Hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ

Bằng tấm lòng, tình yêu và sự tôn kính, ông Nguyễn Văn Nhung (62 tuổi, ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã dành trọn cuộc đời để tìm kiếm sưu tầm, lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 42 năm qua, hàng ngàn tranh ảnh, sách và bài báo về Bác Hồ đã được ông cất công sưu tầm để bày tỏ tấm lòng tôn kính với vị Cha già dân tộc.

Gian nan góp nhặt tư liệu

Ông Nhung giới thiệu những tấm ảnh về Bác Hồ.

Ông Nhung giới thiệu những tấm ảnh về Bác Hồ.

Ông Nhung kể, khoảng năm 1969, một lần ông về thăm quê ngoại ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) và ngủ đêm lại đó. Nửa đêm, nghe tiếng người khóc, ông giật mình ra khỏi mùng thì thấy ngoại cầm tấm ảnh trên tay. Khi được hỏi, ngoại ông trả lời, đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bác vừa đi xa. “Lúc đó, tôi còn nhỏ và chỉ nghĩ trong đầu có lẽ người này quan trọng lắm ngoại mới khóc. Rồi sau ngày thống nhất đất nước, tôi tiếp tục nghe các chú các bác kể những mẩu chuyện về Bác Hồ. Đặc biệt, trong một lần bộ đội về làng, tôi đến chơi, tình cờ thấy một anh bộ đội giữ tấm ảnh giống ảnh ngoại tôi ôm khóc năm xưa, lúc này tôi mới biết đó là ảnh Bác Hồ. Sau đó, tôi tiếp tục nghe các anh bộ đội kể chuyện về Bác, mẩu chuyện nào cũng hay, khiến tôi chú ý. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu cứ thế ăn sâu vào tâm trí của tôi với sự ngưỡng mộ và tôn kính. Vậy là, từ năm 1978 tôi bắt đầu đi tìm tư liệu về Bác Hồ cho đến nay” - ông Nhung chia sẻ.

Theo ông Nhung, lúc đó, tấm lòng, quyết tâm có sẵn nhưng thực hiện quả là một chuyện không đơn giản. Những năm sau đất nước thống nhất, Thới An Hội là xã vùng sâu của huyện Kế Sách, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhà ông Nhung không vườn ruộng, vợ chồng phải tần tảo sớm khuya lo cho 5 người con ăn học. Vậy mà sau những buổi mưu sinh, người ta lại thấy ông chạy khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Lúc đầu, ông đến nhà bà con, bạn bè trong xóm, trường học gần nhà để tìm kiếm. Sau đó lại đạp xe ra huyện rồi lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, báo, đài tỉnh… hỏi “xin” báo cũ; kế đến lân la vào UBND xã, trường học, bưu điện… cơ quan nào có đặt báo là ông có mặt. Ban đầu, nhiều người thấy lạ, không biết ông xin báo để làm gì nên chẳng ai cho, thậm chí có người nghĩ ông đi gom báo để bán kiếm tiền.

“Tôi “lì” lắm. Lần đầu không được, tôi đến thêm lần nữa, cứ thế kiên trì giải thích ý tưởng của mình, cuối cùng cũng được mọi người hiểu, cảm thông và ủng hộ. Có người hàng chục năm nay, mỗi khi đọc sách báo thấy có in hình ảnh hoặc đăng tư liệu về Bác Hồ là cất giữ để gửi tặng tôi. Những sách báo không mua được, tôi mượn photo lại, còn ảnh quý thì nhờ họa sĩ vẽ lại” - ông Nhung kể.

Sau khi vốn tư liệu phong phú, ông Nhung dành phòng khách làm nơi trưng bày, rồi chọn nơi trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ Bác. Từ đó, căn nhà nhỏ của ông trở thành điểm hội tụ, gặp gỡ của cán bộ, người dân và học sinh đến học tập, dâng hương cho Bác.

Thư viện Bác Hồ

Trước căn nhà nhỏ của ông Nhung (gần chợ Cầu Lộ) là phòng đọc sách cho người dân ấp Xóm Đồng 1. Còn bên trong căn nhà, nơi trưng bày, gìn giữ bộ sưu tập tư liệu độc đáo là một phòng khách đầy hình ảnh, sách báo. Trên vách nhà là những tấm ảnh về Bác Hồ treo ngăn nắp, trật tự; sát tường là những chồng sách, báo được ông lưu giữ rất cẩn thận để không bị hư hỏng theo thời gian. Hiện ông Nhung đã sưu tầm được trên 2.000 tấm ảnh và hàng ngàn bài báo, sách về Bác Hồ. Những tư liệu này phản ánh đầy đủ về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Ông Nhung cho biết, khi sưu tầm được hình ảnh, bài báo, hay tư liệu về Bác, hằng đêm ông tranh thủ đọc, phân loại tư liệu theo các mốc thời gian, như: Bác Hồ thuở thiếu thời, Bác Hồ thời thanh niên, Bác đi tìm đường cứu nước, lúc sinh sống hoạt động ở nước ngoài đến khi về nước lãnh đạo cách mạng, trong kháng chiến cũng như cách mạng thành công, khi làm Chủ tịch nước, những hình ảnh sau khi Bác qua đời… Lấy ra một chồng báo, ông nói: “Đây là những tư liệu vô giá đối với tôi, không có gì có thể đổi được. Trong đó, có những bài báo được xuất bản cách nay hàng chục năm như: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi”; “Những năm tháng chiến tranh, thi hài Bác được giữ thế nào”… đến các bức ảnh Bác Hồ theo dõi mặt trận biên giới năm 1950; Bác làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951; vui chơi với thiếu nhi năm 1955; tưới cây vú sữa miền Nam; tát nước ở Hà Tây năm 1958; thăm đồng bào dân tộc Tây Bắc năm 1959; dự Đại hội đại biểu Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần 3-1960; thăm đồng bào Hà Giang năm 1961…”.

Từ thực tế cho thấy, công việc của ông Nhung đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận, công phu và tình yêu vô bờ bến dành cho Bác làm động lực để ông thực hiện. Không chỉ sắp xếp theo trình tự thời gian, có những bộ tư liệu được ông phân theo những chủ đề nhất định như: Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với miền Nam, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với bạn bè quốc tế… Nhiều người khắp nơi biết việc làm ý nghĩa này đã viết thư thăm hỏi, động viên, trao đổi tư liệu. Bây giờ, kho ảnh, tư liệu của ông Nhung đã là một câu chuyện đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho biết ông thích nhất là hình ảnh Bác Hồ bên cây vú sữa, gợi nhớ hình ảnh miền Nam ruột thịt luôn trong trái tim Người.

Mỗi khi có khách đến xem, ông Nhung trực tiếp hướng dẫn thuyết trình để mỗi người cùng tìm hiểu về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông Lê Thành Khánh, công chức văn hóa - xã hội xã Thới An Hội, cho biết, việc ông Nhung sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ góp phần giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Tận mắt chứng kiến cảnh ông Nhung nâng niu những tấm ảnh, tờ báo hay quyển sách về Bác Hồ mới thấy trân quý tấm lòng của ông đối với Bác...

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hon-40-nam-suu-tam-tu-lieu-ve-bac-ho-a121410.html