Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại vẫn chỉ là 'phần nổi'

Phát biểu tại hội thảo 'Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục', bàn giải pháp chặn vấn nạn này ở môi trường học đường, TS Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, các lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.

Trong đó, xâm hại tình dục dưới các hình thức hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm chiếm trên 81%. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục được cảnh báo là “báo động đỏ”.

Thực tế, các cơ quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc hết sức đau lòng như vụ Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có nghi vấn xâm hại tình dục nhiều nam học sinh trong nhiều năm. Ngay tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, một giáo viên Trường tiểu học bị phụ huynh tố cáo có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nữ lớp 3…

Ông Thủy đánh giá, việc thầy, cô giáo xâm hại tình dục trẻ em đã làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội, làm các em không còn tin vào thầy cô, vào người lớn, khiến dư luận hết sức bất bình.

Về giải pháp, TS Thủy đề nghị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, bởi theo ông, giáo dục không chỉ cần thiết cho trẻ mà còn cho phụ huynh và giáo viên vì bài học về phòng tránh bị xâm hại nên được nhắc lại thường xuyên.

“Sự tham gia và đồng thuận của nhiều lực lượng xã hội mới có thể giúp công tác phòng chống xâm hại trẻ em được cải thiện” – ông Thủy nói.

Một giải pháp được ông Thủy – nguyên là ĐBQH đưa ra khá mạnh mẽ, đó là nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó bổ sung quy định về điều kiện kết hôn theo hướng người trưởng thành buộc phải trải qua lớp học về cách làm cha, mẹ, vợ, chồng, về kỹ năng dạy con…, đặc biệt có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn.

Trong khi đó, ông Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đặc biệt lo ngại với ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng đến trẻ em. Tuy nhiên, 3 năm qua, cơ quan chức năng chỉ phát hiện, xử lý 156 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, liên quan tới 167 đối tượng, 155 nạn nhân.

Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an nhấn mạnh, đây là con số rất ít so với các vụ xâm hại tình dục trẻ em và nó cũng không phản ánh thực tế, vì bản chất tội phạm mạng là tội phạm ẩn, rất khó phát hiện.

Ông Trường nhấn mạnh, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các vụ xâm hại thông thường.

“Khi một trẻ em bị xâm hại ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến nhưng một khi đã ở trên môi trường mạng hoặc bị đưa lên môi trường mạng thì hậu quả rất lớn. Hình ảnh đó có thể theo các em suốt cả cuộc đời này, thậm chí cả thế hệ sau.

Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đề xuất Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông có thể phối hợp để chặn các website xấu độc, có hình ảnh khiêu dâm, đồng thời phải có nhân lực để làm công việc này thường xuyên, liên tục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thì cho rằng, “lo ngại nhất là chúng ta đều có cảm giác, vấn đề xâm hại trẻ em vẫn mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng.”

Theo ông Phan Thanh Bình, hình thức xâm hại bằng bạo lực, xâm hại tình dục và xâm hại từ áp lực học hành là nặng nề nhất.

“Đã có không ít học sinh tìm đến cái chết, sau mỗi kỳ thi lại có nhiều trẻ hơn thể hiện sự tâm tư, mệt mỏi, bế tắc. Rõ ràng vấn đề nằm ở nhận thức của cả xã hội. Cần làm rõ chúng ta có đang chạy theo thành tích mà thành bạo hành con trẻ hay không?” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/202001/hon-8000-tre-em-bi-xam-hai-van-chi-la-phan-noi-06664f2/