Hơn 50 năm dấu ấn 'Hồ Nguyệt Cô' Đàm Liên với sân khấu tuồng

Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu tuồng, một ngày cuối tháng 4/2019, NSND Đàm Liên đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 77 tại nhà riêng. Dù đã ra đi mãi mãi, nhưng những dấu ấn đậm nét bà để lại cho nghệ thuật tuồng luôn được các nghệ sĩ và khán giả trân trọng…

NSND Đàm Liên và vai diễn để đời trong vở "Ông già cõng vợ đi xem hội". Ảnh: TL

NSND Đàm Liên và vai diễn để đời trong vở "Ông già cõng vợ đi xem hội". Ảnh: TL

Tiếng cười và dấu ấn "Ông già cõng vợ đi xem hội" mang tên Đàm Liên

NSND Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên (SN 1943 tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên). Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thông hát bội (ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc).

Sinh thời, bà là một trong số ít những nghệ sĩ tuồng được đông đảo công chúng biết tới với nghệ danh "Bà chúa Tuồng", "Nữ hoàng sân khấu Tuồng", "Vua Tuồng"... Bởi suốt hơn 50 năm với sân khấu tuồng, dấu ấn Đàm Liên đậm nét qua nhiều vai diễn ấn tượng như: Trưng Trắc trong vở "Trưng Nữ Vương"; Phương Cơ trong vở "Ngọn lửa Hồng Sơn"; Liễu Nguyệt Tiêm trong vở "Đào Phi Phụng"; công chúa Quỳnh Nga vở "Thạch Sanh"; Hồ Nguyệt Cô trong "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo"...

Đặc biệt vai diễn để đời của NSND Đàm Liên là thể hiện 2 vai ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi trong vở "Ông già cõng vợ đi xem hội" do NSND Văn Đôi viết lời, biểu diễn lần đầu năm 1979 tại rạp Đại Nam (Hà Nội). Với vai diễn này, bà đã đạt được kỉ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 suất diễn. Vì thế, bà từng được đưa vào chương trình "Chuyện lạ Việt Nam". Vai diễn này cũng là nguyên mẫu để xây dựng vai hề trong bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam "Đêm hội Long Trì" và cũng xuất hiện trong bộ phim "Mê Thảo thời vang bóng".

Với dấu ấn vai diễn này của NSND Đàm Liên, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ, mảnh trò này là một sự kế thừa, một sáng tạo xuất chúng của đạo diễn/NSND Nguyễn Ngọc Phương. Nhưng được cộng hưởng bởi tài năng kiệt xuất của NSND Đàm Liên mà đã định hình một tượng đài nghệ thuật trường tồn với thời gian.

"Ông già cõng vợ đi xem hội" sẽ mãi là di sản quý báu của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà. Sẽ có những thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng nối tiếp nhau sắm vai diễn này, nhưng dấu ấn "Ông chồng già cõng bà vợ trẻ" hay và đẹp đến ngỡ ngàng của NSND Đàm Liên thì hẳn sẽ không thể phôi phai trong ký ức của khán giả ái mộ, cũng như bao thế hệ nghệ sĩ hậu sinh", NSND Triệu Trung Kiên tâm sự.

Ngoài ra, dấu ấn của NSND Đàm Liên còn là công trình nghiên cứu về tiếng cười trong nghệ thuật tuồng suốt nhiều năm. Từ đó, bà đã cho ra đời 16 điệu cười riêng của mình và làm một băng hình giới thiệu những tiếng cười. Vì thế, nhắc đến ngôi nhà 20 trong ngõ Chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều người vẫn "ám ảnh" bởi từng vang vọng những tiếng cười, khi điên dại, khi trong trẻo vui tươi, lúc lại da diết, xót xa, bi thương, ai oán… Đó là dấu ấn Đàm Liên.

Trong cuộc đời nghệ thuật tuồng của mình, NSND Đàm Liên từng cho rằng: "Nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng, tiếng cười có một thế mạnh đặc biệt. Nó có thể tạo ra nỗi ám ảnh, sự day dứt cho người xem. Cười trong tuồng không phải là tiếng cười "ha hả; ha ha, hố hố" như các môn nghệ thuật khác. Đơn giản là cười lớn/cười khích/cười đau thương/cười khinh bỉ (cười gằn), nhưng cười theo tình cảm nhân vật qua trạng thái, tâm hồn, con tim cảm nhận của người nghệ sĩ".

Chính vì sự trăn trở đó mà suốt bao năm qua, bà vẫn "xót xa" một hiện thực đáng buồn rằng, hiện nay nhắc đến nghệ sĩ tuồng mà người ta cứ "hở" với "hả" vì bị khán giả ngó lơ. Theo bà từng chia sẻ, không phải khán giả không còn ưu ái với nghệ thuật tuồng nữa mà bởi chính nghệ sĩ không thuyết phục được khán giả đến với mình.

"Nhiều nghệ sĩ, chỉ cốt hát hay, dập khuôn mà không biết nghệ thuật là cần thả hồn vào đó. Tôi nghĩ, dù bậc anh hùng hay kẻ điên dại thì cũng là con người; ai cũng mang trong mình dục cảm, xúc cảm và những mối mâu thuẫn giằng xé. Tôi luôn diễn đạt điều ấy bằng tiếng cười, bởi vì nghe tiếng cười có thể phân biệt được người ấy là ai? Tốt hay xấu? Buồn hay vui? Say hay tỉnh? Hạnh phúc hay đau khổ? Thỏa mãn hay thất vọng? Với tôi, tiếng cười có thể lý giải và hóa giải được rất nhiều điều. Khi không thể nào khóc thì cười", NSND Đàm Liên từng chia sẻ.

Bà cũng từng nói: "Sân khấu tạo nên danh tiếng Đàm Liên, nhưng để có được tiếng cười mang dấu ấn riêng có lẽ chính vì tôi có thể nghiền ngẫm và sáng tạo hết sức cho nghệ thuật Tuồng".

Đàm Liên và dấu ấn "một mình"

Bà chúa tuồng Đàm Liên.

Đằng sau thành công của người nghệ sĩ dành trọn vẹn cuộc đời cho nghệ thuật như NSND Đàm Liên là mối tình đẹp với nhạc sĩ kém tuổi gốc Bình Định: Vĩnh An. Khi ấy, nhạc sĩ Vĩnh An đã 43 tuổi và vì mê say "bà hoàng" sân khấu tuồng Đàm Liên nên ông quyết định ra Hà Nội sinh sống. Và cũng vì yêu nên ông vừa là chồng, vừa là tri kỉ, trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của NSND Đàm Liên thăng hoa.

Tuy nhiên, theo NSND Đàm Liên, không phải vì thế mà bà được coi là "hai mình". Trong một bài phỏng vấn cách đây nhiều năm, bà nói: "Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ có một mình là chuyện thường tình của một đời làm diễn viên tuồng như tôi. Nói Đàm Liên yêu nhiều và nhiều người yêu nhưng rút cuộc đến cuối cùng chẳng phải cũng chỉ một mình hay sao? Cho đến giờ tôi đi chơi, đi đâu rồi cũng chỉ muốn trở về với không gian một mình. Một mình tôi ngâm nga thơ Xuân Diệu, nhớ những mối tình đã qua và nghiên cứu Tuồng. Đó là thế giới nghệ thuật mà cả đời tôi theo đuổi. Có nhiều người đùa trêu: Đàm Liên trở thành ni cô rồi. Tôi cười: Vâng, em đã thành ni cô!".

Rồi người ta lại thắc mắc, chẳng phải nhạc sĩ tài hoa Vĩnh An đã bên bà suốt quãng thời gian dài như thế, sao gọi là một mình? Bà trầm tư kể: "Với Vĩnh An, con tim tôi không rung đến mức có độ "thắt" như với những người đàn ông trước đó. Nhưng ông ấy là một người chồng tuyệt vời, vị tha, bao dung. Ông ấy luôn bao dung tôi, chăm lo, quan tâm tôi từ quần áo, nhà cửa vì biết tôi rất vụng. Ông ấy bên cạnh hỗ trợ tôi rất nhiều trong sự nghiệp. Nhớ lần tôi từng trách anh Ngọc Phương giao vai "Ông già cõng vợ đi xem hội": Có phải vì anh thấy em lấy chồng già nên anh để vai cho em? Nhưng Vĩnh An nói: "Em đừng nghĩ sai cho người ta, vì anh ấy thấy em thông minh". Tôi đã tin như vậy! Vĩnh An là người có tiếng cười giàu trạng thái cảm xúc. Nghe tiếng cười của ông có thể đoán được tâm trạng. Tiếng cười muôn màu muôn vẻ trong tuồng của tôi cũng là nhờ chăm "nhặt" từ cuộc sống và từ người bạn đời".

Nhưng bà cũng từng thẳng thắn bày tỏ: "Tôi cứ hay nói, cũng may chỉ có một ông chồng, một đứa con, chứ nặng chuyện tình cảm, chồng con quá, rồi loay hoay mãi với bếp núc thì tài gì nữa? Thời gian đâu mà nghiền ngẫm, suy tư, sáng tạo? Số Đàm Liên chỉ một mình mới giỏi. Ngẫm ra, chỉ khi một mình mới thành tài được!".

Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/hon-50-nam-dau-an-ho-nguyet-co-dam-lien-voi-san-khau-tuong-20200427225945656.htm