Hơn 40 người chết vì viêm phổi, Việt Nam yêu cầu khách Trung Quốc nhập cảnh phải khai y tế

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm phổi, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương có cửa khẩu phải áp dụng tờ khai y tế với khách Trung Quốc.

Diễn biến phức tạp

Bộ Y tế vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố có cửa khẩu áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách Trung Quốc nhập cảnh từ 0h ngày 25/1 (tức Mồng 1 Tết Canh Tý). Theo đó, kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Kể từ 0h ngày Mồng 1 Tết, khách Trung Quốc vào Việt Nam phải khai y tế. Ảnh: VNE

Kể từ 0h ngày Mồng 1 Tết, khách Trung Quốc vào Việt Nam phải khai y tế. Ảnh: VNE

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do nCoV như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp thì kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định. Cụ thể là đưa vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời cho ngành y tế.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Sáng 25/1, nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc xác nhận có thêm 15 ca tử vong vì dịch viêm phổi, trong khi hơn 1.000 người đã nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Số người chết do viêm phổi Vũ Hán hiện tăng lên 41. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận 2 ca bệnh dương tính với virus nCoV là ông Li Ding, sinh năm 1954 và con trai Li Zichao, sinh năm 1992. Hai cha con người Trung Quốc đã lây bệnh viêm phổi cấp cho nhau, do người cha từ Vũ Hán sang Việt Nam.

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh có xu hướng gia tăng, có nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Hai số điện thoại "nóng" thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV được Bộ Y tế công bố là 0989671115, 0963851919. Người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.

Nghệ An rốt ráo phòng dịch

Trong khi đó, tại Nghệ An, ngay sau khi UBND tỉnh có công văn hỏa tốc, Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn để phòng chống dịch bệnh này.

Qua đó, Giám đốc Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối, có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, công tác kiểm dịch y tế để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng tại các cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế Vinh, các cơ sở điều trị, đặc biệt là những trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan; cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Sáng 25/1, nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc xác nhận có thêm 15 ca tử vong vì dịch viêm phổi, trong khi hơn 1.000 người đã nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Số người chết do viêm phổi Vũ Hán hiện tăng lên 41. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân.

Đơn vị này cũng phải tăng cường phối hợp giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút (SVP). Duy trì giám sát trọng điểm bệnh hội chứng cúm (ILI) tại các điểm giám sát trọng điểm quốc gia. Củng cố các đội chống dịch cơ động tuyến tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành, thị xã khi cần thiết....

Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Vinh có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phát hiện, phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại hộ gia đình, thôn; xã, phường để khoanh vùng và xử lý kịp thời; báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định. Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch theo Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế, đảm bảo công tác trực chống dịch 24h tại tất cả các đơn vị.

Đối với các huyện có cửa khẩu, phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong việc kiểm tra, giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế. Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.

Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Chủ động thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Vinh trong công tác thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

Ngoài ra, các cơ sở tế còn có trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (dịch ngoáy họng hoặc dịch tỵ hầu hoặc dịch nội khí quản), đóng gói, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm đảm bảo các quy định về an toàn sinh học và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán. Điều tra ca bệnh theo mẫu phiếu điều tra viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Tiến Hùng (Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hon-40-nguoi-chet-vi-viem-phoi-viet-nam-yeu-cau-khach-trung-quoc-nhap-canh-phai-khai-y-te-261401.html