Hơn 530 người ngộ độc, 3 người tử vong do thực phẩm thiếu an toàn

Trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số người mắc so với cùng kỳ năm trước.

3 tháng đầu năm đã có tới 531 người bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: minh họa.

3 tháng đầu năm đã có tới 531 người bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: minh họa.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tính riêng trong năm 2020, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông, lâm, thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hóa trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.

Trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số ca mắc so với năm trước. Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình gia tăng.

Trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số người mắc so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” sáng 20/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, đây là những con số “rất đáng suy ngẫm”.

Những con số trên cho thấy tình trạng mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, tiếp tục là vấn đề bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân, đến giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước.

Miền Bắc đang mùa nóng ẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ.

Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó.

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng và nguy cơ kháng kháng sinh.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/hon-530-nguoi-ngo-doc-3-nguoi-tu-vong-do-thuc-pham-thieu-an-toan-585181.html