Bàn giải pháp 'ghìm' tăng giá thức ăn chăn nuôi

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi đang tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá thức ăn chăn nuôi để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành. Đồng thời, các địa phương cần cơ cấu lại chuỗi chăn nuôi để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.

Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng, trong khi giá lợn xuất chuồng giảm gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Ảnh: TL

Sáng 18/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi”.

Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 18 - 22%

Tại hội nghị, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng, căng thẳng giữa Nga – Ukraine… đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 18 - 22%. Mặc dù giá lợn giống đã hạ khá hợp lý từ 2,6 triệu đồng xuống 1,2 triệu/con nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Từ đầu năm đến cuối tháng 2/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn từ 53.000 - 56.000 đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng so với cùng kỳ; trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc như: ngô hạt tăng trên 29,3%, khô dầu đậu tương tăng trên 33%, bã ngô tăng trên 23%, lúa mì 9 tăng 49,5%.

Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 bởi giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi. Diện tích sản xuất ngô, đậu tương thấp; sắn chủ yếu để sản xuất tinh bột sắn cho xuất khẩu. Các nguyên liệu có nguồn gốc động vật có thể sử dụng để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là các loại phụ phẩm chế biến thủy sản và phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm cũng đang được tận dụng. Một số phụ phẩm như bã bia, bã dứa, vỏ điều, vỏ cà phê,… đã được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả vì số lượng còn ít, công nghệ còn lạc hậu.

Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng

Để giải quyết bài toán giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn… Việc tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua ngô, sắn của nông dân với giá ổn định.

Ngoài ra, các địa phương cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm để tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại...

Về vấn đề nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Các địa phương khi cho phép xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cần tính đến việc phù hợp với vùng chăn nuôi, chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về logistics. Đây cũng là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thời gian tới, Tập đoàn De Heus sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để thành lập các hợp tác xã sản xuất sắn, ngô để giảm áp lực phải nhập khẩu.

"Các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá thức ăn chăn nuôi để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành. Mong các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu từ sớm thì chưa vội tăng giá trong thời điểm này để hỗ trợ phần nào người chăn nuôi cũng như hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển" - ông Phùng Đức Tiến đề nghị.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80 - 85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên giá thế giới tăng tác động trực tiếp tới giá thành sản xuất của các doanh nghiệp.

Trước bối cảnh bão giá nguyên vật liệu đẩy giá thành tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm và căng mình duy trì các hoạt động hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh hoạt động tái đàn trong nước đang được đẩy mạnh. Tháng 2/2022 đã chứng kiến các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi điều chỉnh tăng giá lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020 đến nay.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ban-giai-phap-ghim-tang-gia-thuc-an-chan-nuoi-102027.html