Hơn 63% trường học ở Sài Gòn triển khai hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt

Hơn 63% đơn vị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả thanh toán phí không dùng tiền mặt.

Ngày 29/1/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt, công khai phân bổ dự toán ngành giáo dục và đào tạo năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Phương Liên – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, định mức phân bổ ngân sách được giao cho ngành giáo dục trong năm 2021 là: học sinh ở bậc học nhà trẻ là 11,028 triệu đồng/em/năm học, mẫu giáo là 8,763 triệu đồng/em/năm học, tiểu học là 5,073 triệu đồng/em/năm học, trung học cơ sở là 4,723 triệu đồng/em/năm học.

Hội nghị tổng kết kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học (ảnh: P.L)

Hội nghị tổng kết kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học (ảnh: P.L)

Đối với bậc học trung học phổ thông: Trung học phổ thông công lập là 5,753 triệu đồng/em/năm học, còn trung học phổ thông chuyên là 17,760 triệu đồng/em/năm học.

Định mức chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo được cơ cấu theo tỷ trọng chi cho con người là 80%, hoạt động 20%.

Dự toán kinh phí năm 2021 được giao cho toàn ngành là 12,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 103% so với năm 2020, trong đó khối giáo dục của các quận huyện được giao gần 9,7 tỷ đồng, khối giáo dục thành phố là hơn 2,5 tỷ đồng, còn lại là khối giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Sở.

Việc triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, sau 6 năm học triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ chủ trương khuyến khích ban đầu hiện đã trở thành bắt buộc, căn cứ vào Quyết định 241/QĐ-TTg của Chính phủ ra ngày 23/2/2018, về phê duyệt đề án “Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”.

Căn cứ vào quyết định 1246/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 30/3/2019, với nội dung là yêu cầu 100% trường học trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, để thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Trong giai đoạn đầu thực hiện đề án, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến trong phụ huynh.

Tuy nhiên, đến giai đoạn từ năm 2017 – 2020, ngành giáo dục thành phố đã triển khai quản lý nguồn thu thông qua phần mềm, tổ chức nhiều giải pháp thanh toán điện tử (ứng dụng trên thiết bị di động, thanh toán bằng máy POS, thanh toán qua điểm thu hộ hoặc ngân hàng, thanh toán bằng quét mã vạch).

121 đơn vị trực thuộc Sở đã triển khai thanh toán các loại phí không dùng tiền mặt, 21/21 các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã ban hành “Kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học”, thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu.

Hơn 63% đơn vị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả thu các loại phí không dùng tiền mặt.

Sở cũng đã công bố danh sách 5 ngân hàng tham gia dịch vụ tài khoản chuyên thu tại trường học (không thu phí đối với phụ huynh) là Agribank, MB bank, BIDV, Saigonbank, Sacombank.

Đến tháng 1 năm nay, doanh số thu phát sinh qua ngân hàng, các trung gian thanh toán qua hình thức điện tử, hoặc chuyển khoản qua ngân hàng đã đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, đạt 58% so với tổng dự toán thu dự kiến là hơn 3.800 tỷ đồng.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-63-truong-hoc-o-sai-gon-trien-khai-hieu-qua-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-post215311.gd