Hơn 60 năm nặng lòng với người dân phố cổ

Nhiệt tình và đầy tâm huyết đó là những ấn tượng ban đầu của tôi về ông Trần Huy Quang, một người đã vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn luôn nặng lòng với công việc 'vác tù và hàng tổng' nơi con phố Hàng Nón, phường Hàng Gai, Quận Hoàn Kiếm.

Gắn bó với “nghề” tổ trưởng từ thủa 19

Tìm đến khu phố cổ, nơi con phố Hàng Nón hỏi thăm ông Trần Huy Quang, chẳng mấy ai không biết. Người dân nơi đây nhắc đến ông Quang như một người trong gia đình, rất đỗi kính trọng và thân thương. Không quý mến sao được khi người đàn ông quá tuổi bát tuần này đã làm tổ trưởng tổ dân phố ở đây hơn 60 năm qua.

Gặp ông Quang vào một buổi chiều muộn, trong căn phòng nhỏ chỉ vẻn vẹn mấy mét vuông với những chồng sách vở được xếp gọn gàng, người đàn ông ấy đang miệt mài nghiên cứu cách chữ bệnh bằng các phương thuốc từ thiên nhiên.

Bên chén trà còn nghi ngút khói, với nụ cười hiền, đôi mắt thâm trầm nhìn về xăm đầy vẻ hoài niệm, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng làm tổ trưởng tổ dân phố bằng cái giọng trầm trầm: “Trải qua bao thăng trầm nơi đây đã có nhiều đổi thay, không còn lưu giữ được những nét xưa cũ. Con phố này vốn có tên là Hàng Nón bởi xưa kia, những nhà ở đây đều có truyền thống bán nón, sau năm 1955, người ta chuyển sang nghề nhôm kính nhưng đến bây giờ chỉ có đôi ba nhà theo nghiệp cũ còn lại đã biến thành các cửa hàng quần áo”.

Quê gốc của ông vốn không phải ở đây, năm 1952 ông mới chuyển đến sinh sống và tham gia hoạt động trong Ban đại biểu thanh niên khu phố. Đến với nghề tổ trưởng như một duyên nợ, năm vừa tròn 19 tuổi, với sự năng nổ, nhiệt huyết trong công việc lại thêm tư cách, tác phong đạo đức tốt nên ông được Đội Quản lý hộ khẩu chú ý và vận động tham gia công tác tổ trưởng tổ dân phố.

Nhận lời với Đội quản lý hộ khẩu ông trở thành một trong những tổ trưởng tổ dân phố đầu tiên của Hà Nội lúc bấy giờ. Có thể nói, với một người trẻ tuổi như ông Huy, công việc tổ trưởng có phần khó khăn vất vả.

Nhiệm vụ của ông lúc ấy chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân, cấp, giữ tem phiếu, giữ an ninh trật tự cho khu phố... đây là những công việc đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Hằng ngày ban sáng ông Quang làm việc cơ quan, tối đến lại lao vào giải quyết việc không tên của khu phố, từ những việc như viết khẩu hiệu bầu cử, đến giải quyết những xích mích nhỏ trong khu… đều do một tay ông đảm nhiệm.

Vốn là người sáng tạo, từ năm 1991 đến nay qua các kỳ bầu cử, ông đã có sáng kiến hay tự viết giấy mời gửi đến từng hộ dân để vận động các cử tri trong tổ dân phố đi bỏ phiếu sớm. kết quả cử tri đi bỏ phiếu nhanh đúng thật 100% và xong sớm trước giờ quy định được cấp trên khen thưởng.

Hơn 61 năm lo mọi việc khổ, sướng, buồn, vui… cho con phố, trong ký ức của nhiều người dân trong khu phố, ông luôn âm thầm, lặng lẽ làm những công việc không tên có ích cho cộng đồng. Khi hỏi vì sao làm công việc “vác tù và hàng tổng” này lâu đến như vậy, ông bảo: “Trước làm là vì sự nhờ cậy của chính quyền, sau này là vì sự yêu mến của bà con. Sự tin tưởng của bà con lối xóm chính là động lực cho tôi làm việc đến tận lúc này ”.

Ông Quang bên cạnh cuốn sách được chính ông đóng một cách cẩn thận để tham gia các cuộc thi về pháp luật. (Ảnh: Lê Thắm)

Mang những vần thơ gieo từng ngõ phố

61 năm qua, ngoài công tác tổ trưởng ông Trần Huy Quang còn tham gia rất nhiều các đoàn thể như: Ban Chấp hành Thanh niên, giáo viên bình dân học vụ, Thanh tra Nhân dân, tổ trưởng tổ hòa giải, Ban Chấp hành Hội cựu chiến binh, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ…Ngoài ra ông còn đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và là chủ nhiệm hai câu lạc bộ tập luyện xoa bóp, bấm huyệt để phòng và chữa bệnh…

Riêng về thời gian 12 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, mỗi năm hội vận động công tác nhân đạo được 30 triệu đồng. Trong 12 năm đã đạt được 360.000.000 đồng để giúp đỡ những người khó khăn trong phường và ủng hộ trị Tây Đằng (Ba Vì) để nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em tàn tật.

Ông Quang được mọi người kính trọng, không chỉ bởi khả năng và uy tín cao khi thực hiện những công tác hòa giải, thuyết phục tạo sự đồng thuận của người dân mà còn là ở sự quan tâm, lo lắng đến sức khỏe của mỗi người dân và sự chân tinh trong cách đối đãi với mọi người.

Với niềm đam mê thơ ca, ông đã sáng tác gần 2.000 bài thơ với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Non sông đất nước và những vấn đề thường nhật trong cuộc sống.Đặc biệt, vốn là một người khéo léo trong hòa giải cùng với biệt tài làm thơ của mình, ông đã mang những vần thơ đi khắp ngõ xóm để hóa giải những xích mích hiểu lầm trong khu phố.

Theo ông, công tác hòa giải rất phức tạp, có những lúc ta phải giải quyết sao cho thật mềm mỏng, những câu thơ chính là phương thức hóa giải mâu thuẫn nhẹ nhàng nhất. Ngoài ra, ông còn được nhiều người dân tin tưởng, nhờ cậy, soạn và đọc điếu văn.

Ngồi tiếp chuyện tôi một lúc ông Quang bảo, đến giờ ông phải đi ra cổng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập luyện cùng câu lạc bộ dưỡng sinh của mình. Song hành cùng công việc tổ trưởng, duy trì câu lạc bộ dưỡng sinh và làm thơ là 2 hai niềm đam mê lớn của ông.

Hằng ngày cứ vào 5h30p sáng và 16h chiều ông Quang lại ra vườn hoa trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn các thành viên tập luyện. “Người già thường mắc bệnh về xương khớp, khí huyết khó lưu thông , tập luyện mỗi ngày sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần được thoải mái, thư thái”.

Giữa tháng 11, gió lạnh đã tràn về, hình ảnh ông Quang với chiếc radio nhỏ cùng bài thơ “700 khớp khủy” tự sáng tác, thu âm, vang lên theo mỗi nhịp xe đạp cứ in đậm mãi trong tâm trí tôi.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người tổ trưởng già ấy vẫn luôn giữ cho mình một sức khỏe tốt, một cái đầu minh mẫn để tiếp tục làm những công việc không tên nơi khu phố nhỏ và những việc nhân nghĩa mà xưa nay ông vẫn luôn tâm niệm là sứ mệnh của mỗi con người.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-60-nam-nang-long-voi-nguoi-dan-pho-co-83488.html