Hơn 36.000 tỷ đồng cấp điện cho 100% hộ dân vào năm 2020

Với tổng số vốn dự kiến là 36.410 tỷ đồng, chương trình điện khí hóa nông thôn hướng tới mục tiêu 100% số hộ dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận điện vào năm 2020.

Mặc dù con số cần phủ điện còn rất nhỏ, mục tiêu này đang gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc.

Theo đó, 85% tổng mức đầu tư được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, huy động từ nguồn cân đối ngân sách giai đoạn 2013 – 2020 và nguồn tài trợ ODA.

15% tổng mức đầu tư còn lại do chủ đầu tư thu xếp, có thể do ủy ban nhân dân tỉnh cân đối từ ngân sách địa phương hoặc do EVN đứng đầu, cân đối vốn tự có hoặc vay trong nước.

Tính đến hết năm 2015, khoảng 98% số hộ dân nông thôn được tiếp cận điện và mục tiêu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân sẽ có điện.

Mặc dù con số cần phủ điện còn rất nhỏ, mục tiêu này đang gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc như vấn đề nguồn lực, công tác quy hoạch, an toàn và hoạt động kinh doanh.

Tại hội thảo khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo, ông Đinh Duy Phong, đại diện Phòng điện khí hóa nông thôn, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, ngân sách Trung ương hiện nay còn hạn hẹp, vốn đối ứng khó khăn và đặc biệt, các nguồn ODA tài trợ không còn đảm bảo tính ưu đãi cần thiết trong bối cảnh Việt Nam không còn nằm trong nhóm đối tượng ưu đãi của các nhà tài trợ.

Việc tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn ít, doanh thu bán điện thấp trong khi khối lượng và chi phí vốn đầu tư quá lớn. Hầu hết dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế - tài chính nên đã hạn chế quá trình đầu tư cấp điện nông thôn, ông Phong chia sẻ.

Không chỉ vậy, các xã chưa có điện chủ yếu là các xã đảo, vùng núi cao bị cô lập về địa hình, số hộ dân chưa có điện chủ yếu sống ở các thôn, bản vùng sâu, nằm quá xa lưới điện quốc gia, dân sống rải rác nên đầu tư có chi phi quá lớn.

Điều này càng đặt ra nhu cầu sử dụng các năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, giúp các hộ dân tiếp cận điện dễ dàng trong bối cảnh khó có điện lưới quốc gia, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA) khẳng định: “Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo là xu hướng tiến bộ và tất yếu cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu”.

Cũng tại hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh, đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nhấn mạnh: “Với mục tiêu chính trị mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách, sự ủng hộ bằng những hành động cụ thể của người dân, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan thì không trở ngại nào mà Việt Nam không thể vượt qua trên con đường chuyển dịch năng lượng cho phát triển bền vững”.

Quy Quy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hon-36000-ty-dong-cap-dien-cho-100-ho-dan-vao-nam-2020-1534837252689.htm