Hơn 3500 kiến nghị cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp 6 của Quốc hội

Sáng 22/10, trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân với Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Có 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 834 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.646 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có báo cáo tổng thể về SGK

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Thời gian qua, cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; tốc độ tăng GDP đạt khá cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả…

Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, có ơn 3500 kiến nghị cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp 6 của Quốc hội. Ảnh: Zing.vn.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học và phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí lớn cho xã hội; các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong Nhân dân. “Đề nghị Bộ GD&ĐT có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

Đồng thời, cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương chưa đúng quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép trên một số địa bàn; việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân trong việc xử lý các tranh chấp đất đai.

Vẫn bức xúc với tham nhũng vặt

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; coi trọng các giải pháp phòng ngừa; tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng (sau khi được Quốc hội thông qua), kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là với các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản tham nhũng.

Cùng với đó, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: Cử tri và Nhân dân còn phản ánh về một số vấn đề như: lãng phí trong đầu tư công; vi phạm trong đầu tư, khai thác, quản lý một số dự án BOT; chất lượng không bảo đảm của nhiều công trình giao thông, nhất là đường cao tốc; tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; công tác quản lý mạng xã hội còn bất cập; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trung ương, chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân ở một số nơi còn hạn chế, vẫn còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài, vượt cấp; công tác tiếp và đối thoại với người dân để giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức một số nơi chưa thực sự được quan tâm...

6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng cho biết: Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương 6 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trong Nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong Nhân dân.

Thứ hai,đề nghịChính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng, đồng bộ và đầy đủ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối cục bộ giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp mới.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản; thực hiện sơ kết, đánh giá việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ sáu, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hon-3500-kien-nghi-cu-tri-va-nhan-dan-gui-toi-ky-hop-6-cua-quoc-hoi-328003.html