Hơn 90% bệnh nhân HIV điều trị ARV không lây truyền cho người khác bằng con đường tình dục

Tính đến ngày 31-10-2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống tại Việt Nam 211.981 người và bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong 103.462 người, là thông tin được bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế Hà Nội cho biết tại hội nghị giao ban báo chí định kỳ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24-11.

Theo bà Lan, 10 tháng năm 2019, cả nước đã phát hiện được 8.479 người nhiễm HIV và 1.496 người nhiễm HIV tử vong. Số mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (40,1%) và 30-39 (33,8%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (67,2%), qua đường máu (16,6%), mẹ sang con (1,8%) và còn lại không có thông tin đường lây truyền.

Tại Hà Nội, tính đến 31-10-2020, Hà Nội phát hiện 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm, chiếm 9,6% số người nhiễm của cả nước, là địa phương có số người nhiễm lớn thứ hai, sau thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cung cấp thông tin cho báo chí

Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cung cấp thông tin cho báo chí

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 294 người/100.000 dân. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 6.222 ca, số còn sống là 23.709 người, cao nhất tại quận Đống Đa và ít nhất tại huyện Quốc Oai.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV, giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong số này chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 15-25 chiếm 26,3%; lây nhiễm qua đường tình dục tiếp tục gia tăng, nhưng lây nhiễm qua đường máu giảm. Hai nhóm phát hiện nhiều nhất là vợ/chồng/bạn tình nhiễm HIV và quan hệ tình dục đồng giới, còn nhóm tiêm chích ma túy chỉ còn 13,1%.

Theo bà Lan, vấn đề kỳ thị giảm rõ rệt, người nhiễm HIV đã chủ động tham gia điều trị, nhiều người đã công khai tình trạng nhiễm, đóng góp cho công tác phòng chống AIDS… cho những bệnh nhân khác.

Đáng quan tâm, Việt Nam là trong 4 nước có tỷ lệ điều trị bằng ARV (thuốc kháng vi rút) hiệu quả cao nhất (gồm Đức, Thụy Sỹ, Anh và Việt Nam). Hơn 90% bệnh nhân đang điều trị ARV không có khả năng lây truyền sang người khác bằng con đường tình dục, và lây nhiễm từ mẹ sang con.

Trước kết quả này, ban đầu, nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra hoài nghi, nhưng sau khi mẫu kết quả được gửi sang Canada để xác nhận tham chiếu thì tất cả đều thừa nhận. Đáng chú ý, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được giảm xuống mức rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con vào năm 2010 khoảng 10%, nay đã giảm còn khoảng 2%. Tỷ lệ này ở Hà Nội còn thấp hơn, trong 5 năm qua, từ hơn 1.000 bà mẹ nhiễm HIV sinh con, chỉ có 4 trẻ được sinh ra bị lây nhiễm. Còn tỷ lệ lây nhiễm HIV ở người nghiện ma túy cũng giảm từ 80% xuống còn khoảng 10%.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng thông tin, với các biện pháp tổng hợp, đặc biệt là điều trị ARV, Hà Nội cùng với cả nước đã tránh cho khoảng nửa triệu người bị nhiễm vi rút này và ngăn khoảng 200.000 ca tử vong do HIV/AIDS trong vòng 15 năm qua.

Đáng quan tâm, người đầu tiên ở Việt Nam bị nhiễm HIV/AIDS được phát hiện vào năm 1990, đến nay vẫn còn sống và không có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. Đây là cơ sở để Hà Nội và cả nước quyết tâm thực hiện mục tiêu khống chế hoàn toàn dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Trong năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2021 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế)…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hon-90-benh-nhan-hiv-dieu-tri-arv-khong-lay-truyen-cho-nguoi-khac-bang-con-duong-tinh-duc-218498.html