Hơn 50.000 người Việt mắc lao chưa được quản lý

Hàng năm Việt Nam có thêm khoảng 174.000 người mắc lao và 13.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Ủy viên UBQG về chấm dứt bệnh lao, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay, chúng ta vẫn chưa phát hiện hết người bị lao. Mỗi năm, Việt Nam có 174.000 người mới mắc lao, nhưng chỉ phát hiện khoảng 105.000 người.

“Dự kiến số người phát hiện trong khu vực tư nhân hoặc cơ sở y tế đa khoa nhưng chưa được đăng ký điều trị hoặc chưa báo cáo là khoảng 20.000 người. Như vậy, khoảng hơn 50.000 người mắc lao tại cộng đồng chưa được quản lý và điều trị. Chính sự không phát hiện kịp thời, còn nhiều nguồn lây trong cộng đồng khiến bệnh lý này tồn tại lâu”, PGS Nhung nói.

Hiện nay, lao đã có thuốc chữa. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị khỏi các trường hợp mắc bệnh, khiến nguồn lây dần mất sẽ giúp tiêu diệt căn bệnh này vào năm 2030.

Bệnh nhân nữ mắc bệnh lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Justin Mott/The New York Times.

Bệnh nhân nữ mắc bệnh lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Justin Mott/The New York Times.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để cho người dân hiểu lao cần phải phát hiện và điều trị lao và làm sao tiện lợi nhất cho người dân được tiếp cận quỹ.

"Lao không phải bệnh di truyền, nếu chúng ta phát hiện muộn, người thân bạn sẽ bị đầu tiên. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu có 20 triệu người phụ nữ trong 20 triệu hộ gia đình biết về bệnh lao để bảo vệ gia đình. Chúng tôi cũng cần 10 triệu thanh niên cùng hành động để truyền thông rộng rãi về lao. Đó là cách truyền thông và tiếp cận lao đến cộng đồng rộng rãi”, PGS Nguyễn Viết Nhung nói.

Chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 là một thách thức lớn với Việt Nam. Để thực hiện được điều này, Chương trình Chống lao quốc gia đã có những đổi mới trong công tác phòng chống lao với ba nội dung hành động: 1 cam kết, 2 đột phá và 3 vận động.

“Hiện nay, về công nghệ, chúng tôi đã có phương tiện tiện chẩn đoán mới rất nhạy và kỹ thuật xét nghiệm X-pert đột phá trên toàn cầu. Chúng ta có thuốc mới, phác đồ mới, phác đồ can thiệp ngắn với cả trường hợp lao kháng thuốc. Tiến tới chúng ta có thể sản xuất được vắc xin phòng, chống lao”, PGS Nhung nói.

Ông cho hay để tiến tới chấm dứt lao, chúng ta cần phải vận động cộng đồng để mọi người hiểu biết và thực hành chuẩn hơn trong phòng, chống lao giống như phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Người dân cần phải chuyển động về nhận thức. Do đó, phải vận động bằng nhiều cách thông qua các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, chính quyền đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, ngoài 30% kinh phí Chính phủ hỗ trợ, chúng ta cần tiếp tục vận động sự hỗ trợ của quốc tế, để đẩy nhanh mục tiêu chống lao bền vững cả về nguồn lực, cơ chế, tiếp cận và cả hệ thống tổ chức.

“Chúng tôi khẳng định, dù người dân nghèo nhất cũng được chữa lao. Hãy để bác sĩ chẩn đoán lao cho mình. Những người mắc lao không có thẻ BHYT, chúng tôi có quỹ PASTB hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm. Quỹ PASTB đã hỗ trợ cho gần hai nghìn người trong hai năm qua. Trong năm 2020, dự kiến 2.500-3.000 người sẽ được hưởng lợi từ quỹ này”, PGS Nhung cho hay.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hon-50000-nguoi-viet-mac-lao-chua-duoc-quan-ly-post1061650.html