Hơn 93% du khách hài lòng với du lịch Việt Nam

93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng, chỉ có chưa đến 1% du khách không hài lòng về chất lượng du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch vừa công bố kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017.

Một du khách bị đánh ở Hội An. Ảnh: Lao động

Cuộc khảo sát đã được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (bốn cửa khẩu đường không, bốn cửa khẩu đường bộ và bốn cảng biển).

Theo đó, gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên.

Về mức độ hài lòng của du khách trong chuyến du lịch đến Việt Nam, điều tra cũng cho thấy: Có 93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.

Những chỉ số về mức chi tiêu bình quân của tất cả các thị trường khách đến Việt Nam, trong đó khách quốc tế có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú (chiếm 92,56%) và khách quốc tế tham quan trong ngày (chiếm 7,44%) cũng được phân tích, làm rõ.

Theo đó, khách có nghỉ đêm mức chi tiêu bình quân là 1.171,3 USD/ lượt (điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2013 là 1.143 USD/ lượt) với độ dài thời gian chuyến đi bình quân là 9,27 ngày (thấp hơn một chút so với kết quả điều tra năm 2013).

Trong đó, khách đến từ châu Á chi 995,7 USD/lượt; khách châu Âu chi 1.295,3 USD/lượt; khách châu Mỹ chi 1.525,1 USD/lượt và cao nhất là khách châu Đại Dương chi 1.791,1 USD/lượt.

Còn chi tiêu bình quân của khách quốc tế tham quan trong ngày là 144,6 USD/lượt.

Nếu so sánh chi tiêu của khách châu Á ở Việt Nam với chi tiêu của thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương thì mức chênh rất lớn, cao nhất gần gấp đôi.

Có nghĩa là chi tiêu của 1 khách du lịch châu Đại Dương (1.791,1 USD/lượt) gần bằng chi tiêu của 2 khách du lịch châu Á (995,7 USD/lượt).

Trong khi đó, theo báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 của TCDL, khách Trung Quốc chiếm tới 31,02% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, khách Hàn Quốc chiếm 18,69% thị phần, khách Nhật Bản chiếm 6,18% thị phần, khách Đài Loan chiếm 4,77% thị phần.

Có nghĩa là, chỉ tính những thị trường châu Á lớn đã chiếm tới 60,66% (chưa kể thị trường Đông Nam Á) thị phần khách quốc tế tới Việt Nam.

Đừng để mang tiếng xấu

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng: “Dù theo kết quả điều tra, đánh giá của chuyến đi tới Việt Nam là khá tốt, điều đó cũng chứng tỏ dịch vụ du lịch và điểm đến Việt Nam ngày càng có sức hút đối với khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, chỉ cần chưa đến 1% khách du lịch không hài lòng và rất không hài lòng cũng đủ để những ấn tượng xấu trong chuyến đi của họ lan truyền trong cộng đồng mạng, trên báo chí, gây phương hại đến uy tín du lịch Việt Nam”.

Ông Tuấn dẫn lại “chuyến du lịch kinh hoàng” của nhóm khách du lịch Úc khi đi tàu nghỉ đêm trên vịnh ở Hải Phòng hồi tháng 5.

Cả lãnh đạo Bộ VHTTDL, TCDL, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đều vào cuộc chỉ đạo giải quyết vụ việc này.

Nhưng đến giờ câu chuyện về việc quản lý tàu du lịch ở Quảng Ninh, Hải Phòng và những vi phạm liên quan đến lữ hành, chất lượng dịch vụ tàu lưu trú du lịch, hoạt động du lịch thiếu chuyên nghiệp, đền bù cho khách vẫn chưa giải quyết xong.

Khách Tây bị đánh tới tấp ở phố Bùi Viện

Gần đây nhất, vụ việc 2 khách du lịch người Tây Ban Nha vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội đã bị 2 cú lừa đảo, “chặt chém” của lái xe taxi và lái xe xích lô. Khách đi xích lô chưa đến 3km phải trả 1.500.000 đồng; đi taxi đồng hồ chỉ 37.000 đồng, đưa 500.000 đồng bị trả lại 3 tờ tiền âm phủ.

Dù đã được hỗ trợ tối đa từ các cơ quan chức năng nhưng cũng đủ khiến du khách chán nản, mệt mỏi.

"Vì thế đừng gây ra những việc đáng xấu hổ ấy nữa để du lịch Việt Nam không bị mang tiếng xấu", ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cả ngành Du lịch cần nỗ lực hơn nữa, cộng với sự tham gia hưởng ứng của các ngành khác và toàn xã hội để không còn tí phần trăm nào khách không hài lòng khi đến Việt Nam.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hon-93-du-khach-hai-long-voi-du-lich-viet-nam-3363158/