Hơn 34.000 tỷ đổi mới sách giáo khoa, hiệu quả thế nào?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Vinh Hiển ước tính, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông từ năm 2016 đến 2023, ngân sách phải chi ra 34.275 tỷ đồng.

Số tiền này, theo ông Hiển, mới chỉ là dành cho việc xây dựng nội dung của hệ thống SGK trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học; tập huấn đội ngũ giáo viên; dạy thử nghiệm, dạy đại trà và tuyên truyền nội dung SGK mới, chứ chưa tính đến khoản đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục phổ thông.

Số tiền đầu tư cho việc đổi mới nội dung SGK vô cùng lớn, nhưng cho ý kiến vào vấn đề này tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 14/4, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho biết, bà đã đọc kỹ Báo cáo đánh giá tác động của Đề án Đổi mới Chương trình và SGK, và “thấy cái gì cũng đúng hết”.

“Ngân sách phải bỏ ra số tiền khổng lồ để đổi mới nội dung SGK, nhưng tôi thấy, Báo cáo đánh giá tác động lại đơn giản quá, đánh giá theo kiểu định tính, chứ chưa hề định lượng được với số tiền đầu tư này, kết quả thu được những gì”, bà Mai phát biểu.

Mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này là tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và thế giới; bảo đảm học sinh học hết trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau trung học phổ thông có chất lượng...

“Tôi thấy mục tiêu này cũng chẳng khác gì mục tiêu của Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được Quốc hội ban hành từ năm 2000. Thực hiện Nghị quyết này, hàng năm ngân sách phải sử dụng ít nhất 20% tổng chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chưa kể Chính phủ phải phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp học, nhưng các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn vô vàn khó khăn. Tôi chưa hình dung được với chương trình đổi mới SGK trong giai đoạn tới sẽ thế nào, trong khi số tiền đầu tư đã ước lượng tối thiểu là 34.275 tỷ đồng”, bà Mai băn khoăn.

“Trong thời gian tới, nếu Việt Nam muốn vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thì phải tập trung đổi mới giáo dục”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trích đánh giá của một GS. Đại học Harvard (Mỹ) trong báo cáo đánh giá về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam để bày tỏ quan điểm ủng hộ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo ông Dũng, số tiền để đổi mới chương trình, nội dung SGK khoảng 34.275 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 tỷ USD, là vô cùng lớn nếu sử dụng nguồn ngân sách và không hề lớn nếu huy động được cả nguồn xã hội hóa. Nhưng trong Đề án Đổi mới Chương trình và SGK lại chưa thấy đề cập cụ thể đến việc này.

“Tôi đọc phần liên quan đến đánh giá tác động về đổi mới chương trình và SGK trong Đề án cứ ngỡ là... đọc bản tóm tắt, trong khi vấn đề này tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, là tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới”, ông Dũng bình luận.

Ông Dũng cho rằng, nếu không có các báo cáo đánh giá tác động cụ thể để xây dựng Nghị quyết về Đổi mới chương trình, SGK thì Nghị quyết mới chẳng khác gì Nghị quyết 8, Khóa XI của Đảng về vấn đề này và cũng chẳng khác gì Nghị quyết 40/2000/QH10 đã thực hiện gần 15 năm nay.

Không bình luận kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10, nhưng ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kể, ông mới có dịp sang Cuba và được chụp ảnh cùng với Fidel Castro. Sau khi xem bức ảnh, nhiều cháu học sinh không biết Fidel Castro là ai. Trong khi đó, các cháu học sinh Cuba hầu như ai cũng biết khá rõ về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Chất lượng giáo dục giữa Việt Nam và Cuba có khoảng cách vô cùng lớn, trong khi hàng năm, ngân sách nhà nước và cả xã hội đầu tư hàng chục tỷ USD cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, ông Ksor Phước nói và bình luận thêm, hầu hết các nội dung của Dự thảo Nghị quyết về Đổi mới chương trình, SGK dục phổ thông dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 chưa thấy có gì đột phá so với Nghị quyết 40/2000/QH10.

Hàn Tín

Hàn Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-34000-ty-doi-moi-sach-giao-khoa-hieu-qua-the-nao-d392.html