20181203162035855.htm