Hơn 5.000 người đổ bệnh ở Malaysia vì dòng sông Kim Kim bị hạ độc

Tháng 3/2019, hơn 5.000 cư dân ở Pasir Gudang, Malaysia bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi một công ty đổ trộm chất thải xuống sông Kim Kim, và đến bây giờ những hậu quả vẫn còn.

Mới chỉ 2 năm trước, Irfan Wafiy Idham Wazir vẫn còn chơi nhào lộn, trèo tường và đá bóng tại khu dân cư nơi cậu bé sinh sống ở Johor, Malaysia. Nhưng hôm nay, cậu bé 13 tuổi phải chống gậy đi lại, không thể đứng hoặc đi bộ liên tục trong thời gian dài. Đôi chân của cậu rung một cách mất kiểm soát, và cậu cảm thấy như có hàng nghìn chiếc kim đâm vào bàn chân mình, một hội chứng có tên gọi là myokymia.

Tại trường, Irfan phải ngồi ghế cầu nguyện thay vì quỳ xuống một tấm thảm. Cậu gặp khó khăn khi bước lên cầu thang và đành dành phần lớn thời gian ngồi học khoa học - môn ưa thích của cậu bé - thay vì tham gia các hoạt động thể chất. Khi cảm thấy quá đau đớn, cậu cố gắng để quên nó đi.

 Irfan và gia đình của mình. Cậu bé đang phải chống gậy tới trường sau khi bị ảnh hưởng sức khỏe từ vụ ô nhiễm sông Sungai Kim Kim. Ảnh: South China Morning Post.

Irfan và gia đình của mình. Cậu bé đang phải chống gậy tới trường sau khi bị ảnh hưởng sức khỏe từ vụ ô nhiễm sông Sungai Kim Kim. Ảnh: South China Morning Post.

Ngày khủng khiếp ở Pasir Gudang

Tuy nhiên, Irfan vẫn coi mình là người may mắn. Ít nhất thì tình trạng của cậu không ảnh hưởng đến não hay hệ hô hấp.

Irfan là một trong số 5.000 cư dân bị ốm nặng sau khi phơi nhiễm các hóa chất độc hại mà P Tech Resources - một công ty xử lý lốp xe cũ - đã đổ xuống sông Sungai Kim Kim vào tháng 3/2019. Lượng chất thải nguy hại được đổ xuống sông ước tính vào khoảng từ 20 đến 40 tấn.

Toàn bộ 111 trường học ở thị trấn Pasir Gudang phía nam Malaysia đã phải đóng cửa, và hàng trăm người được đưa tới bệnh viện trong các phòng chăm sóc tích cực, với triệu chứng khó thở, buồn nôn và đau đầu.

Cha của Irfan, ông Idham Wazir Wahab, nhớ lại cái ngày trường học gọi điện về thông báo rằng con trai ông ngã quỵ trong lớp và cho biết đó là một sự hủy hoại khủng khiếp. Sau đó là những tiếng còi xe cứu thương, phụ huynh đổ xô đến trường và sự hỗn loạn nổi lên tại bệnh viện.

Gia đình 7 người của ông Idham sống ở Pasir Gudang từ năm 2000, và đây là lần đầu tiên một cuộc khủng hoảng sức khỏe như vậy xảy ra ở thị trấn của họ.

Ông Idham cho biết cả nhà bắt đầu ngửi thấy mùi cao su cháy vào ngày 7/3/2019, nhưng chính phủ đã "không hành động kịp thời để dọn dẹp những chất thải độc hại", cho đến khi lần đổ trộm thứ 2 xuất hiện sau đó 1 tuần.

Sau khi cậu bé Irfan được chẩn đoán mắc hội chứng myokymia, ông Idham bỏ việc và đưa con trai đến những bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất ở thủ đô Kuala Lumpur, với hy vọng tình trạng của cậu bé sẽ được cải thiện. Gia đình cũng đã thử những phương pháp khác như châm cứu. Họ cho biết tới nay đã chi trả 2.400 USD hóa đơn y tế, và cảm thấy có một "nỗi sợ" với con sông Sungai Kim Kim.

"Chúng tôi không muốn đi tới bất cứ đâu gần đấy", ông Idham nói.

Các nhân viên y tế trong trang phục phòng độc đưa người dân Pasir Gudang tới bệnh viện sau vụ nhiễm độc tháng 3 năm ngoái. Ảnh: AP.

Hầu hết gia đình ở khu vực yêu cầu trẻ em ở trong nhà, do lo sợ môi trường nhiễm độc bên ngoài.

Pasir Gudang là một thị trấn công nghiệp ven biển, và ở đây có khoảng 2.000 nhà máy, và 250 trong số này là các nhà máy hóa chất, mặc dù trên thực tế là các khu dân cư mới và trung tâm thương mại đang mọc lên ngay cạnh khu công nghiệp.

Vùng đất chết

Ông Vincent Chow, phó chủ tịch Hiệp hội Thiên nhiên Malaysia cho biết tình hình môi trường mới chỉ tệ đi trong thời gian gần đây. Cách đây 10 năm, con sông Sungai Kim Kim vẫn còn trong sạch, có nhiều tôm cá. Nhưng khi các nhà máy và khu dân cư mọc lên, chất lượng nước bắt đầu bị ảnh hưởng.

Giờ đây thì phần giữa và hạ nguồn của con sông đã chuyển sang màu đen, và "chết chóc ở mọi nơi", theo ông Chow.

"Không ai còn câu cá. Không có sự sống. Nó là một vùng đất chết", ông Chow nói.

Việc dòng sông bị ô nhiễm không phải là một sự kiện tức thời mà là một quá trình tích tụ trong nhiều năm, nó giờ đây giống như một kho chứa các chất thải, theo ông Chow.

Và trong điều kiện nắng nóng, mực nước thấp, những chất thải này sẽ bốc hơi và hòa lẫn vào không khí.

"Khi bạn tới Pasir Gudang, chất lượng không khí thay đổi ngay lập tức. Bạn sẽ ngửi thấy mùi khí gas cho tới khi có gió thổi chúng bay đi", ông Chow cho biết.

Benzene là một trong những chất hóa học được phát hiện ở dòng sông, cùng với đó là methane, hydrogen chloride, acrylonitrile, acrolein, toluene, xylene và limonen, tất cả đều là những chất mà tiếp xúc lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đáng lo ngại hơn, các bác sĩ cho biết những triệu chứng nhiễm độc từ các chất này có thể chỉ xuất hiện sau hàng chục năm, và về lâu dài có thể dẫn đến bệnh máu trắng, ung thư hoặc tổn thương nội tạng.

Nhiều người dân đã chỉ trích chính quyền về cách xử lý vụ việc, họ cho rằng giới chức đã mất quá nhiều thời gian để dọn sạch dòng sông, và cũng có rất ít thông báo về một kế hoạch dài hạn nào để hỗ trợ người dân.

Ông Idham đã tham gia một nhóm vận động kêu gọi chính quyền Malaysia làm nhiều hơn nữa cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm.

Ngư dân địa phương cho biết số lượng cá trên sông Sungai Kim Kim đã giảm 70% sau vụ ô nhiễm. Ảnh: South China Morning Post.

Nhóm này vào tháng 7/2019 đã đệ đơn kiện 11 cá nhân và tổ chức - bao gồm cả chính quyền bang - lên Tòa án Tối cao bang Johor, đại diện cho 160 người bị ảnh hưởng từ vụ ô nhiễm sông Sungai Kim Kim.

Ông Chow cho biết sau nhiều năm chính quyền bang không quan tâm đến những vi phạm môi trường đối với sông Sungai Kim Kim, đã đến lúc phải hành động nhiều hơn, bao gồm các nghiên cứu môi trường dài hạn, xem xét tình hình để tìm ra mức độ ô nhiễm và số lượng động vật còn sót lại, cũng như đối thoại về tình trạng của dòng sông.

"Chỉ khi mọi người bắt đầu ngất xỉu thì chính phủ mới bắt đầu chú ý", ông nói.

Ông Chow cũng kêu gọi chính quyền nạo vét hoàn toàn dòng sông, và cấm các hoạt động sản xuất ở đầu nguồn để hệ sinh thái của nó có thể dần dần hồi phục.

Sơn Trần
(theo South China Morning Post)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hon-5000-nguoi-do-benh-o-malaysia-vi-dong-song-kim-kim-bi-ha-doc-post1063103.html