Hòn đảo cấm cửa phụ nữ được UNESCO xếp hạng di sản thế giới

Một hòn đảo nhỏ trên biển Nhật Bản, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, tất nhiên được pháp luật bảo vệ và trong trường hợp này là giá trị độc đáo về khảo cổ học và tôn giáo.

Tuy nhiên, nơi này bấy lâu nay gây tranh cãi bởi vì cho dù được công nhận là di sản thế giới, đảo Okinoshima không chấp nhận phụ nữ, như bao đời nay.

Đảo nhỏ Okinoshima

Hòn đảo chỉ rộng chưa đầy 100ha này thuộc thành phố Munakata, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Đảo nằm trên hải lộ phía nam đất nước, thuộc tuyến đường thương mại có từ xa xưa nối Nhật Bản với Triều Tiên và đây cũng là gốc gác những đặc điểm liên quan đến lịch sử, tôn giáo của đảo Okinoshima.

Điểm dừng chân của thủy thủ

Từ thế kỷ thứ 4, hòn đảo nhỏ này đã là một điểm dừng chân của các thủy thủ, đặc biệt là những người đến từ Munakata, trong khi họ thực hiện các chuyến đi buôn bán trong khu vực Đông Á. Tin rằng đây là đảo thiêng, họ thường chuẩn bị lễ vật cúng các vị thần của đạo Shinto (Thần Đạo), tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Nhật Bản, mong được họ che chở. Việc này kéo dãi mãi đến thế kỷ thứ 9. Ngày nay, còn hơn 80.000 chuỗi hạt, nhiều loại vũ khí và các loại cống vật khác trên đảo. Người Nhật coi đây là các bảo vật quốc gia.

Nhưng do đâu Okinoshima trở thành nơi không chấp nhận phụ nữ? Là bởi vì vào một số thời điểm, đảo thuộc quyền quản lý của các tăng lữ trong đền thờ Taisha Munakata và sự hạn chế bắt đầu xuất hiện. Hòn đảo chỉ có một người ở. Đây là người của nhà thờ và công việc của ông ta trên đảo chỉ là đảm bảo chỉ có đàn ông, đặc biệt là tu sỹ nam, được lên đảo. Vị tu sỹ này giám sát các hoạt động thờ cúng, bắt buộc mọi tu sỹ khác phải cởi bỏ quần áo, tắm rửa sạch sẽ như một cách hành lễ, trước khi đặt chân lên đảo Okinoshima.

Tắm rửa trước khi lên đảo

Việc phải thoát y tắm rửa trước khi lên đảo cũng giúp vị tu sỹ nọ chắc chắn không có phụ nữ. Họ bị cấm bởi có kinh nguyệt, thứ theo Thần Đạo là dấu hiệu của sự không thanh sạch. Quy định này không áp dụng với ba vị nữ chúa do các vị thần phái xuống bảo vệ đất nước Nhật Bản. Hiện thân của ba vị được nói là các tảng đá thiêng trên đảo.

Nhưng giá trị lịch sử và tôn giáo, không phải lệnh cấm đàn bà, mới là lý do tổ chức khoa học, văn hóa và giáo dục của Liên Hợp Quốc quyết định trao danh hiệu di sản thế giới cho đảo Okinoshima.

Đảo cũng là nhà của nhiều loài sinh vật hiếm có như chim sẻ biển Nhật Bản, loài đang trên bờ tuyệt chủng. Còn khoảng 30 cặp chim bố mẹ vẫn còn trên đảo nhưng chúng cũng như nhiều loài chim khác ở đây, có nguy cơ bị chuột tấn công. Người ta hy vọng rằng khách du lịch tới đông sẽ khiến vấn đề của chim sẻ biển được quan tâm và tiền sẽ được chi ra để xử lý tận gốc đám chuột trên đảo Okinoshima.

Nhưng kể cả như thế, khách du lịch nữ vẫn không được đặt chân lên đảo. Một nhóm hoạt động theo đạo Hindu có trụ sở ở Mỹ đã lên tiếng phản đối việc công nhận đảo Okinoshima là di sản thế giới trừ khi phụ nữ được chào đón ở đây, tuy nhiên vẫn không thay đổi được tình hình. Ngoài dịp lễ hội thường niên được tổ chức vào tháng Năm, khi có khoảng 200 đàn ông trên đảo, quanh năm, Okinoshima chỉ có một vài tu sỹ, chim sẻ và chuột và người đàn ông cô đơn với nhiệm vụ gác đảo. Các quan chức địa phương nói họ hy vọng mọi người tôn trọng các quy định, tôn trọng các tín điều tôn giáo.

Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 27/5 để tưởng nhớ các thủy thủ đã thiệt mạng trong trận chiến hải quân diễn ra gần hòn đảo, giai đoạn chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905, theo báo Japan Times.

Đất thiêng, nơi các vị thần trú ngụ

Chỉ có 200 người được phép tới tham dự lễ hội này và họ buộc phải trải qua những nghi lễ tôn giáo đã tồn tại hàng trăm năm. Việc đầu tiên là nghi lễ misogi: mọi người phải cởi bỏ toàn bộ y phục, tắm trong nước biển để loại bỏ khỏi những thứ không thanh khiết. Khi ra về, người dự lễ không được phép mang bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả những vật như cành cây, viên sỏi hay nắm cỏ, theo các quy định được thông báo trên website của đảo Okinoshima.

Một ngôi đền trên đảo

Mặc dù chưa có ý kiến công khai nào về lý do cấm phụ nữ, nhưng nhiều người hiểu rằng điều đó bắt nguồn từ niềm tin trong Thần Đạo rằng máu kinh là thứ không thanh khiết.

80.000 vật phẩm trên đảo được các nhà khảo cổ khai quật trong nhiều năm, bao gồm các tấm gương soi có nguồn gốc từ nhà Ngụy (Trung Quốc), vòng vàng từ Triều Tiên và thậm chí có cả bát thủy tinh xuất xứ từ Ba Tư (nay là Iraq).

Danh hiệu di sản thế giới sẽ cho phép đảo Okinoshima có tiền để bảo tồn những gì trên đảo, nhưng người dân trong vùng đã bày tỏ lo ngại rằng khách du lịch kéo tới sẽ làm hỏng hình ảnh của hòn đảo, tác động tiêu cực đối với các di sản, những thứ nhiều người Nhật coi là thiêng liêng.

Takayuki Ashizu, tu viện trưởng của Taisha Munakata nói lệnh cấm du lịch và phụ nữ sẽ được duy trì, cho dù đã có rất nhiều đề nghị từ các hãng dịch vụ du lịch. “Chúng tôi sẽ không mở cửa Okinoshima cho công chúng dù đảo có tên trong danh mục di sản văn hóa của UNESCO, bởi vì người ta chỉ đến đây do tò mò mà thôi”, ông Ashizu nói với tờ Japan Times.

Đảo Okinoshima không phải địa danh duy nhất trong danh sách di sản của UNESCO gây tranh cãi. Núi Athos ở Hy Lạp, nơi có đền thiêng của một nhánh Thiên chúa giáo chính thống từ năm 1054, cũng là địa điểm hành hương cấm phụ nữ, trẻ em và thậm chí là động vật cái, cho dù thú hoang và mèo được coi là ngoại lệ, có vẻ là vì khó thực hiện được “lệnh cấm” đối với chúng.

Một tu sỹ đang hành lễ trên đảo Okinoshima

Nhiều người dân Nhật nói họ rất sùng kính sự thiêng liêng của đảo Okinoshima, nơi họ tin là chốn thần tiên trú ngụ. “Chúng tôi không muốn người ta tới gần các vị thần mà thiếu đi sự kính trọng”, một người dân Munakata nói với hãng tin Kyodo.

NGUYỄN XUÂN THỦY (Kiến thức gia đình số 49)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hon-dao-cam-cua-phu-nu-duoc-unesco-xep-hang-di-san-the-gioi-post231782.html