Hơn 52.000ha lúa chưa kịp thu hoạch trước bão số 12

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 12 sẽ đổ bộ vào Nam Trung bộ nhưng khu vực này vẫn còn hơn 52.000ha lúa chưa thu hoạch, trong đó có hơn 10.000ha đã chín. Dự báo mưa sẽ kéo dài đến ngày 12-11, nhiều nơi lũ lên mức báo động 3.

Vị trí cơn bão số 12 vào lúc 9 giờ sáng nay 10-11 theo sơ đồ của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia

Sáng nay, bão số 12 đã vào vùng biển Bình Định - Ninh Thuận. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ sáng nay 10-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện với 289.004 người biết tin về cơn bão số 12 và sắp tới là 13 (hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão).

Ban chỉ đạo Trung ương cũng báo cáo, đã thông báo, kiểm đếm cho 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.

Trên đất liền, theo rà soát của các địa phương được dự báo bị ảnh hưởng của bão số 12, hiện nay diện tích lúa chưa thu hoạch vẫn còn 52.067ha trong tổng số 107.632ha gieo trồng (trong đó lúa giai đoạn chín là 10.154ha; nhiều nhất là ở Bình Định 2.684ha, Khánh Hòa 2.500ha).

Trong khu vực dự báo tâm bão đổ bộ, hiện nay cũng đang có tổng lượng gia súc hơn 2 triệu con; gia cầm hơn 20 triệu con (nhiều nhất là ở Bình Định: 901.000 con gia súc và 8,207 triệu con gia cầm).

Hiện nay ở miền núi đang có 48 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đã đầy nước.

Còn về hồ chứa thủy điện, ở Trung bộ và Tây Nguyên đang có 45 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

Mưa to đến ngày 12-11

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ đêm 9-11 đến sáng nay 10-11, các tỉnh từ Quảng Nam – Khánh Hòa có mưa 100-150mm, một số trạm mưa lớn như: Tam Trà (Quảng Nam) 296mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) 395mm, Ba Lễ (Quảng Ngãi) 251mm, Hòa Thịnh (Phú Yên) 301mm, Hoa Sơn (Khánh Hòa) 297mm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, từ hôm nay đến 12-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên mưa 100-200mm/đợt.

Từ đêm 12-11 đến 13-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ; các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2 đến 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

Để sẵn sàng ứng phó cơn bão số 12, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị:

Đối với trên biển

Quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản khi bão số 12 đổ bộ.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo dõi chặt diễn biến của bão số 13 (VAMCO), thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Đối với đất liền

Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu; tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Có phương án đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, tập trung tại khác khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố.

Chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hon-52000ha-lua-chua-kip-thu-hoach-truoc-bao-so-12-696732.html